Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động có hiệu quả, những năm gần đây, công tác dân số ở phường Tam Thuận, quận Thanh Khê đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là việc vận động người dân thực hiện các biện pháp tránh thai đều vượt chỉ tiêu đề ra.
Tuyên truyền cho phụ nữ ở phường Tam Thuận, quận Thanh Khê về sử dụng các biện pháp tránh thai. |
Phường Tam Thuận hiện có khoảng hơn 4.400 hộ với hơn 18.600 nhân khẩu; chủ yếu là lao động phổ thông, buôn bán nhỏ nên đời sống còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tư tưởng thích đông con, “trọng nam khinh nữ” vẫn còn trong một bộ phận người dân. Do đó, Ban Dân số - kế hoạch hóa gia đình phường Tam Thuận xem đẩy mạnh công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Chị Nguyễn Thị Minh Hải, cán bộ phụ trách dân số phường Tam Thuận cho biết, do nguồn kinh phí dành cho công tác dân số khá hạn hẹp, chị đã phối hợp cùng Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ... để triển khai công tác tuyên truyền sát thực tế và đạt hiệu quả. Buổi truyền thông dân số nào do địa phương tổ chức cũng thu hút khoảng hơn 50 chị em trở lên tham gia.
Các buổi nói chuyện chuyên đề luôn lồng ghép thi tìm hiểu về các yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai, phát triển và chất lượng bào thai, tình trạng mất cân bằng giới tính, các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi... Không chỉ cung cấp kiến thức về dân số, chị em còn chia sẻ với nhau về đời sống tình cảm, cách nuôi dạy con...
Bằng cách làm đó, trong gần 3 tháng đầu năm 2019, phường Tam Thuận tổ chức được nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân, gia đình, bình đẳng giới..., thu hút hơn 280 người tham gia; đồng thời, triển khai 2 đợt chiến dịch truyền thông dân số, lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản cho hơn 400 phụ nữ trên địa bàn.
Bên cạnh đó, phường còn duy trì hoạt động các câu lạc bộ: “Phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”...
Song song, các cộng tác viên dân số đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân trực tiếp.
Phường Tam Thuận hiện có 35 cộng tác viên dân số, phân bổ đều ở các khu phố, trực tiếp theo dõi di, biến động dân số và tư vấn tại hộ gia đình thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Với “thâm niên” hơn 10 năm làm cộng tác viên dân số, chị Trương Thị Ngọc Nhung (48 tuổi) thuộc “nằm lòng” hoàn cảnh của từng hộ trong khu phố chị phụ trách.
Nhiều năm nay, chị nhẫn nại đến từng nhà, đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ để tuyên truyền họ sử dụng các biện pháp tránh thai cần thiết, phù hợp với hoàn cảnh. Những “ca” nào khó thì cán bộ dân số phối hợp cùng với cộng tác viên để tiếp cận và tuyên truyền. Nhờ vậy, hiệu quả tuyên truyền ngày càng được nâng cao.
Đơn cử, chị H.T.T.T (36 tuổi) đã có 2 con trai và 1 con gái. Hai vợ chồng chị đều là lao động phổ thông nên điều kiện kinh tế hết sức khó khăn và chưa có nhà ở. Khi cộng tác viên dân số đến vận động, người chồng phản đối dữ dội và không đồng ý cùng vợ thực hiện các biện pháp tránh thai. Dần dần, sau khi được cộng tác viên dân số thuyết phục, các con được cấp học bổng và nhất là hiểu được cảnh khốn khó nếu đẻ thêm con, chồng chị T. đã chấp nhận cho vợ đi triệt sản.
Tương tự, chị N.T.B.H. (37 tuổi) cũng có 3 con. Với lý do thu nhập cao, người chồng cương quyết từ chối kế hoạch hóa gia đình với lý do. “Ban đầu, họ nhất định không chịu triệt sản và tỏ ra khó chịu, không hợp tác với cán bộ dân số. Sau nhiều lần tỉ tê về những nguy cơ mà người vợ có thể gặp phải nếu sinh mổ lần thứ 4, người chồng mới thay đổi ý kiến”, chị Hải kể.
Chỉ tính trong năm qua, 846 chị em trong độ tuổi sinh đẻ ở phường đã thực hiện các biện pháp tránh thai, vượt kế hoạch đề ra, trong đó có nhiều biện pháp khó như: đình sản (4 ca), đặt vòng (135 ca), cấy (8 ca)... Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng giảm theo từng năm.
Chị Hải cho biết, dù đạt kết quả nhất định nhưng thực tế, công tác dân số vẫn còn những khó khăn, như: một bộ phận người dân có tư tưởng đông con, nguồn kinh phí dành cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn vận động...
Bài và ảnh: PHƯƠNG MINH