Ký ức Mùa xuân đại thắng

.

Dẫu 44 năm trôi qua, ông Nguyễn Văn Sum, 69 tuổi, cựu binh Quân đoàn 4, hiện ở phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), vẫn còn khắc ghi bao kỷ niệm sâu sắc về mùa xuân 1975.

Ông Nguyễn Văn Sum với chiếc xẻng đa công dụng - kỷ vật thời đánh Mỹ.  Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Ông Nguyễn Văn Sum với chiếc xẻng đa công dụng - kỷ vật thời đánh Mỹ. 

Hồi ấy, ông Sum là chiến sĩ Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4). Sư đoàn ông đang đóng quân ở Quảng Bình thì được lệnh hành quân cơ giới vượt Trường Sơn, tiến vào miền Nam. Đoàn ô-tô rầm rập chở quân ra mặt trận và bừng bừng khí thế giết giặc lập công.

Ngoài vũ khí trang bị, mỗi chiến sĩ được cấp 1 chiếc ca tráng men có dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược!”. Vào đến miền Đông Nam Bộ, Sư đoàn 341 nhanh chóng tấn công địch, làm chủ khu vực Định Quán (tỉnh Đồng Nai), rồi tiếp tục tấn công các mục tiêu phụ cận. Đầu tháng 4-1975, đơn vị nhận lệnh tham gia tấn công căn cứ Xuân Lộc - “cánh cửa thép” phía đông Sài Gòn.

Ông Sum hồi tưởng, đánh Xuân Lộc có 3 sư đoàn của Quân đoàn 4 (Sư đoàn 341, Sư đoàn 6, Sư đoàn 7) và lực lượng phối hợp của Quân khu 7. Trận đánh bắt đầu lúc 4 giờ ngày 9-4, diễn ra hết sức khốc liệt, kéo dài suốt 11 ngày đêm. Địch ngoan cố chống cự, gây cho ta nhiều thương vong.

Người cựu chiến binh còn nhớ rõ, Trung đoàn 266 đảm nhiệm tấn công trận địa địch từ Trường tiểu học Xuân Lộc đến chợ Xuân Lộc. Từ ngày 9 đến 13-4, Trung đoàn liên tục xung phong nhưng không dứt điểm được. Bộ binh, pháo binh, máy bay, xe tăng địch điên cuồng chống trả. Quân tiếp viện của chúng với đủ các sắc lính từ trên không, trên bộ ùn ùn kéo tới hòng “tử thủ” mục tiêu lợi hại này.

Ngày 15-4, toàn mặt trận thay đổi cách đánh, từ tấn công trực diện vào Xuân Lộc chuyển sang tấn công các mục tiêu ở vòng ngoài, chặn đánh quân tiếp viện, sử dụng pháo binh khống chế Sân bay Biên Hòa, thực hiện bao vây, chia cắt Xuân Lộc. Trung đoàn 266 đảm nhiệm chốt giữ, kìm chân địch từ đèo Mẹ Bồng Con đến núi Thị, không cho địch từ Xuân Lộc cơ động ứng cứu đồng bọn. Với cách đánh ấy, quân địch ở Xuân Lộc bị cô lập, đường tiếp tế bị chặn, quân tiếp viện không đến được; đêm 20-4, chúng đã tháo chạy về phía Bà Rịa.

Quân đoàn 4 tiếp tục tấn công trong hành tiến, đánh chiếm chi khu Trảng Bom, theo quốc lộ 1A tiến đến Hố Nai, Biên Hòa, thần tốc đánh vào sào huyệt quân thù. Địch thua chạy tan tác. Hàng ngàn ngụy binh đầu hàng được phóng thích tại chỗ. Những chốt điểm của địch nhanh chóng bị quân ta đập tan. Trung đoàn 266 được lệnh vòng qua Bình Dương, theo đường 13 tiến vào Sài Gòn.

“Khi chúng tôi tiến vào thành phố mang tên Bác, nhân dân đổ ra hai bên đường vẫy cờ, vẫy hoa, reo hò đón mừng đoàn quân cách mạng. Ngày Chiến thắng 30-4 in sâu trong lòng tôi, mãi mãi không phai mờ và đó là ngày vinh quang nhất trong đời tôi!”, ông Sum nhấn mạnh.       

Sau ngày toàn thắng, đơn vị ông Sum tham gia công tác quân quản tại thành phố. Trung đoàn 266 đóng quân tại khu Gia Viên, cạnh Bệnh viện Bình Dân (gần chợ Bà Chiểu). Ngoài làm nhiệm vụ quân quản, đơn vị ông Sum còn sẵn sàng cơ động bảo vệ an ninh trật tự, góp phần giữ gìn cuộc sống yên bình của nhân dân. Đất nước thống nhất chưa bao lâu, ông Sum lại cùng đơn vị tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia.

Những năm qua, giữa nhọc nhằn cuộc sống đời thường, ông vẫn luôn hăng hái giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và đã nhiều năm được bầu làm chi hội trưởng cựu chiến binh ở khu dân cư. Nhắc đến những ngày tháng 4-1975, người cựu binh Quân đoàn 4 vừa tự hào, vừa bồi hồi tưởng nhớ bao đồng đội đã ngã xuống để làm nên Ngày Chiến thắng của toàn dân tộc.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.