Thường trực Chính phủ họp về 2 nghị định gỡ vướng cho dòng chảy kinh tế

.

Sáng 11-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao); đánh giá thực hiện Luật Quy hoạch để xem xét, giải quyết một số khó khăn trong việc triển khai đạo luật quan trọng này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đầu tư theo hình thức BT vẫn là hình thức cần thiết hiện nay, đó cũng là việc triển khai thực hiện Luật quản lý tài sản công năm 2017. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp để hoàn thiện dự thảo nghị định, giúp nghị định khi ban hành sẽ đi vào cuộc sống, đóng góp tăng trưởng kinh tế năm 2019 và các năm tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, nghị định này phải mở ra không gian tốt để sử dụng nguồn lực phát triển đất nước. Yêu cầu hoàn thiện dự thảo nghị định ngay trong tháng 4 để trình Thủ tướng xem xét, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo việc xây dựng nghị định phải bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, phù hợp với thị trường nhưng không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng tiêu cực đối với tài sản công; cùng với đó là phân cấp, giao quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm để tránh những sai phạm xảy ra.

Đối với việc thực hiện Luật Quy hoạch, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do chưa có nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch nên các địa phương, bộ, ngành chưa thể lập quy hoạch mới cho giai đoạn 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch. Ngoài ra, việc các bộ chưa trình Chính phủ ban hành 6 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch đã gây khó khăn trong việc lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 2016-2020 của 5 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Cà Mau, Hải Dương chưa thể ban hành vì chưa có nghị định hướng dẫn chi tiết. 

Bên cạnh đó, có khoảng 25 quy hoạch các ngành như quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh; quy hoạch khoáng sản; quy hoạch điện lực; quy hoạch cấp nước của các vùng kinh tế trọng điểm cũng chưa thể ban hành. Gần 370 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp không thể triển khai vì vướng quy hoạch, tập trung ở các dự án lưới điện, điện mặt trời, các dự án xử lý rác thải điện.

Nguyên nhân là do quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan đến Luật Quy hoạch đã hết hiệu lực nên không thể thực hiện việc điều chỉnh cục bộ các quy hoạch này, mà phải làm thủ tục theo Luật Quy hoạch; tức là phải thực hiện thủ tục trình duyệt như một quy hoạch mới.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc có Luật Quy hoạch là rất quan trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn trong triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trước mắt phải ban hành một nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch những điểm không vướng mắc; các nhiệm vụ này phải hoàn thành trong tháng 4 năm nay để báo cáo Quốc hội. Các cấp, các ngành vẫn tiếp tục triển khai các vấn đề đặt ra, trong đó có ban hành nghị định, để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và dòng chảy kinh tế - xã hội.

TTXVN

;
;
.
.
.
.
.