Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cùng vào cuộc làm rõ cơ sở tăng giá điện là tốt, không hề có sự chồng chéo.
Phóng viên báo Tin tức có cuộc trao đổi ngắn với đại biểu Lê Thanh Vân bên hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Thưa ông, tại sao việc tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại đang gây nhiều bức xúc trong dư luận như vậy?
Dư luận "dậy sóng" vì nó tác động đến túi tiền, miếng cơm manh áo của người dân, nhất là những hộ có thu nhập trung bình trở xuống. Nhưng vì sao dư luận xã hội và ngay cả các đại biểu Quốc hội cũng tỏ ra thiếu tin cậy số liệu của Thanh tra Bộ Công Thương và giải trình của EVN đưa ra?
Đại biểu Lê Thanh Vân trả lời phỏng vấn báo Tin tức bên hành lang Quốc hội. |
Tôi nhớ năm 2013, Thanh tra Chính phủ từng có kết luận về đầu tư ngoài ngành của EVN và chỉ ra nhiều lỗi, như dùng vốn được cấp đầu tư ngoài ngành vượt cả số vốn bảo đảm, cùng nhiều vi phạm khác. Đó là tiền lệ không tốt.
Thứ 2 là tính minh bạch trong hạch toán giá điện của EVN. Từ khâu sản xuất, truyền tải, phân phối còn thiếu minh bạch, nên dư luận nghi ngờ. Sau khi dư luận lên tiếng thì Thủ tướng đã giao cho Thanh tra Chính phủ làm rõ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây trong phiên họp tổ tại Quốc hội cũng đã yêu cầu kiểm toán làm rõ. Chỉ có các cơ quan bên ngoài kiểm soát về quá trình hoạt động, cơ cấu giá thành của EVN thì mới khách quan.
Thứ 3 là phát ngôn của lãnh đạo Bộ Công Thương không chuẩn mực, mới đây còn đưa văn bản kiến nghị xử lý cá nhân đưa thông tin xuyên tạc giá điện. Như thế nào là xuyên tạc? Khi việc tăng giá tác động túi tiền người dân, thì người dân có quyền phản ánh và phản đối, tại sao lại đề xuất một quy định “phản cảm” như vậy.
Cùng lúc có 2 cơ quan là Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm tra giá điện thì có sự "vênh" nào không, thưa ông?
Không vênh, quá trình thanh tra hay kiểm toán phải có thời gian xâm nhập thực tiễn và tiếp cận dữ liệu, so sánh đối chiếu trên cơ sở pháp luật để kết luận. Thanh tra và Kiểm toán là 2 lĩnh vực của 2 cơ quan khác nhau, không có gì chồng lấn cả.
Thanh tra Chính phủ có chức năng chính là kiểm tra sự tuân thủ pháp luật trong nội bộ hệ thống hành pháp, có tính chất là thanh tra nội bộ, giúp Chính phủ phát hiện sai phạm trong quá trình quản lý, điều hành. Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội lập ra và có tính độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, đó là kiểm soát từ bên ngoài.
Cả 2 cơ quan cùng lúc vào cuộc, kết quả có thể giống nhau hoặc khác nhau. Nếu giống nhau thì tốt, còn khác nhau cũng là chuyện bình thường. Chỉ khi số liệu 2 cơ quan thuyết phục, có đủ căn cứ mới làm dịu dư luận.
Nếu kết quả kiểm tra của 2 cơ quan khác nhau thì sao, thưa ông?
Ở góc độ kiểm soát nội bộ hệ thống thì Thanh tra Chính phủ có chức năng đưa ra kết luận để căn cứ vào đó, Thủ tướng đồng ý xử lý vi phạm nếu có, nó thuộc lỗi vi phạm trong tổ chức điều hành của hệ thống hành pháp. Còn kết luận của Kiểm toán Nhà nước nếu phát hiện sai phạm thì sẽ kiến nghị thu hồi tài sản hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, thì chuyển cơ quan điều tra để xác minh theo quy định pháp luật.
Do 2 cơ quan ở 2 vị trí khác nhau, chức năng khác nhau nên có thể có kết luận khác nhau. Giá trị kết luận của 2 cơ quan có ý nghĩa pháp lý khác nhau. Kết luận của Thanh tra Chính phủ phục vụ công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, còn kết luận của Kiểm toán Nhà nước không chỉ cung cấp cho đại biểu Quốc hội để giám sát, mà còn chuyển hồ sơ nghi vấn có vi phạm sang cơ quan tố tụng. Đây là sự phân công quyền lực Nhà nước.
Cùng thời điểm, 2 cơ quan cùng tiến hành kiểm tra 1 sự việc thì cũng không trái pháp luật. Chỉ có điều có thể gây khó dễ cho cơ quan bị thanh tra hoặc kiểm toán. Vì vậy, 2 bên phải phối hợp chặt chẽ với nhau.
Theo ông, liệu đây có phải là một bài học cho EVN, cũng như Bộ Công Thương trong những lần điều hành giá điện sau phải có những cơ sở rõ ràng và thuyết phục hơn?
Câu chuyện này liên quan đến lộ trình tăng giá điện để phù hợp với thị trường mua bán điện khu vực và thế giới. Nhưng điều đáng nói là việc cạnh tranh trong sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh điện tiến hành chậm. Theo lộ trình, thị trường bán buôn điện cạnh tranh phải đến năm 2022 và sau năm 2022 mới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Bây giờ phải minh bạch giá thành sản xuất điện, chi phí đầu vào, đầu ra và lợi nhuận trong sản xuất điện. Sau đó tách bạch nó với khâu truyền tải điện, phân phối bán lẻ rồi mới tính toán ra được giá điện. Điều này phải song hành với việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh.
Xin cám ơn ông!
Theo Báo Tin Tức