Đổi thay ở Hòa Phước

.

Từ một xã thuần nông, giáp ranh với tỉnh Quảng Nam với nhiều khó khăn, thử thách, đến nay xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) đã vươn lên phát triển, luôn đứng đầu trong các phong trào thi đua của huyện Hòa Vang.

Xã Hòa Phước hiện có 25ha diện tích trồng lúa hữu cơ, sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.  Trong ảnh: cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Hòa Phước.
Xã Hòa Phước hiện có 25ha diện tích trồng lúa hữu cơ, sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Trong ảnh: cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Hòa Phước.

Ông Lê Đình Ca, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho biết, trước đây Hòa Phước còn nhiều khó khăn, từ đời sống người dân, các mô hình phát triển kinh tế chưa phong phú, hiệu quả, kinh tế thuần nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, thuận lợi cơ bản và cũng là lợi thế đáng kể nhất là tinh thần đoàn kết, tính đồng thuận cao trong Đảng ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể và người dân trong xã. Từ đó, những chủ trương, chính sách mới về xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội được thực hiện ngày càng có hiệu quả.

Tiêu biểu, thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước là thôn đầu tiên của huyện Hòa Vang đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn thôn có 68 hộ nuôi chim cút, với số lượng khoảng 400.000 con, bình quân mỗi ngày cho thu trên 100 triệu đồng từ bán trứng cút.

“Mục tiêu của xã là phấn đấu đưa mức tổng thu nhập bình quân đầu người từ 52 triệu đồng/người/năm hiện nay lên 65 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2020. Đến nay, xã cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới theo chuẩn mới”, ông Ca cho hay.

Xã Hòa Phước cũng là địa phương đầu tiên của huyện Hòa Vang thành lập được Hội Doanh nghiệp xã với gần 60 doanh nghiệp (trong tổng số gần 80 doanh nghiệp đóng trên địa bàn) tham gia. Đến nay, Hòa Phước từ xã thuần nông đã chuyển dịch đáng kể sang dịch vụ, nông nghiệp sạch trong cơ cấu kinh tế. Trong cải cách thủ tục hành chính, xã Hòa Phước luôn hướng đến phục vụ tốt nhất cho người dân, tạo cảm giác đến trụ sở làm việc của xã như đi vào nhà mình, đã mang lại hiệu ứng tích cực cho đời sống tinh thần người dân”, ông Ca nói.

Từ năm 2015 đến nay, xã Hòa Phước 5 năm liền dẫn đầu về cải cách thủ tục hành chính của huyện Hòa Vang; năm 2017 đứng nhất về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính trên toàn thành phố. Nổi bật là ứng dụng các mô hình, như: “4 xin, 4 luôn” (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn; luôn mỉm cười, luôn giúp đỡ, luôn thân thiện và luôn nhẹ nhàng) tại bộ phận “một cửa”; thư chúc mừng trẻ sơ sinh và trao giấy khai sinh tại nhà, thư chia buồn và tuyên truyền về tang văn minh đối với gia đình có người chết; lồng ghép, hướng dẫn ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; ứng dụng công nghệ thông tin về thôn; thực hiện tiếp công dân và hướng dẫn thủ tục hành chính luân phiên tại các trụ sở thôn…

Ông Võ Trần Minh Long, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phước, người nhiều năm công tác tại xã, cho biết quá trình đổi thay của xã Hòa Phước phải nhìn nhận theo từng mốc thời gian, từ thời điểm mới chia tách tỉnh, đến 10 năm sau (2007) và từ đó đến nay. “Hồi mới chia tách, xã Hòa Phước ngổn ngang âu lo, từ đời sống kinh tế người dân khó khăn, tình hình an ninh trật tự phức tạp, đối mặt nhiều nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. Là xã vùng ven, tiếp giáp với huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), từng có thời điểm, ngã ba Tứ Câu trở thành điểm đen về tình hình mất an ninh trật tự. Khoảng năm 2006-2007, khi mô hình “Vùng giáp ranh” được 2 địa phương xã Hòa Phước (Đà Nẵng) và xã Điện Thắng (Quảng Nam) ký kết thì tình hình an ninh trật tự vùng này mới ổn định trở lại. Từ đó, các chương trình phát triển kinh tế, xã hội mới đi vào ổn định, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Bây giờ về xã Hòa Phước, nhìn con đường vành đai Hòa Phước - Hòa Khương đang thành hình, những vùng rau chuyên canh, vùng lúa hữu cơ mướt vàng… mới thấy sự đổi thay đáng kể của địa phương này. Ông Long bảo, sau khi tiếp chúng tôi, ông cùng đại diện Mặt trận xã đến nhà hộ dân còn lại chưa bàn giao mặt bằng đối với dự án trên để vận động. Cứ thế, mỗi buổi đi làm về, mỗi lần đi ngang qua ông Long lại tạt vào “hỏi thăm, động viên” các gia đình liên quan đến giải tỏa, đền bù. Những hôm giỗ, chạp, ngang qua ông cũng ghé chào mọi người… Công tác vận động vì thế mang lại những hiệu quả nhất định, tạo thuận lợi cho đơn vị thi công bảo đảm mặt bằng nhanh chóng làm đường cũng như các dự án khác.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.