Được coi là “luật con” tại doanh nghiệp (DN) và là công cụ, phương tiện điều chỉnh quan hệ lao động khi xảy ra tranh chấp lao động, thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) phải bao gồm những nội dung có lợi hơn cho người lao động (NLĐ) so với luật định. Việc ra đời TƯLĐTT nhóm ngành đã nâng cao thỏa thuận về lợi ích cho NLĐ, tạo mặt bằng chung ổn định khi điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ lao động tại các DN giống nhau.
Lễ ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm du lịch, dịch vụ diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 12-2018 với 10 doanh nghiệp tham gia. |
Thỏa ước lao động tập thể thí điểm trong nhóm DN du lịch đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2016 được thực hiện với 4 DN ở Đà Nẵng. Đây là một trong những bước đột phá của LĐLĐ thành phố khi ký kết được thỏa ước này, là cơ sở pháp lý để NLĐ và người sử dụng lao động thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo vệ quyền lợi của NLĐ, góp phần thúc đẩy quan hệ lao động ổn định.
Bởi NLĐ ít có động cơ rời bỏ DN này để chuyển đến một DN khác khi điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ lao động tại các DN giống nhau. Bà Huỳnh Thị Kim Lương, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Đà Nẵng cho biết: “Doanh nghiệp nhận thấy lợi ích thiết thực của TƯLĐTT nhóm và đăng ký tham gia năm 2017.
Hiệu quả lớn nhất là tạo ra một môi trường làm việc tốt hơn tại DN, NLĐ yên tâm, gắn bó với DN, giảm dần luân chuyển lao động, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng thu nhập của NLĐ. Tin tưởng rằng, sự lan tỏa của TƯLĐTT nhóm do LĐLĐ thành phố phát động sẽ góp phần rất lớn vào sự phát triển của ngành du lịch thành phố”.
Sau gần nửa năm ký kết TƯLĐTT nhóm du lịch, dịch vụ giai đoạn 2 tại Đà Nẵng (cuối tháng 12-2018) với 10 DN tham gia đã mang lại lợi ích cho 2.400 NLĐ về bảo đảm việc làm, tiền lương, tiền thưởng, các chế độ phúc lợi đã được tổ chức thực hiện. Cụ thể, nếu khi tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác, người sử dụng lao động phải báo trước cho NLĐ biết trước ít nhất 7 ngày, thông báo rõ thời gian tạm thời chuyển, bố trí công việc phải phù hợp với sức khỏe, giới tính của NLĐ theo quy định của Bộ luật Lao động.
Mức lương tối thiểu trả cho NLĐ (chưa qua đào tạo) cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định hằng năm ít nhất 3,3%; tiền lương thử việc ít nhất bằng 90% tiền lương của công việc đó; xây dựng thang, bảng lương bảo đảm số bậc lương ít nhất 10 bậc và khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề ít nhất 6%.
Tiền thưởng cuối năm dương lịch (lương tháng 13) được người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ với mức thấp nhất bằng 1 tháng lương tối thiểu của thỏa ước này; cùng nhiều chế độ thăm hỏi, trợ cấp, lễ, Tết, tham quan du lịch ưu đãi khác...
Chị Phạm Thị Thanh Tâm, NLĐ tại Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours vui mừng cho biết: “Việc công ty tham gia TƯLĐTT nhóm, bản thân em cũng như các anh chị trong công ty cảm thấy rất phấn khởi vì quyền lợi của chúng em được nâng lên rất nhiều. Chúng em rất yên tâm và sẽ gắn bó lâu dài với công ty”. Còn anh Nguyễn Ngọc Bội, NLĐ ở Công ty CP Quản lý đầu tư Tiên Sa chia sẻ: “Khi quyền lợi được bảo đảm, phúc lợi tốt hơn, NLĐ sẽ có động lực phấn đấu, năng suất lao động cao hơn, DN sẽ phát triển”.
Mở rộng ký kết thỏa ước ra toàn ngành du lịch Đà Nẵng với gần 1.000 DN cùng hơn 35.000 lao động thành thỏa ước ngành trên cơ sở sự thành công của nhóm DN du lịch... là mong muốn không chỉ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam. Bởi việc thực hiện TƯLĐTT nhóm sẽ giúp cho các DN nâng cao hiệu quả kinh doanh và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa quản lý, sử dụng lao động, tạo được uy tín, hình ảnh và thương hiệu, thu hút được NLĐ có trình độ, góp phần tích cực cho sự phát triển bền vững các DN.
Với mong muốn mở rộng số lượng DN tham gia TƯLĐTT, ông Hoàng Hữu Nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố, Trưởng nhóm đàm phán ký kết TƯLĐTT nhóm du lịch, dịch vụ chia sẻ: LĐLĐ thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức gặp gỡ các giám đốc DN và đại diện Công đoàn cơ sở (CĐCS) (hoặc đại diện NLĐ nơi chưa có tổ chức Công đoàn) vận động tham gia TƯLĐTT nhóm. Trong đó, LĐLĐ thành phố xây dựng cơ chế tham vấn, thông tin, giao tiếp đối thoại thường xuyên 2 chiều giữa CĐCS - người sử dụng lao động và LĐLĐ thành phố; trực tiếp tham gia và hỗ trợ CĐCS trong việc thương lượng TƯLĐTT, trọng tâm là về tiền lương.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, TƯLĐTT nhóm là hình thức còn mới ở Việt Nam nhưng đã và đang là xu thế của nhiều nước tiên tiến trên thế giới nhằm tạo ra mặt bằng ưu đãi chung với NLĐ cũng như sự quan tâm, chăm lo, bảo vệ để NLĐ yên tâm làm việc. Về phía người sử dụng lao động, TƯLĐTT nhóm là công cụ rất tốt để giúp DN phát triển ổn định, phát triển do hạn chế được sự dịch chuyển lao động.
Ông Ngọ Duy Hiểu yêu cầu LĐLĐ thành phố tiếp tục tuyên truyền, giám sát việc thực hiện và mở rộng thỏa ước, đồng thời nghiên cứu hình thức thỏa ước mới, ví dụ như thỏa ước ngành. Đây cũng là nhiệm vụ mà lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam đặc biệt quan tâm chỉ đạo trong nhiệm kỳ 2018-2023.
Bài và ảnh: NGỌC YẾN