Theo Công ty CP Môi trường đô thị, trung bình mỗi ngày, đơn vị thu gom và vận chuyển khoảng 500 - 700 tấn rác; riêng dịp lễ, nhất là cận Tết, lượng rác thu gom gấp 6-7 lần ngày thường. Đặc biệt, từ cuối năm 2018 đến nay, lượng rác tăng mạnh, xấp xỉ 1.000 tấn mỗi ngày. Điều đó khiến cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác luôn ở tình trạng quá tải. Đây là vấn đề gây bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về môi trường, cái khó của Đà Nẵng cũng giống như nhiều đô thị lớn trên cả nước đó là việc chưa làm tốt việc phân loại rác ngay tại nguồn. Rác thải ra ở thành phố vẫn là rác “hỗn hợp” gây nhiều khó khăn cho công tác xử lý, tái chế.
Cuối ngày, chất thải rắn này được đưa lên xe chở về nhà máy tái chế rác ở Liên Chiểu xử lý. |
Thời gian qua, phường Thuận Phước và phường Thạch Thang (quận Hải Châu) đã làm tương đối tốt việc phân loại rác tại nguồn, qua đó đem về khoản thu gần 500 triệu đồng/phường/năm, nhưng đến nay việc phân loại rác vẫn chưa được nhân rộng và đạt kết quả cao ở tất cả địa phương. Hơn 10 năm trước, thành phố đã thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn, thí điểm tại phường Nam Dương, quận Hải Châu làm thí điểm.
Từ đó đến nay, thành phố cũng cố gắng mở rộng việc phân rác tại nguồn này ở các quận trung tâm. Đặc biệt, từ năm 2008, khi ban hành đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, thành phố đã đưa ra mục tiêu giai đoạn 2011-2015 là 50% chất thải rắn được tái chế. Thế nhưng, hiện nay tỷ lệ chất thải rắn được tái chế chỉ chiếm khoảng 10%. Rõ ràng, chương trình phân loại rác tại nguồn cũng như tái chế rác thải chưa đạt kết quả như mong đợi.
Góp phần không nhỏ trong việc phân loại rác thải phải kể đến đội ngũ lượm ve chai - những người thầm lặng hạn chế rác “hỗn hợp” ở bãi tập kết rác. Tròn 50 tuổi, lần đầu tiên chị Lê Thị Hải bước chân ra khỏi huyện Thiệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa để đi... làm ăn xa tại thành phố Đà Nẵng. Nửa năm đầu, chị thử qua đủ việc, từ bán vé số đến phụ bếp... Cuối cùng, chị lại “trụ” được với nghề lượm ve chai.
Chị tâm sự, vào mùa hè, chị dậy đi làm từ 2 giờ sáng. Với chiếc xe đạp và một bao tải to, chị đi khắp các khu dân cư, tuyến phố, lục từng thùng rác để kiếm các loại chai nhựa, giấy, sắt thép..., bất cứ cái gì mà người ta có thể tái chế được. Dẫu nắng hay mưa, chị đều rong ruổi khắp các tuyến đường; trung bình mỗi ngày kiếm được từ 150.000 đến 200.000 đồng/ngày.
Trong khi đó, từng là công nhân vận hành máy ở một công ty chế biến thủy sản, nhưng sau lần tai nạn đứt 3 ngón tay, anh Lê Văn Toàn (ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) thất nghiệp thời gian khá dài. Sau thời gian suy nghĩ, anh quyết định “hành nghề” lượm ve chai. Với bản tính siêng năng, chịu khó, chỉ trong thời gian ngắn, thu nhập của anh dần tăng lên, từ 50.000 đồng/ngày những ngày đầu, đến nay anh kiếm trên 200.000 đồng. Cá biệt, có những ngày, có người thuê dọn đồ trong nhà, anh kiếm thêm được vài trăm nghìn nữa.
Với nghề này, anh Toàn thấy mình góp phần bảo vệ môi trường. “Tôi thấy đài, báo rồi họp tổ dân phố tuyên truyền suốt việc phân rác tại nguồn nhưng chẳng tác dụng gì mấy. Thực tế, người dân bỏ tất tần tật mọi thứ vào thùng rác, từ rác sinh hoạt, nhựa, sắt, cho đến xác chết động vật… Làm vậy thì nhanh nhưng xử lý thì vô cùng khó khăn, tốn kém và ô nhiễm môi trường”, anh Toàn trăn trở.
Theo bà T.T.L, chủ vựa ve chai lớn trên đường Hà Thị Thân, quận Sơn Trà, tại đây, mỗi ngày, vựa thu mua gần một tấn rác các loại; từ sắt, thép, nhựa, giấy các loại... cho đến ti-vi, tủ lạnh, bàn ghế cũ... Sau đó, 3 nhân công phân loại rác một lần nữa và cho vào những bao tải to để chở lên nhà máy chế biến ở Liên Chiểu.
Bài và ảnh: THANH VÂN