Phát triển Đà Nẵng bằng thế và lực mới - Bài cuối: Đào tạo nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết

.

Thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, khi Đà Nẵng không có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên thì việc đào tạo nguồn nhân lực song hành với nâng cao các dịch vụ cung ứng cùng chăm sóc con người là vấn đề then chốt...

Sinh viên được đào tạo nghiệp vụ tại Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Nẵng.
Sinh viên được đào tạo nghiệp vụ tại Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Nẵng.

Cái nôi cung cấp nguồn nhân lực cho khu vực

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hàng trăm cơ sở đào tạo từ bậc tiểu học lên đến đại học và sau đại học. Trong đó, có không ít trường đạt chuẩn quốc tế như Trường tiểu học song ngữ Đà Nẵng DBIS, Hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky-line, Trường Liên cấp quốc tế Singapore SIS tại Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng)...

Từ đó, các trường tạo nên một mạng lưới cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cho mọi tầng lớp nhân dân cũng như các doanh nghiệp, nhà đầu tư muốn đến sinh sống, sử dụng dịch vụ này trên địa bàn thành phố.

Hiện Đại học Đà Nẵng có 15 chương trình đào tạo đã kiểm định đạt chuẩn quốc tế (Đông Nam Á AUN-QA và châu Âu CTI), theo lộ trình đến năm 2025 sẽ có 60 chương trình đào tạo kiểm định quốc tế. Trong đó, Trường Đại học Bách khoa vinh dự là một trong top 4 trường ĐH hàng đầu, đầu tiên của Việt Nam kiểm định, đạt chuẩn chất lượng giáo dục châu Âu từ tháng 10-2017. Đây cũng là cái nôi thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên quốc tế đến hợp tác nghiên cứu và giảng dạy.

Mục tiêu của Đại học Đà Nẵng là nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học để đến năm 2025, một số trường thành viên trở thành đại học nghiên cứu và Đại học Đà Nẵng nằm trong tốp 5 đại học ở Việt Nam đạt đẳng cấp khu vực, quốc tế; đến năm 2035 nằm trong tốp 50 đại học ở Đông Nam Á và tốp 300 đại học châu Á.

Ông Huỳnh Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm truyền thông của Đại học Đà Nẵng cho biết, với uy tín và chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao, nhiều năm qua, Đại học Đà Nẵng trở thành đầu mối cung cấp nguồn nhân lực thường xuyên cho các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình...; góp phần giải quyết bài toán về nguồn nhân lực tại Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, viện nghiên cứu kinh tế-xã hội, công viên phần mềm…

Trong khi đó, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng là đầu mối cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các doanh nghiệp kinh doanh ngành du lịch trên địa bàn thành phố cũng như một số tỉnh thành lân cận như Huế, Quảng Nam, Quảng Bình.

Thầy Lê Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi thường xuyên nhận được “đặt hàng” từ các đơn vị kinh doanh du lịch ở khu vực miền Trung về nguồn nhân lực, nhưng phải từ chối nhiều do không đủ khả năng cung ứng. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đánh giá cao về nhà trường nói riêng, Đà Nẵng nói chung trong việc cung ứng nguồn nhân lực cho hoạt động ngành du lịch, vốn đang là ngành mũi nhọn phát triển của nhiều địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên”.

Được xác định là trung tâm đào tạo, cung ứng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cho cả khu vực và quốc tế, Đà Nẵng đang “gánh” trên mình trọng trách to lớn. Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho Đà Nẵng hiện thực hóa mục tiêu đó, ngày 25-2-2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng”. Đây là dự án lớn, có quy mô khoảng 286,5ha bao gồm 96,5ha thuộc phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) và 190ha thuộc phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Được quy hoạch là khu chức năng đặc thù, trung tâm giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực cấp quốc gia và quốc tế. Nhiệm vụ quy hoạch nêu rõ sẽ xây dựng Đại học Đà Nẵng theo hướng “đô thị thông minh”, “đô thị xanh”, sử dụng năng lượng tái tạo phù hợp xu hướng công nghệ 4.0. Tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc trên cơ sở “lấy sinh viên làm trung tâm”, bảo đảm sự đa dạng, hài hòa giữa khu vực đã đầu tư xây dựng và khu vực phát triển mới trong một tổng thể thống nhất, kết nối liên tục bên trong và bên ngoài khu đại học.

Dự án được triển khai sẽ đáp ứng nhu cầu quy mô đào tạo cho 60.000 sinh viên và khoảng 6.000 giảng viên, cán bộ với các khu chức năng cơ bản Dự án này sẽ đem lại tác động to lớn trong tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế để ĐH Đà Nẵng thực hiện thành công “Chiến lược phát triển tổng thể ĐH Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, xứng tầm “một trong ba trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, ngang tầm khu vực và quốc tế”, khẳng định vai trò “thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng cho đất nước”, góp phần phát triển nhân lực cho các địa phương trong khu vực và cả nước, trước hết là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam là trung tâm, động lực liên kết phát triển vùng như Nghị quyết số 43.

Để hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm dịch vụ giáo dục của khu vực, một số chuyên gia cho rằng, đối với lĩnh vực giáo dục, Đà Nẵng cần tập trung vào lĩnh vực khoa học ứng dụng, các ngành đào tạo có tính ứng dụng cao; xây dựng các trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao như: du lịch, công nghệ thông tin... để cung cấp cho các địa phương trong khu vực.

Phát triển y tế cộng đồng và phân khúc chất lượng cao

Qua hơn hai thập niên phát triển, thành tựu lớn nhất của ngành Y tế Đà Nẵng đó là đã xây dựng và phát triển được mạng lưới các cơ sở y tế từ thành phố đến các cơ sở, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe.

Theo báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 9 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, gồm: Bệnh viện Đà Nẵng có quy mô 2.000 giường bệnh; Bệnh viện Phụ sản  - Nhi có 1.200 giường; Bệnh viên Ung bướu quy mô 600 giường bệnh; Bệnh viện Da liễu quy mô 100 giường bệnh; Bệnh viên Mắt quy mô 180 giường; Bệnh viện Tâm thần 200 giường; Bệnh viện Y học cổ truyền có 220 giường; Bệnh viện Phục hồi chức năng 90 giường; Bệnh viện Phổi có 100 giường bệnh. Cùng với đó là mạng lưới các trung tâm y tế trải đều ở các  quận, huyện...

Trong những năm qua, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố không ngừng được đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, đào tạo đội ngũ y bác sĩ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Số lượng bệnh nhân phải chuyển tuyến vào thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội ngày càng giảm đáng kể.

Trong đó, Bệnh viện Đà Nẵng đang tiến đến trung tâm nghiên cứu y tế đi kèm khám chữa bệnh đạt tầm khu vực. Một số kỹ thuật y tế hiện đại được ứng dụng thành công tại bệnh viện này như: ghép tế bào gốc điều trị chấn thương tủy sống, ghép thận, thực hiện kỹ thuật solitaire (lấy huyết khối) trong điều trị nhồi máu não cấp tính; kỹ thuật ECMO, kỹ thuật thẩm tách siêu lọc máu, mỗ tim cho trẻ dưới 5kg...

Mới đây nhất, vào ngày 9-4, Bệnh viện Đà Nẵng đã ký thỏa thuận hợp tác cùng Đại học Y khoa Shiga (Nhật Bản) trong việc hỗ trợ máy móc, thiết bị, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cấy ghép tế bào gốc và ghép tạng cho BV Đà Nẵng.

Đây được xem là bước chuẩn bị không thể tốt hơn cho việc hình thành Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc (Bệnh viện Đà Nẵng) dự kiến khởi công xây dựng ngày 2-9-2019 với kinh phí gần 500 tỷ đồng. Bệnh viện Phụ sản - Nhi thành công trong việc triển khai thụ tinh trong ống nghiệm, đến nay đã có 200 trẻ sơ sinh ra đời từ phương pháp này...

Cùng với hệ thống các cơ sở y tế công lập, thời gian qua, trên địa bàn thành phố có nhiều cơ sở y tế ngoài công lập được đầu tư xây dựng mới, với chất lượng dịch vụ được nâng lên mức cao như: Bệnh viện Gia đình, Hoàn Mỹ, Tâm Trí... hướng đến đạt đẳng cấp quốc tế như Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Dự kiến trong thời gian tới, sẽ có những bệnh viện ngoài công lập tiếp tục được khởi công xây dựng. Với cơ sở hạ tầng liên tục được đầu tư mới, bảo đảm cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ y tế từ bình dân đến cao cấp cho mọi đối tượng người dân. Nhất là khi thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư, hướng đến thành phố sự kiện quốc tế thì việc có các cơ sở đạt đẳng cấp quốc tế là cần thiết nhằm đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu không chỉ của người dan trong nước mà còn ở nước ngoài. Bên cạnh đó, việc hình thành ngày càng nhiều hệ thống y tế ngoài công lập sẽ góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế công lập cũng như tạo sức ép để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Với hệ thống y tế ngày càng phát triển mạnh ở cả khu vực công cũng như ngoài công lập, Đà Nẵng đã trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ y tế không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn trong khu vực. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục đầu tư vào chiều sâu nhằm nâng cấp chất lượng dịch vụ, hướng đến một nền y tế đạt chuẩn quốc tế, để Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng và chữa bệnh đối với mọi người dân trong và ngoài nước.

Về y tế chất lượng cao, theo TS Trần Du Lịch, hiện nay Thừa Thiên Huế đang làm rất tốt lĩnh vực này, còn Đà Nẵng chưa định hình rõ, cũng chưa thể lấy Bệnh viện Ung bướu hay một số bệnh viện khác để cho rằng có thể xây dựng nên nền y tế chất lượng cao được.

Do đó, thành phố cần đầu tư, thu hút các dự án y tế lớn, có chất lượng đạt chuẩn quốc tế để phục vụ cho nhu cầu của người dân, và một bộ phận lớn các chuyên gia, nhà đầu tư đến đầu tư, sinh sống trên địa bàn thành phố cũng như khách du lịch đi theo dạng nghỉ dưỡng, chữa bệnh.

GS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng

Tôi đề xuất giải pháp cho việc nghiên cứu, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ bằng một mô hình kết nối cung - cầu giữa các trường đại học của thành phố và miền Trung với các doanh nghiệp nhằm tạo cơ hội việc làm cho sinh viên mới ra trường. Bên cạnh đó, là tăng cường hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng với doanh nghiệp và thành phố trong việc phát triển không gian sáng tạo và khởi nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng

Tôi cho rằng chính quyền thành phố nên có một diễn đàn, nơi các cơ sở đào tạo gặp gỡ với các giám đốc nhân sự hay các chuyên gia nhân sự của các công ty dịch vụ. Thực tế, các cơ sở đào tạo hiện nay đều rất nỗ lực đưa doanh nghiệp đến gần với nhà trường hơn, nhưng để đáp ứng được nhu cầu thực tế thì nhà trường và doanh nghiệp phải cùng bắt tay nhau hợp tác.

Việc hợp tác này thông qua một diễn đàn, một nguồn thông tin chính xác, minh bạch để người học nắm bắt và tự đánh giá được năng lực của mình khi tìm kiếm việc làm còn bên tuyển dụng cũng xác định rõ về chất lượng của các ứng viên.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố

Tôi nghĩ, thành phố cần quan tâm hơn đến việc nâng cao kỹ năng “mềm” cho nguồn nhân lực, bao gồm ngoại ngữ và kỹ năng ứng xử, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp để “ươm mầm” cho doanh nghiệp ngay từ đầu, nhất là các start-up về công nghệ thông tin.

MAI QUẾ ghi

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.