Phát triển Đà Nẵng bằng thế và lực mới - Bài 1: Quy hoạch đô thị làm 'đòn bẩy'

.

Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị (Khóa XII) ban hành ngày 24-1-2019. Đây là cơ sở để Đà Nẵng phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Mục tiêu là xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn theo hướng sinh thái, thông minh, có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bảo đảm cho sự phát triển năng động, đầy sức cạnh tranh, hiện đại ở tầm quốc tế; trở thành trung tâm du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ ở khu vực và là trung tâm hội nghị quốc tế; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh của cả nước; một động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên...

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố chung tay thực hiện là làm sao để Nghị quyết 43-NQ/TW đi vào cuộc sống, tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững.

“Thành phố Đà Nẵng cần tiếp cận, sử dụng phương pháp quy hoạch không gian đô thị đáp ứng được tốc độ phát triển và tạo môi trường sống tốt cho người dân. Khi làm quy hoạch, Đà Nẵng cũng phải bảo đảm gắn kết được các yếu tố tiếp cận đô thị thông minh và ứng phó biến đổi khí hậu”. Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khi đề cập việc thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đô thị cảng là trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế Đà Nẵng trong tương lai. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Đô thị cảng là trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế Đà Nẵng trong tương lai.

Xác lập cấu trúc và mô hình phát triển đô thị phù hợp

Để thực hiện các mục tiêu quy hoạch phát triển đô thị, tại Diễn đàn mùa Xuân 2019, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đề nghị Đà Nẵng cần tập trung cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu phát triển thành phố theo đúng tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW.

Theo đó, thành phố cần tiếp cận, sử dụng phương pháp quy hoạch không gian đô thị đáp ứng được tốc độ phát triển và tạo môi trường sống tốt cho người dân. Khi làm quy hoạch, Đà Nẵng cũng phải bảo đảm gắn kết được các yếu tố tiếp cận đô thị thông minh và ứng phó biến đổi khí hậu. Đà Nẵng cũng cần tập hợp trí tuệ của các cơ quan, đơn vị, nhà khoa học… trong xây dựng chiến lược phát triển.

“Sau 16 năm được công nhận là đô thị loại 1, Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ với tốc độ đô thị hóa cao. Đà Nẵng sẽ sớm trở thành đô thị giữ vai trò là cực tăng trưởng lớn trong khu vực và cả nước, trở thành đô thị đẳng cấp trong khu vực”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

KTS Vũ Quang Hùng, Chủ tịch Hội Kiến trức sư thành phố nhận định, Nghị quyết 43-NQ/TW được thực hiện trong bối cảnh Chính phủ đồng ý để Đà Nẵng thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung. Về chuyên môn, điều chỉnh quy hoạch chung lần này mong muốn cải thiện những bất cập và đạt được các yêu cầu chính, trước tiên là xác lập cấu trúc và mô hình phát triển đô thị phù hợp thay vì phát triển đô thị dàn trải, theo chiều rộng và chưa đậm nét về bản sắc như trước đây. Quan điểm này, Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã định hướng rõ nét là phát triển Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng. Về cấu trúc đô thị, bên cạnh nhiệm vụ phát triển đô thị hiện đại, thông minh, phải phát triển hài hòa với bảo tồn và phát triển cấu trúc khung thiên nhiên biển - sông - núi trong lòng đô thị vốn là đặc trưng, là bản sắc của đô thị Đà Nẵng.

Tại hội nghị phản biện các dự án đầu tư xây dựng ven sông Hàn ngày 7-5 vừa qua, TS.KTS Nguyễn Hồng Ngọc, Khoa Kiến trúc (Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) chia sẻ về tầm nhìn quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng. Đô thị Đà Nẵng phải gắn liền với sông, nước.

Thành phố cần nhìn nhận đúng nguồn tài nguyên nước, cảnh quan mặt nước, cân bằng hệ sinh thái để phát triển. Các lợi thế của một đô thị nước, tạo dựng đô thị cửa ngõ hướng biển quan trọng của Việt Nam và khu vực đang được khai thác, nâng cao giá trị tới đâu trong quá trình phát triển. Tầm nhìn quy hoạch cho đầu tư phát triển đô thị Đà Nẵng ở giai đoạn phát triển mới cần đặt quy hoạch trong khuôn thước hướng mạnh về phục vụ lợi ích cộng đồng. Đây cũng là lợi ích của thành phố gắn liền với sông, biển để phát triển đô thị bền vững.

Về mô hình phát triển đô thị, Đà Nẵng tái phát triển trung tâm đô thị theo mô hình đô thị nén, hiện đại; đồng thời với đó là đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tương ứng bảo đảm nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị. Phát triển đô thị xanh - sinh thái cho khu vực ngoại vi. Tiếp đến là quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị. Về giao thông, tiếp tục đặt vấn đề phát triển sân bay Đà Nẵng trong mối tương quan trong tổng thể phát triển đô thị khi mà công suất sân bay liên tục quá tải so với dự báo; vấn đề giao thông công cộng để giải quyết bài toán giao thông cá nhân liên tục tăng cao...

Các yêu cầu được đặt ra với các nhà khoa học để trả lời thấu đáo cho thành phố trong quá trình lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung. Vấn đề thoát nước đô thị tính toán đến phương án, lộ trình tách nước thải và nước mưa... Bên cạnh đó, cần cải thiện những hạn chế về hạ tầng xã hội, phát triển liên kết chuỗi đô thị Lăng Cô - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An để tạo động lực phát triển.

Theo KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố, đặt đô thị Đà Nẵng trong sự phát triển đi lên thì quy hoạch sử dụng đất làm nền tảng trong triển khai đồ án điều chỉnh quy hoạch chung. Thành phố sớm có rà soát các khu đất thương mại-dịch vụ ven sông (hiện đang còn thời hạn sử dụng đất) để đưa vào điều chỉnh quy hoạch phục vụ công cộng trong tương lai, phục vụ nhiệm vụ phát triển hạ tầng đô thị đón đầu cho sự phát triển trong tương lai. Điều chỉnh quy hoạch phải tạo ra dư địa để phát triển; tránh phí phạm tài nguyên đất. Dùng đất để phát triển, chứ không phải chỉ để tăng trưởng, sử dụng đất hợp lý để cân bằng hiện tại với tương lai.

Điều chỉnh quy hoạch chung lần này, thành phố Đà Nẵng mong muốn tư vấn quốc tế đề xuất được một kịch bản phát triển đô thị tối ưu, chuyển tải được nhiều ý tưởng mới, khả thi để Đà Nẵng sớm trở thành một trong những thành phố hiện đại, bản sắc và đáng sống.

Để thực hiện có kết quả các mục tiêu phát triển theo quy hoạch, tạo động lực về thể chế nhằm huy động cao nhất các nguồn lực cho phát triển, 3 nhóm chính sách chính sẽ được thành phố triển khai gồm: các chính sách và cơ chế thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế theo định hướng quy hoạch; các chính sách và cơ chế tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững; thúc đẩy tổ chức triển khai và thực hiện quy hoạch.

Ngoài ra, định hướng phát triển không gian đô thị sẽ được thực hiện trên quan điểm mở rộng liên kết vùng, kết nối thành phố với các vùng phụ cận; phát triển khu trung tâm theo hướng mô hình đô thị nén nhằm tái thiết đô thị cũ theo hướng hiện đại, hướng đến phát triển Đà Nẵng tương xứng với vai trò đô thị hạt nhân trong chuỗi đô thị miền Trung; một đô thị đáng sống; đô thị thông minh; đô thị toàn cầu; đô thị khởi nghiệp và sáng tạo.

Đứng trên vai người khổng lồ

Một trong những chiến lược trọng tâm mà Nghị quyết số 43-NQ/TW đặt ra là yêu cầu Đà Nẵng cần “thay đổi căn bản mô hình phát triển”, thực hiện đồng thời là 3 quá trình chuyển đổi lớn về mặt kinh tế, xã hội và quản trị đô thị trên con đường phát triển.

Trong chuyến công tác tại Đà Nẵng vào đầu tháng 5-2019, PGS.TS Trần Đình Thiên (thành viên Tổ tư vấn kinh tế Chính phủ) cho rằng, Đà Nẵng đã thay da đổi thịt, nâng tầm phát triển đô thị- đó là phát huy nền tảng của quy hoạch chung, đứng trên “đôi vai người khổng lồ” mà phát triển. Tâm thế của thành phố hiện không thể đặt sự phát triển của mình bằng những quy hoạch chắp vá, thu hút các nhà đầu tư nhỏ, lẻ.

Kịch bản cho phát triển kinh tế thành phố là đẩy nhanh sang giai đoạn phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo. Về xã hội, trong giai đoạn tới, Đà Nẵng cần thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ một đô thị với tầng lớp trung lưu lớp dưới là chủ yếu sang một đô thị với tầng lớp trung lưu lớp trên là chủ yếu. Đà Nẵng cần phải trở thành thành phố “đáng sống với chiều sâu thực sự” thay vì chỉ là một thành phố “đáng đến” hay “đáng du lịch”. Chiều sâu của thành phố đáng sống phải là khả năng thu hút nguồn lực lưu động trên phạm vi toàn cầu, nhất là thu hút và giữ chân được.

Xây dựng và phát triển Đà Nẵng tạo ra động lực và sự lan tỏa cho cả vùng.
Xây dựng và phát triển Đà Nẵng tạo ra động lực và sự lan tỏa cho cả vùng.

Nghị quyết 43-NQ/TW cũng chỉ rõ, thành phố phải nhận thấy rõ những điểm nghẽn phát triển cần phải vượt qua trên con đường đến, “nhận diện và phát huy tốt các động lực tăng trưởng mới”, chuyển đổi từ phương thức quản trị đô thị truyền thống, ít dựa vào công nghệ, sang phương thức quản trị đô thị thông minh; thí điểm chính quyền đô thị thông minh, kiến tạo phát triển nhằm điều hành tốt hệ thống kinh tế và xã hội, kết nối được các chủ thể từ người dân, các cộng đồng với khối doanh nghiệp, “kết nối và liên kết vùng, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” hướng tới tăng trưởng nhanh, đổi mới sáng tạo và tiến bộ.

Một điểm mới quan trọng là phải thay đổi mô hình phát triển và phát triển khi công nghệ cao của thành phố trở thành khu đô thị sáng tạo khoa học công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có chính sách cạnh tranh cao; xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng với vai trò hạt nhân của khu vực; đồng thời nhấn mạnh vào phát triển nhân lực, các chương trình đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các lĩnh vực mũi nhọn...

Theo ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, chiến lược phát triển kinh tế Đà Nẵng đến năm 2030 tập trung vào các quan điểm và mục tiêu đưa kinh tế thành phố phát triển, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Xác định mô hình, thể chế, cơ chế vận hành để thành phố Đà Nẵng trở thành một đô thị lớn của Việt Nam, theo hướng sinh thái, thông minh, sáng tạo, có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại; là một đô thị - cảng biển năng động, có sức cạnh tranh quốc tế cao, động lực tăng trưởng của vùng miền Trung - Tây Nguyên.

Mục tiêu cốt lõi trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW là xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một đô thị du lịch biển - cảng biển hiện đại có tính cạnh tranh quốc tế và khu vực cao với tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đặt thành phố Đà Nẵng với tư cách là trung tâm phát triển vùng, trung tâm liên kết vùng, trung tâm hội nhập quốc tế của vùng và mối quan hệ liên kết phát triển kinh tế, đô thị vùng tam giác Đà Nẵng - Hội An - Điện Bàn.

Hướng ưu tiên phát triển ngành, lĩnh vực của thành phố Đà Nẵng là du lịch, công nghiệp - công nghệ cao... Triết lý phát triển đô thị của Đà Nẵng dựa trên tính đặc sắc - khác biệt về không gian kiến trúc, về văn hóa, về kinh tế, về tổ chức đô thị, về lối sống, phong cách sống, về con người… thành phố Đà Nẵng để phát triển kinh tế bền vững.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG
 

 

;
;
.
.
.
.
.