Nhằm tăng cường công tác quản lý đô thị, UBND thành phố đã triển khai đến các quận, huyện ký cam kết xử lý 570 điểm vi phạm trật tự đô thị. Nhiều giải pháp, hiến kế được đưa ra như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử phạt nguội các hành vi vi phạm về trật tự giao thông hay đầu tư các trạm xử lý rác trung chuyển tránh ô nhiễm môi trường từ rác lây lan ra khu dân cư...
Rác thải xâm nhiễm khu dân cư, ven tường rào các cơ quan, trường học trở nên phổ biến nên cần xây dựng các điểm tập kết rác tập trung để bảo đảm vệ sinh môi trường. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Theo yêu cầu bảo đảm trật tự đô thị, không chỉ ở 570 “điểm đen” hiện nay mà các sở, ngành, quận, huyện phải thường xuyên cập nhật các điểm vi phạm mới để xử lý. Thực tế, những vi phạm thời gian gần đây đã được hạn chế, ngăn chặn kịp thời đối với những dự án, công trình xây dựng lớn. Tuy nhiên, hoạt động xây dựng ở khu dân cư, các công trình nhỏ lẻ lại diễn biến phức tạp; xuất hiện nhiều vi phạm về xây dựng không phép, sai phép và mất an toàn lao động. Đây là trách nhiệm được phân cấp về các quận, huyện nên công tác tuyên truyền đến người dân cần được quan tâm.
Về lĩnh vực trật tự xây dựng, ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho biết, giải pháp để thực hiện có hiệu quả về quản lý trật tự đô thị là tăng cường công tác kiểm tra các công trình xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là các địa bàn có mật độ xây dựng lớn như: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Hải Châu. Các quận, huyện phải nghiêm túc thực hiện quy chế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, chú trọng xây dựng quy chế phối hợp quản lý đến cấp phường, xã.
Các địa phương bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn về xây dựng trong tổ chức bộ máy theo đề án sắp xếp, kiện toàn bộ máy đội kiểm tra quy tắc đô thị quận, huyện và tổ kiểm tra quy tắc đô thị phường. Công tác phân cấp quản lý và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng cần được chú trọng. Chẳng hạn như: phân cấp thêm về nội dung thẩm định thiết kế xây dựng; quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm; xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền về quản lý trật tự xây dựng đô thị, an toàn lao động trong thi công công trình.
Về công tác quản lý trật tự giao thông, ông Nguyễn Đăng Huy, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, ngành giao thông đề nghị các lực lượng chức năng chủ động, linh hoạt phối hợp, kiên trì xử lý các hành vi vi phạm, bám theo các “điểm đen” trong thời gian dài.
Đáng chú ý, theo ông Huy, thời gian qua, biện pháp xử phạt nguội thông qua chứng cứ hình ảnh của các phương tiện, máy móc kỹ thuật, dán thông báo vi phạm đem lại hiệu quả cao nhờ giải tỏa được những khó khăn về thiếu lực lượng tuần tra, kiểm tra tại hiện trường cũng như thời gian xử lý; chính vì vậy cần gia tăng phạt nguội. Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tiếp nhận thông báo của các lực lượng chức năng về các trường hợp chưa chấp hành xử lý hành chính, thông báo lên mạng đăng kiểm toàn quốc và không tiến hành đăng kiểm cho đến khi người điều khiển phương tiện chấp hành quyết định xử phạt.
Kinh nghiệm của quận Hải Châu trong năm 2018 đã chỉ ra là gắn công tác kiểm tra với tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn cam kết thực hiện đúng các quy định pháp luật; từ đó nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc bảo đảm trật tự xây dựng. Bên cạnh đó, quận đang có sáng kiến đưa vào vận hành ứng dụng “Đô thị thông minh Hải Châu” trên nền tảng điện thoại di động.
Theo đó, người dân chỉ cần tải App Store “Đô thị thông minh Hải Châu” để cài đặt ứng dụng. Đây là phương tiện để người dân phản ánh những vi phạm trên lĩnh vực trật tự xây dựng, trật tự vỉa hè, vệ sinh môi trường, hạ tầng kỹ thuật điện, nước, cây xanh, an ninh trật tự, an toàn giao thông... đến các cơ quan quản lý Nhà nước một cách dễ dàng, nhanh chóng. Cũng bằng điện thoại di động thông minh, cán bộ chuyên trách từ cấp phường đến quận tiếp nhận phản ánh, xử lý phản ánh, phản hồi kết quả xử lý cho người dân và thống kê, báo cáo kết quả xử lý phản ánh.
Ông Nguyễn Minh Huy, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp nhận và xử lý các phản ánh liên quan sẽ giúp chính quyền quận nâng cao hiệu lực, hiệu quả xử lý theo phản ánh; đồng thời, khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn vào công tác bảo đảm trật tự đô thị trên địa bàn quận Hải Châu và nâng cao sự gắn kết giữa chính quyền và người dân.
Tại quận Sơn Trà, việc bảo đảm vệ sinh môi trường được ghi nhận có chuyển biến trong thời gian gần đây. Tất cả các phường đồng loạt lập lại trật tự vỉa hè ở các tuyến đường trọng điểm như: Nguyễn Văn Thoại, Ngô Quyền, Hồ Nghinh, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo…; triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả về công tác quản lý trật tự xây dựng, an toàn lao động; tăng cường công tác quản lý vệ sinh môi trường, xử lý các điểm nóng về vệ sinh môi trường, xử lý các cơ sở kinh doanh phế liệu không bảo đảm vệ sinh môi trường và lấn chiếm vỉa hè, lòng đường…
Đến nay, nhiều đơn vị đã triển khai thực hiện và báo cáo tiến độ xử lý các “điểm đen” về trật tự đô thị. Trong khi đó, đối với địa bàn của mình, ông Huỳnh Cự, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho hay: “Quận đã giao cho đơn vị chức năng tham mưu, đề xuất biện pháp giải quyết, trên cơ sở đó, cuối tuần này, quận sẽ họp các ngành, địa phương liên quan để triển khai và chỉ đạo thực hiện xử lý các điểm đen về trật tự đô thị”.
Ông Đinh Quang Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, các trạm trung chuyển rác hiện nay có tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng sắp đầu tư chuyển đổi công nghệ xử lý. Cần phải thay đổi công nghệ mới khắc phục được ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả vận chuyển, xử lý rác. Bên cạnh đó, trên đường phố, hiện có hơn 130 điểm tập kết rác và thùng rác, nhưng đây giống như điểm đổ rác tự phát và đang gây mất vệ sinh môi trường. Để khắc phục ô nhiễm môi trường tại các điểm tập kết rác và thùng rác, cần phải cải tạo, xây dựng mặt bằng để ngăn nước rỉ rác chảy ra đường, xây dựng hệ thống thu gom nước rỉ rác, bố trí nhân lực bảo đảm vệ sinh tại các điểm tập kết thùng rác, cắm biển thông báo và chỉ dẫn để người dân đổ rác không đổ rác bừa bãi... Hiện Công ty CP Môi trường đô thị khắc phục việc đổ rác bừa bãi bằng cách bố trí xe đến thu gom rác và làm việc với chính quyền các địa phương thường xuyên kiểm tra, xử phạt các trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định.
Ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị khẳng định, một số điểm tập kết thùng rác không phải là “điểm đen” về trật tự đô thị, nhưng công nhân đưa thùng rác xuống lòng đường để ngăn ô-tô con đậu đỗ ở vị trí tập kết, nâng thùng rác. Do nhiều ô-tô chiếm dụng chỗ nâng thùng rác để đậu đỗ nên nhiều trường hợp xe cuốn ép rác phải nâng thùng rác giữa đường và bị camera ghi lại, cảnh sát giao thông phạt nguội. Trước thực tế này, Sở Giao thông vận tải thành phố nghiên cứu quy hoạch các khu vực tập kết thùng rác, điểm nâng thùng rác và kẻ vạch để các loại ô-tô không đậu đỗ ở những vị trí này vì thường xuyên có xe cuốn ép đến nâng thùng rác, có như vậy mới không đưa thùng rác xuống lòng đường được.
Về lâu dài, cần phải xây dựng nhiều điểm trung chuyển rác hiện đại ở các quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn để chấm dứt tình trạng tập kết thùng rác và xóa điểm nóng môi trường trên đường phố. Công ty cũng yêu cầu các công nhân phải dùng bạt che rác, khi nâng thùng xong thì quét dọn vệ sinh sạch sẽ. Ngoài ra, đối với các điểm tập kết thùng rác được UBND các quận, huyện và phường, xã xác định, trong đó, một số địa phương đã trang bị các tấm phông che điểm tập kết thùng rác...
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà: Cuối tháng 4-2019, UBND quận đã tổ chức triển khai công tác bảo đảm trật tự đô thị, trong đó giao cụ thể cho các phường, ngành tập trung xử lý các “điểm đen”, khu vực vi phạm trật tự đô thị, ưu tiên xử lý trước các “điểm đen” vi phạm về trật tự đô thị và các tuyến đường trọng điểm về du lịch. Đối với lĩnh vực trật tự vỉa hè, chính quyền thông báo cho người dân không được lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng... Giải pháp mà UBND quận Sơn Trà đề xuất là tăng nguồn kinh phí sự nghiệp tương ứng 1% tổng chi ngân sách tại quận, phường; có chủ trương cho thuê quản lý sử dụng các khu đất trống để tránh gây ô nhiễm môi trường. UBND quận Sơn Trà đề xuất thực hiện đấu thầu dịch vụ vệ sinh môi trường, tránh tình trạng “khoán” như hiện nay khiến hiệu quả xử lý, thu gom rác thải còn hạn chế. Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu: Quận thường xuyên rà soát, kiểm tra, xử lý các “điểm đen” về trật tự đô thị trên địa bàn. Đặc biệt, để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến đường dẫn phía nam hầm Hải Vân, quận đã kiến nghị ngay với thành phố về lắp đặt dải phân cách mềm. Nhiều “điểm đen” về trật tự đô thị đã được xử lý rốt ráo, hiện quận cũng đang tiếp tục theo dõi và chủ động xử lý các “điểm đen” cũng như điểm có nguy cơ trở thành “điểm đen”. Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang: Hiện nay, huyện đang phối hợp với các sở, ngành của thành phố triển khai xử lý các “điểm đen” về trật tự đô thị trên địa bàn, nhất là phối hợp với Sở Giao thông vận tải xử lý trên các tuyến đường. Tuy nhiên, huyện cũng đề xuất UBND thành phố kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm đầu tư hệ thống đèn điện chiếu sáng tuyến đường nối nam hầm Hải Vân - Túy Loan, vì trên tuyến đường này thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông vào ban đêm. Đề nghị các đơn vị liên quan sớm giải ngân chi phí đền bù giải tỏa đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án nút giao thông Túy Loan để sớm xây dựng hoàn thiện công trình, bảo đảm an toàn giao thông tại nút giao thông này, tránh các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra. |
TRIỆU TÙNG - HOÀNG HIỆP