Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố nhiệm kỳ 2019-2024

.

Chương trình 1: Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội Mặt trận thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội Mặt trận thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019 - 2024.

1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Tuyên truyền, vận động để nhân dân biết và ủng hộ các chủ trương của Đảng, chấp hành pháp luật của Nhà nước và hưởng ứng các chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của thành phố và đất nước.

- Thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân để tập hợp, phản ánh đến cấp ủy đảng, chính quyền và kịp thời định hướng dư luận xã hội về những vấn đề nổi cộm; tổ chức để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng với Đảng, chính quyền.

- Vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài chung sức xây dựng thành phố.

2. Giải pháp cơ bản

- Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngày truyền thống của Mặt trận và các tổ chức thành viên; phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2019-2024), Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

- Tuyên truyền, phổ biến, triển khai đến các tầng lớp nhân dân Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Chương trình của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW. Xây dựng kế hoạch của Mặt trận các cấp thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW.

- Tiếp tục thực hiện Đề án số 01 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (khóa VIII) về “Đổi mới công tác thông tin, tuyền truyền của MTTQ Việt Nam”. Nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử MTTQ Việt Nam thành phố, chuyên trang Mặt trận trên Báo Đà Nẵng, chuyên mục Đại đoàn kết trên sóng Đài phát thanh và truyền hình thành phố. Mở rộng các kênh thông tin nắm bắt tình hình nhân dân, nhất là trên internet, mạng xã hội...

- Kiện toàn đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội; xây dựng cơ chế, phương thức thu thập thông tin, nắm bắt dư luận xã hội để tập hợp, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng và ý kiến, kiến nghị của nhân dân với cấp ủy đảng, chính quyền; tích cực phối hợp, tham gia giải quyết những vấn đề nảy sinh trong nhân dân ngay từ cơ sở, địa bàn dân cư.

- Đổi mới nội dung, hình thức nhằm nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hằng năm (18-11).

- Tuyên truyền để nhân dân hiểu biết sâu sắc về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

- Tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay”, các kết luận của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc, tôn giáo, Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Tăng cường họat động của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Câu lạc bộ Doanh nhân kiều bào, Hội đồng hương Đà Nẵng các tỉnh, thành phố nhằm huy động nguồn lực xây dựng thành phố.

Chương trình 2: Vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh

1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Động viên các tầng lớp nhân dân thi đua lao động sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh, giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

- Vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc; thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, phát huy truyền thống tương thân tương ái tham gia các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo.

-  Vận động nhân dân đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; tăng cường tự quản, đẩy lùi tiêu cực, tội phạm và tệ nạn xã hội.

- Vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân.

2. Giải pháp cơ bản

- Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” theo hướng thực chất và bền vững, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư.  Kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình hiệu quả.

- Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tích cực thực hiện Đề án phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon, giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường, thành phố du lịch.

- Tiếp tục triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo hướng đi vào chiều sâu, vận động thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phân phối, tiêu dùng hàng Việt có chất lượng, tiến tới mục tiêu “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và vươn ra thị trường quốc tế”. Tăng cường phối hợp giám sát công tác quản lý thị trường, quản lý chất lượng hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

- Triển khai sâu rộng phong trào thi đua  “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” nhằm động viên, khích lệ tinh thần sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân. Định kỳ xét chọn các công trình, sáng kiến được ứng dụng hiệu quả đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bình chọn ghi danh “Sách Vàng sáng tạo Việt Nam”. Đẩy mạnh phong trào “Học tập suốt đời” trong nhân dân.

- Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, tổ chức Tháng cao điểm “Vì người nghèo” hằng năm để kêu gọi, vận động toàn xã hội chăm lo cho người nghèo, đồng thời cổ vũ, khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Phấn đấu trong 5 năm (2019-2024), vận động Quỹ “Vì người nghèo” toàn thành phố đạt 120 tỷ đồng. Vận động cứu trợ, giúp đỡ đồng bào vùng bị thiên tai kịp thời, đúng đối tượng.

- Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, tham gia phòng chống cháy nổ, phòng chống ma túy, HIV/AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội. Kịp thời phát hiện, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động.

Chương trình 3: Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh

1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Thực hiện tốt công tác tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận cấp trên và đôn đốc, giám sát đến cùng việc xử lý, giải quyết các kiến nghị. Tham gia tổ chức và giám sát việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân theo quy định.

- Đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội. Trọng tâm là giám sát hoạt động quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, phản biện các chương trình, dự án, đề án, dự thảo văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Phát huy vai trò của Mặt trận và sức mạnh của nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm, tích cực phản ánh, tố giác và đấu tranh quyết liệt với các biểu hiện và hành vi tham nhũng, lãng phí.

- Phối hợp tổ chức thành công và vận động cử tri thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nâng cao chất lượng hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

2. Giải pháp cơ bản

- Tập trung làm tốt công tác tập hợp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; phát huy vai trò các tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; đẩy mạnh công tác giám sát và phản biện xã hội các vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân, nhất là việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

- Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục thực hiện giám sát chuyên đề hằng năm theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết liên tịch số 403 giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lựa chọn các nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện và năng lực của mỗi cấp, mỗi địa phương. Theo dõi, đôn đốc cơ quan chức năng thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội. Phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn trong công tác phản biện xã hội.

- Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam phòng, chống tham nhũng lãng phí giai đoạn 2018-2020. Thực hiện trách nhiệm giám sát của MTTQ Việt Nam theo quy định tại các nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò của nhân dân và Ban công tác Mặt trận tham gia giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư theo Quy định 124-QĐ/TW của Ban Bí thư và Quy định 06-QĐ/TU của Thành ủy Đà Nẵng “Về giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

- Tổ chức tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Định kỳ tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với nhân dân để trao đổi, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của nhân dân, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, góp phần giảm thiểu những bức xúc trong nhân dân. Giám sát người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân. Tổ chức để nhân dân tham gia góp ý vào văn kiện đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tham gia góp ý, phản biện các chủ trương, chính sách, góp ý các dự án luật, đặc biệt là các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND thành phố.

- Thường xuyên củng cố, tập huấn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Xây dựng và củng cố lực lượng hòa giải ở cơ sở góp phần giảm thiểu các mâu thuẫn, tranh chấp ở địa bàn dân cư. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Chương trình 4: Tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân

1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân; tăng cường đoàn kết, hữu nghị, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

- Tiếp tục củng cố, xây dựng, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức nhân dân các nước láng giềng; tăng cường quan hệ hợp tác với các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế.

2. Giải pháp cơ bản

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn  minh trong quan hệ giao tiếp, ứng xử với người nước ngoài, tạo môi trường hấp dẫn và an toàn để thu hút khách du lịch, thu hút đầu tư của nước ngoài.

- Phối hợp với Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị, Sở Ngoại vụ, Bộ đội Biên phòng, Sở Du lịch, Sở Thông tin Truyền thông và các tổ chức thành viên mở rộng các hoạt động giao lưu nhân dân giữa các nước, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân thành phố Đà Nẵng nói riêng với nhân dân các nước, thuyền viên, khách du lịch nước ngoài. Đặc biệt chú trọng mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống với nhân dân Lào, Campuchia.

- Phối hợp với Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, Câu lạc bộ doanh nhân kiều bào thường xuyên thông tin, tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tuyên truyền về thành phố Đà Nẵng thời kỳ đổi mới, động viên kiều bào giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, hướng về cội nguồn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

- Các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên và người dân thực hiện “Vai trò đại sứ nhân dân”.

Chương trình 5: Tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Xây dựng, kiện toàn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với thành phần, cơ cấu hợp lý, coi trọng tính tiêu biểu, tính đại diện và tính thiết thực để Mặt trận thực sự là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

- Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách Ủy ban Mặt trận các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên nghiệp, tâm huyết, sáng tạo, ngang tầm nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc trong giai đoạn mới. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp.

2. Giải pháp cơ bản

- Tiếp tục thực hiện thí điểm Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các địa phương đủ điều kiện.

- Kiện toàn bộ máy cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và quận, huyện theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

- Rà soát, định kỳ sơ, tổng kết các quy chế, chương trình phối hợp của Mặt trận với các ban, ngành, đoàn thể. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chủ trì hiệp thương phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận với các tổ chức thành viên. Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Mặt trận các cấp. 

 - Phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cấp ủy thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận có phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn. Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận các cấp.

- Củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn để thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, mở rộng phạm vi hoạt động của Mặt trận. Nghiên cứu, đề xuất với thành phố và Trung ương có một số quy định về chính sách đối với cán bộ Mặt trận. Chú trọng việc mở rộng và tạo điều kiện để phát huy vai trò đội ngũ cán bộ không chuyên trách, cộng tác viên, các chuyên gia, người có uy tín trong cộng đồng.

- Nâng cao chất lượng mô hình tự quản ở khu dân cư. Phát huy vai trò và trách nhiệm của Ban công tác Mặt trận, nhất là trưởng ban, phó trưởng ban trong công tác phối hợp với tổ dân phố, ban nhân dân thôn.

- Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng các kỳ họp Ủy ban MTTQ Việt Nam từ thành phố đến phường, xã tạo không khí dân chủ, cởi mở, tranh luận thẳng thắn, các ủy viên mạnh dạn bày tỏ chính kiến về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và những vấn đề bức xúc trong đời sống nhân dân.

- Các vị ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tích cực thực hiện nhiệm vụ công tác Mặt trận ở từng vị trí công tác, lĩnh vực hoạt động, địa bàn sinh sống; kịp thời đề đạt ý kiến về những vấn đề của đời sống nhân dân đến Mặt trận các cấp.

- Đưa hoạt động về cơ sở, tập trung cho khu dân cư, tổ dân phố, thôn và hộ gia đình. Bảo đảm mọi hoạt động của Mặt trận đều xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

- Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 8-12-2009 của Bộ Chính trị “Về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”.

;
;
.
.
.
.
.