Ngày 5-6, bước sang ngày thứ 2 của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu (ĐB) chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, liên quan nhiều lĩnh vực được cử tri cả nước và ĐB Quốc hội quan tâm.
Kiểm soát điều chỉnh quy hoạch
Trả lời câu hỏi về tình trạng nhiều nhà cao tầng được xây dựng với mật độ cao tại các khu đô thị lớn gây nhiều hệ lụy cho xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng có chức năng thẩm định công trình cấp đặc biệt từ 25 tầng trở lên theo Luật Xây dựng. Tuy nhiên, quy hoạch phân khu đối với công trình tập trung và quy hoạch riêng lẻ với quy hoạch 1/500 thuộc thẩm quyền địa phương.
“Nếu quy hoạch do địa phương phê duyệt nhưng không phù hợp mà dẫn tới việc xây dựng nhà cao tầng với mật độ cao là trách nhiệm của địa phương. Bộ Xây dựng có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh. Liên quan đến quy hoạch tùy tiện tại một số địa phương, gây bức xúc trong dư luận, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận hiện nay còn thực trạng quy hoạch nhà không đồng bộ với quy hoạch phát triển hạ tầng. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn việc điều chỉnh quy hoạch.
Tham gia phát biểu về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương thanh tra, kiểm tra rà soát lại các quy hoạch đã điều chỉnh, xem xét xử lý nghiêm với các quy hoạch điều chỉnh tùy tiện, không đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch và không bảo đảm theo đúng quy định pháp luật.
“Cho dừng thực hiện các quy hoạch điều chỉnh vi phạm quy chuẩn, tiêu chuẩn; đồng thời có giải pháp đầu tư hạ tầng để đáp ứng yêu cầu gia tăng dân số. Xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Trả lời câu hỏi của ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) về tình trạng mua bán đất tại các dự án bất động sản, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định quy định pháp luật về điều kiện để chủ đầu tư được kinh doanh, mở bán căn hộ đã có đủ, nhưng trong thực tế vẫn có chủ đầu tư vi phạm. Về giải pháp, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề nghị Sở Xây dựng các địa phương cần tăng cường quản lý, kịp thời có văn bản thông báo đủ điều kiện đưa vào kinh doanh khi chủ đầu tư yêu cầu.
Minh bạch các dự án BOT
Trả lời chất vấn về tính minh bạch và việc thu phí tại các trạm BOT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, việc quyết toán dự án BOT phải bảo đảm công khai, minh bạch. Ở thời điểm này, có 62 trạm BOT được quyết toán xong. Số trạm BOT còn lại chưa quyết toán xong thường liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của các địa phương.
“Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương để làm rõ hơn chi phí GPMB. Riêng công tác xây dựng đã quyết toán, kiểm toán cơ bản, Bộ có thể cung cấp cho các cơ quan chức năng xem xét công tác quyết toán từng dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói. Hiện Bộ GTVT đang giao Tổng cục Đường bộ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm toán việc thu phí, xem xét, rà soát việc thu phí của trạm BOT. Theo đó, đến cuối năm 2019, tất cả các trạm thu phí không dừng sẽ hoạt động ổn định.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sắp tới toàn bộ việc thu phí của trạm BOT sẽ tự động. Ngoài ra, mỗi trạm có 1-2 làn thu phí thủ công để phục vụ xe ưu tiên, xe nước ngoài vào Việt Nam. Như vậy sẽ phát sinh thêm một số lượng ít về doanh thu liên quan đến thu phí thủ công.
“Cuối năm 2019, tất cả các trạm thu phí đều được trang bị hệ thống camera có thể tua lại, xem xét lưu lượng xe qua lại từng giờ, từng ngày. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ lấy số liệu này, kiểm tra trong một ngày, một tuần để đối chiếu doanh thu doanh nghiệp cung cấp. Việc thu phí, xác định hoàn vốn sẽ tốt hơn hiện nay rất nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Dự án đội vốn, ai chịu trách nhiệm?
Trả lời chất vấn về dự án giao thông đội vốn gấp nhiều lần, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đa số các dự án đội vốn đều rơi vào các dự án đường sắt đô thị và đây là công nghệ mới, chủ yếu được phê duyệt trước năm 2008. Theo thống kê, giai đoạn 2009-2013 trượt giá đến 49%. “Như vậy có yếu tố công nghệ mới, có yếu tố trượt giá và thay đổi quy mô, chủ trương đầu tư nên có dự án đội vốn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phân tích.
Liên quan đến nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành Giao thông vận tải và các ngành liên quan cần khắc phục hạn chế, yếu kém đã nêu. Trước hết, phải đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông đã được bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn cũng như các dự án công tư, đẩy nhanh việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam, sân bay Tân Sơn Nhất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, quan điểm của Chính phủ là phải lựa chọn nhà thầu, đầu tư công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Làm sao hạn chế thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư xây dựng; ưu tiên nhà đầu tư trong nước đủ năng lực. Với nhà đầu tư nước ngoài phải là nhà đầu tư có năng lực, trách nhiệm, có uy tín và được kiểm chứng.
Trả lời câu hỏi liên quan đến hoạt động của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, trung tâm sát hạch lái xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận hiện nay có mâu thuẫn giữa lợi nhuận và chất lượng của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.
Bộ trưởng Bộ GTVT cam kết sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trung tâm vi phạm quy định pháp luật. Về công tác đào tạo lái xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã cập nhật thông tin các nước có liên quan, tăng bộ đề thi lên 600 câu. Loại xe 4 bánh tăng lên 36 câu, xe tải tăng lên 40 câu, xe hạng F tăng lên 45 câu. Số lượng câu hỏi tăng lên. Trong 45 câu, chỉ 2-3 câu không đạt thì coi như không đạt lý thuyết.
Không hy sinh di sản bằng bất cứ giá nào
Về phương hướng phát triển ngành du lịch không mâu thuẫn, xung đột với việc giữ gìn môi trường và bản sắc dân tộc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, để ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải chờ đến năm 2030; trước mắt cần khắc phục hạn chế của du lịch, đặc biệt là năng lực cạnh tranh của Việt Nam, rồi đến xúc tiến, hạ tầng… Để phát triển du lịch bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, không nguy hại đến bảo tồn văn hóa, vì vậy không thể hy sinh di sản vì sự phát triển bằng bất cứ giá nào.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, vụ việc ở chùa Ba Vàng vừa vi phạm luật pháp, vừa ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống và văn hóa; vì vậy, cần lên án và xử lý. Bộ trưởng cho biết chính quyền địa phương đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm nếp sống văn hóa 5 triệu đồng. “Theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính, đây là mức phạt cao nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói và thừa nhận phạt tiền 5 triệu đồng là rất nhỏ.
Về thương mại hóa trong xây dựng một số công trình tâm linh, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, bộ là cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa, còn vấn đề quản lý về tôn giáo, về chùa thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, về khía cạnh quản lý văn hóa, bộ chưa có thông tin nào về sự đóng góp của quan chức trong xây dựng chùa. “Nếu đại biểu có thông tin, đề nghị cung cấp cho Quốc hội và các vị lãnh đạo để xử lý”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Sáng nay (6-6), phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.
Ý kiến cử tri Ông Nguyễn Hữu Hải, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu: Giải quyết dứt điểm bất cập của dự án BOT Thời gian qua, bất cập ở các dự án BOT, việc thu phí tại các trạm BOT gây bức xúc cho người dân, cử tri rất mong muốn ngành Giao thông vận tải sớm xử lý dứt điểm. Dù chủ trương đầu tư là đúng đắn nhưng vấn đề BOT vẫn còn nhức nhối khi chưa giải quyết được hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cần thẳng thắn nhận trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước và đưa ra các giải pháp để xử lý các bất cập tồn tại trong thời gian qua. Ông Phạm Đăng Ngọc, phường Thanh Bình, quận Hải Châu: Không được lợi dụng tâm linh để thu lợi bất chính Theo dõi trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, tôi thấy nổi lên nhiều vấn đề đáng lo ngại và bức xúc cần được quan tâm chấn chỉnh ngay. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết về thương mại hóa các công trình tâm linh và lợi dụng tâm linh để thu lợi bất chính, thực hiện hành vi mê tín dị đoan, đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần lên án và xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tôi thấy chế tài xử phạt vi phạm tại chùa Ba Vàng với mức 5 triệu đồng là quá nhẹ so với tác động vụ việc gây ra. Đây là hành vi lợi dụng tôn giáo, tâm linh để vi phạm pháp luật và thu lợi bất chính cần xử lý nghiêm khắc hơn để hạn chế phát sinh trong thời gian đến. Bà Nguyễn Thị Thuận, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ: Tăng hình phạt người lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy Thời gian qua, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia, ma túy gây nhức nhối trong người dân, trở thành nỗi ám ảnh toàn xã hội qua những vụ tai nạn thương tâm. Nhưng các giải pháp bộ trưởng nêu ra mang tính chung chung, chưa có biện pháp xử lý cụ thể, dứt điểm để hạn chế, đi đến chấm dứt tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng chất cấm gây tai nạn giao thông. Tôi đề nghị cần tiếp tục thảo luận và có chế tài nghiêm khắc hơn, trong đó tăng hình phạt người lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy. Nếu không làm nghiêm và xử lý triệt để thì tính mạng con người khi tham gia giao thông khó ai bảo đảm. TRỌNG HUY - LAM PHƯƠNG ghi |
TRỌNG HÙNG