Trong những ngày qua, mặc dù sông Cầu Đỏ không bị nhiễm mặn, 2 nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay trực tiếp lấy nước sông để sản xuất nước, cung cấp vào mạng lưới có ngày lên đến 307.500m3/ngày, cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, nhiều khu vực dân cư vẫn xảy ra tình trạng nước yếu, thiếu nước sinh hoạt cục bộ, nhất là vào giờ cao điểm, đặc biệt là ở quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.
Trưa 26-6, một hộ dân ở đường Hồ Sỹ Tân mở vòi nhưng không có nước chảy ra. |
Trưa 26-6, một số hộ dân ở khu vực An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) vừa ăn cơm vừa tranh thủ đóng điện để bơm nước trực tiếp từ đường ống cấp nước sau đồng hồ của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) nhằm đưa nước lên bồn chứa. Hàng ngày, ở khu vực này, gần như lúc nào nước cũng yếu vì các khách sạn tranh nhau hút nước.
Tại một nhà dân ở đường An Thượng 31, sau hơn 15 phút vận hành máy bơm, mực nước chỉ ngang nửa bồn chứa 500 lít. Chủ nhà phải ngắt điện vì lo ngại hỏng máy bơm do vận hành hút nước quá yếu trong thời gian dài. “Lúc nào mở vòi nước cũng yếu vì các khách sạn hút nước quá mạnh. Ngày nào cũng chỉ dám bơm 15 phút, được khoảng 200-300 lít nước là ngừng bơm vì sợ bơm hư”, ông Đoàn Văn Bình, một người dân ở đường An Thượng 31 cho biết.
Trong khi đó, ở khu vực đường Hồ Sỹ Tân, Lý Nhật Quang, Lê Cảnh Tuân… (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), nhiều hộ dân cũng bức xúc vì nước yếu, một số hộ mở vòi hoàn toàn không có nước chảy ra. “Đêm nào gia đình tôi cũng phải thức đêm để hứng nước nhưng cũng chỉ được hơn 100 lít nước để nấu ăn, uống cho ngày hôm sau. Còn để sử dụng tắm, rửa, giặt giũ, lau chùi nhà cửa thì phải nối ống qua nhà hàng xóm xin nhờ bơm nước giếng khoan đưa lên bồn chứa. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay, mùa hè năm nào cũng bị nước yếu suốt ngày và nhiều lúc không có nước. Mong sao Dawaco có giải pháp tăng cường cấp nước cho khu vực dân cư chúng tôi”, ông Hoàng Văn Hùng, một người dân ở đường Hồ Sỹ Tân nói.
Được biết, để tăng cường cấp nước cho khu vực quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn thiếu nước vào mùa nắng nóng, ngay từ ngày 26-12-2018, UBND thành phố có Công văn số 9978/UBND-SXD chỉ đạo các đơn vị liên quan và Dawaco khẩn trương thi công tuyến ống có đường kính 900mm băng qua sông Hàn thuộc dự án mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng giai đoạn 2012-2018 để cấp nước bổ sung cho 2 quận, hoàn thành thi công vào tháng 4-2019.
Dù đã được UBND thành phố cho phép thay đổi biện pháp thi công từ đánh chìm xuống sông sang biện pháp khoan kéo ống qua sông để đẩy nhanh tiến độ thi công, nhưng đến nay, công trình vẫn chưa kéo đường ống qua sông (tại hạ lưu cầu Tiên Sơn). Mặt khác, vào ngày 26-4-2019, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng chỉ đạo Dawaco phối hợp với Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên cùng triển khai lắp đặt đồng thời 2 đường ống thu gom nước thải và đường ống cấp nước sạch dọc đường Hồ Xuân Hương, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa để hạn chế đào lòng đường, vỉa hè; nhưng đến nay, chỉ có Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên đào đường, vỉa hè lắp đặt đường ống thu gom nước thải, còn đường ống cấp nước sạch thì Dawaco chỉ mới thi công được một số đoạn ống.
Ông Hà Văn Phước, Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước Sơn Trà cho hay, ở khu vực đường Hồ Sỹ Tân, Lê Cảnh Tuân…, trong ngày vẫn có nước nhưng vào giờ cao điểm thì nước yếu. Một số hộ dân sử dụng nước trực tiếp từ vòi, không có bể chứa nước nên thiếu nước sử dụng. Các hộ dân có bể để trữ nước thì vẫn đủ nước để sử dụng.
Về lâu dài, Dawaco đã có phương án tăng công suất cấp nước cho 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn bằng đường ống dẫn nước qua sông Hàn ở hạ lưu cầu Tiên Sơn. “Khi có thêm tuyến ống dẫn nước qua sông Hàn thì áp lực nước ở các khu vực nước yếu sẽ mạnh lên. Còn việc thi công đường ống cấp nước với đường ống thu gom nước thải của Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thì đơn vị không kết hợp được và chồng chéo, chỉ mới thi công được một đoạn tuyến ống nhưng chưa thể đấu nối được”, ông Hà Văn Phước nói.
Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho hay, những ngày qua, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước gia tăng do trời nắng nóng, Dawaco liên tục cấp nước vào mạng lưới hơn 307.000m3/ngày, đặc biệt, vào ngày 25-6, đã cấp nước đến 307.500m3, cao nhất từ trước đến nay.
Công suất cấp nước hằng ngày cấp vào mạng lưới là đáp ứng theo nhu cầu sử dụng của khách hàng, nhưng vào giờ cao điểm, do nhiều người mở vòi sử dụng nước đồng loạt thì khu vực phía sau bị hụt nước, yếu nước. “Chẳng hạn, trong các đường kiệt với đường ống có đường kính 63mm, các hộ ở đầu đường kiệt mở vòi nước đồng loạt, đặc biệt có hộ sử dụng máy bơm để hút nước lên bồn chứa thì những nhà ở bên trong kiệt sẽ bị nước yếu cục bộ. Qua các giờ cao điểm, nếu các hộ dân bể chứa thì có thể lấy nước để sử dụng bình thường.
Sắp đến, khi đưa thêm cụm xử lý nước có công suất 60.000m3/ngày vào vận hành, cấp nước bổ sung thì tình trạng thiếu hụt, yếu nước ở một số khu vực vào giờ cao điểm vẫn xảy ra do nhiều hộ mở vòi lấy nước đồng loạt, chưa kể các hộ sử dụng máy bơm để hút nước. Vào giờ cao điểm, không thể thỏa mãn nhu cầu sử dụng nước cho tất cả mọi người được, việc này quá khó dù nguồn nước cấp vào mạng lưới có dư”, ông Hồ Hương nói.
Còn đối với tuyến đường ống có đường kính 900mm kéo qua sông Hàn tại đoạn hạ lưu cầu Tiên Sơn để cấp nước bổ sung cho 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, ông Hồ Hương cho hay, hiện Dawaco đã được cấp phép thi công với thời hạn đến ngày 12-8-2019. Hiện nay, đơn vị thi công đang hàn nối ống. Đến đầu tháng 7-2019, sẽ vận hành máy khoan kéo để kéo đường ống qua sông, cấp nước bổ sung cho 2 quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà trong tháng 7.
Về những lo ngại do nước yếu, thiếu nước cục bộ vào các giờ cao điểm, các nhà hàng, khách sạn sử dụng nước ngầm không bảo đảm cho sức khỏe du khách, bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó phòng Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, qua đợt kiểm tra vừa qua, khả năng các khách sạn, nhà hàng bơm nước ngầm để cho du khách sử dụng là rất thấp, nhiều cơ sở hoàn toàn không dùng nước ngầm.
Hơn nữa, việc bơm nước ngầm cho khách sử dụng không làm lợi cho cơ sở kinh doanh bao nhiêu tiền nhưng khi phát hiện thì bị phạt với số tiền rất lớn. Mặt khác, nước ngầm ở khu vực ven biển bị phèn nặng, dễ làm hư hỏng các thiết bị trong phòng tắm, bồn rửa mặt, vệ sinh… nên các khách sạn ít dùng nước ngầm.
Việc sử dụng nước ngầm nhiều chủ yếu là ở các nhà hàng, sử dụng để rửa chén, lau và rửa sàn nhà... “Hiện nay, chúng tôi đang tham mưu UBND thành phố ban hành quy định về lắp đặt đồng hồ đo nước ngầm tại tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ, kể cả cơ sở khai thác nước ngầm có công suất nhỏ”, bà Đặng Nguyễn Thục Anh cho biết.
Dự án nâng cấp và mở rộng Nhà máy cấp nước Đà Nẵng phân kỳ 1 với công suất 60.000m3/ngày đã hoàn thành và vận hành kỹ thuật từ đầu tháng 6-2019; Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đấu nối cấp nước lên hệ thống cấp 1. Ngày 21-6, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho biết ngày 26-6 thực hiện đấu nối nguồn cấp nước bổ sung 60.000m3/ngày lên hệ thống nhưng liền sau đó lại tạm hoãn do trùng thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2019. Kế hoạch cụ thể tạm ngừng cấp nước để đấu nối dự án nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ phân kỳ 1, công suất 60.000m3/ngày vào mạng lưới phục vụ phát nước cho thành phố sẽ được Dawaco thông báo lại sau. TRIỆU TÙNG |
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP