Với mức tham gia tối thiểu chỉ hơn 150.000 đồng mỗi tháng, người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện sẽ có nhiều quyền lợi khi nghỉ hưu. Loại hình BHXH tự nguyện hiện nay đang được nhiều người tìm hiểu, tham gia, nhất là khi có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Chị Lê Thị Hòa (trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) là tiểu thương buôn bán hải sản nhỏ lẻ ở chợ. Mức thu nhập chỉ đủ lo cho con ăn học, đắp đổi qua ngày. Đã có nhiều loại hình bảo hiểm cử nhân viên trực tiếp tìm đến chị và gia đình để mời chào mua các gói bảo hiểm cho bản thân nhưng chị vẫn chưa tìm được loại hình phù hợp với điều kiện của gia đình.
Sau khi tham khảo ý kiến gia đình, tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, chị Hòa quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện là tới tuổi nghỉ hưu sẽ có lương hưu, hoặc nếu khi chết thì người thân sẽ được nhận tiền tuất. Sau khi cân đối các mức thu chi của gia đình, chị trích 170.000 đồng/tháng để tham gia BHXH tự nguyện.
Theo quy định hiện nay, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng chế độ hưu trí khi đủ điều kiện, tức sẽ được hưởng lương hưu khi tới tuổi nghỉ hưu (nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi). Hoặc khi đủ điều kiện, nếu người tham gia BHXH tự nguyện có nhu cầu có thể hưởng trợ cấp 1 lần. Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện chết, người thân sẽ được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc hằng tháng (do người thân lựa chọn).
Theo đó, có con chưa đủ 18 tuổi (hưởng tới khi đủ 18 tuổi); hoặc con từ đủ 18 tuổi nhưng suy giảm khả năng lao động (mất sức lao động) từ 81% trở lên; hoặc con được sinh khi người bố chết lúc mẹ đang mang thai. Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện chết nhưng có vợ hoặc chồng tới tuổi nghỉ hưu (nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi); hoặc chưa đủ tuổi nghỉ hưu nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên cũng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
Ngoài ra, bố mẹ chồng hoặc vợ (hoặc người nuôi dưỡng) đã đủ tuổi nghỉ hưu, hoặc chưa đủ tuổi nghỉ hưu nhưng mất sức lao động từ 81% trở lên cũng được hưởng trợ cấp tuất. Thân nhân của người chết không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở cũng được hưởng trợ cấp tuất. Ngoài ra, người chết được hỗ trợ mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở.
Theo bà Phạm Thị Hiền, Phó phòng phụ trách Phòng Quản lý thu, BHXH thành phố, tính đến ngày 31-12-2018, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố đạt 3.440 người, tăng 1.764 người so với cùng kỳ năm trước và đạt 110,9% kế hoạch của BHXH Việt Nam giao. Riêng 4 tháng đầu năm 2019, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 2.141 người, tăng 424 người (tăng 24,69%) so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy người dân ngày càng thấy rõ giá trị, lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện.
Theo Luật BHXH, người từ 15 tuổi trở lên và không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia tự chọn nhưng không thấp hơn chuẩn hộ nghèo nông thôn (tối thiểu thu nhập 700.000 đồng/tháng), tương đương khoảng 154.000 đồng/tháng.
Người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng theo phương thức: 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần, hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm về sau (không quá 5 năm 1 lần). Trường hợp người đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm và có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu nhưng không quá 10 năm (120 tháng) và được hưởng hưu trí sau tháng đóng đủ.
Đặc biệt, Luật BHXH quy định từ ngày 1-1-2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Theo đó, các đối tượng thuộc diện hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo là 25%, và các đối tượng khác là 10%. Mức hỗ trợ này tạo điều kiện để người dân sớm tiếp cận và hưởng lợi khi tham gia BHXH tự nguyện.
PHAN CHUNG