Đà Nẵng có trên 70 chợ lớn, nhỏ, trong đó các chợ lớn hầu hết tập trung tại địa bàn quận Hải Châu. Nhiều chợ xây dựng đã lâu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, nhất là vào mùa nắng nóng, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) vì vậy, luôn được đặt lên hàng đầu.
Hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy cho tiểu thương. |
Chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa là những chợ có quy mô lớn của Đà Nẵng hiện có hàng nghìn tiểu thương kinh doanh. Những ngày hè, cũng là mùa du lịch, khách mua sắm đông nên lượng hàng hóa nhập về rất nhiều, dẫn đến cảnh tượng chen chúc, ngột ngạt ở một số chợ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng Ban Quản lý (BQL) chợ Cồn cho biết, hiện chợ có 2.100 hộ tiểu thương kinh doanh, BQL thường xuyên phát hệ thống loa tuyên truyền, nhắc nhở tiểu thương nâng cao ý thức về PCCC, trong đó, tuyệt đối không được thắp hương, đốt vàng mã, không treo áo quần vào dây điện, gần nguồn điện.
Những năm qua, các vụ cháy trên địa bàn thành phố phần lớn bắt nguồn từ chập điện. Đây chính là yếu tố BQL các chợ lưu tâm đầu tiên. Như chợ Cồn, hệ thống điện cũ kỹ đã được lần lượt thay thế. Đến nay, hơn 5.000 thiết bị điện của tiểu thương ở đây đã được thay thế, sửa chữa; hơn 2.000 bóng đèn tuýp được thay bằng đèn led để giảm thiểu việc chập, chạm điện, giảm tiêu thụ điện năng. Bên cạnh đó, BQL tiến hành đầu tư phương tiện chữa cháy và con người.
Theo ông Hùng, hiện tại chợ Cồn đã đầu tư trên 300 bình chữa cháy mi-ni, gần 50 quả cầu chữa cháy tự động; 2 máy bơm công suất lớn; 1 xe chữa cháy chuyên dụng cùng đông đảo đội ngũ chữa cháy tại chỗ đã được tập huấn chuyên nghiệp, đáp ứng được công tác phát hiện, chữa cháy ban đầu.
Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng (gọi tắt là công ty) - đơn vị quản lý 4 chợ lớn là chợ Đầu mối Hòa Cường, chợ Hàn, chợ Cồn và chợ Đống Đa cho biết, nhằm bảo đảm công tác PCCC tại các chợ, các Đội PCCC cơ sở thường xuyên kiểm tra, rà soát và bổ sung phù hợp phương án PCCC; đồng thời, giả định nhiều tình huống phức tạp để lực lượng PCCC tại chỗ tập luyện, chọn phương án tối ưu để khi có sự cố cháy xảy ra sẽ triển khai hiệu quả.
Ngoài ra, công ty thường xuyên kiểm tra các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm những quy định về an toàn phòng chống cháy nổ; định kỳ kiểm tra, lau chùi, bảo dưỡng hệ thống điện và các loại bình chữa cháy, trang thiết bị, dụng cụ PCCC, tổ chức diễn tập theo phương án PCCC đã được duyệt; bổ sung thêm các bình bột chữa cháy.
Với sự đầu tư cho công tác PCCC, tại mỗi chợ hiện đều có hệ thống chữa cháy đồng bộ như hệ thống chữa cháy đường ống mạch vành xung quanh chợ, các bể nước ngầm, máy bơm PCCC. 6 tháng đầu năm 2019, công ty tập trung chỉnh trang quầy sạp tại chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối Hòa Cường. Qua đó, đã cải tạo nâng cấp hệ thống điện ánh sáng, điện bảo vệ cho hộ kinh doanh, toàn bộ dây dẫn điện được lắp đặt trong ống chống cháy, lắp đặt aptomat cho từng quầy, thay mới nhiều thiết bị đã cũ…
Không chỉ quận Hải Châu, tại các chợ trên địa bàn quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, trong những ngày hè, công tác phòng chống cháy nổ cũng được các chợ đặc biệt chú trọng.
Anh Trần Văn Phú, phụ trách công tác PCCC (BQL các chợ quận Cẩm Lệ) cho biết, 6 chợ trên địa bàn quận có hơn 1.600 tiểu thương hoạt động. Ngoài tuyên truyền, BQL các chợ đã thường xuyên kiểm tra về công tác PCCC, huấn luyện về PCCC cho các đội phụ trách.
“Ban quản lý các chợ Cẩm Lệ cũng chỉ đạo các BQL các chợ thành viên tăng cường đầu tư, sửa chữa hệ thống điện, hệ thống chữa cháy để bảo đảm an toàn cho công tác phòng, chống cháy nổ. Đến nay, công tác PCCC của các chợ cơ bản đáp ứng được công tác PCCC ban đầu”, anh Phú cho hay.
Lực lượng chữa cháy của Ban Quản lý Chợ Cồn nhắc nhở các tiểu thương không được treo, móc áo quần tại các ổ cắp điện. |
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Trần Văn Hướng, Phó phòng Cảnh sát PCCC Công an thành phố cho biết, cháy nổ ở chợ luôn tiềm ẩn nguy cơ cao, gây thiệt hại lớn. Vì vậy, công tác phòng ngừa luôn được lực lượng chức năng quan tâm. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, trực tiếp là lãnh đạo Công an thành phố, Phòng Cảnh sát PCCC đã có kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các chợ. Trong quá trình kiểm tra, Cảnh sát PCCC kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, yêu cầu bổ sung, hoàn thiện, để đáp ứng cho công tác PCCC ở chợ.
Ngoài kiểm tra, lực lượng Cảnh sát PCCC đã chú trọng triển khai thực tập các phương án PCCC cho các đội chữa cháy của chợ cũng như tiểu thương nắm bắt quy trình chữa cháy, cứu nạn, đáp ứng được công tác chữa cháy ban đầu.
“Với sự nỗ lực của các đơn vị, ý thức chấp hành của tiểu thương, thời gian qua, chưa có sự cố cháy nổ xảy ra ở các chợ trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng, BQL các chợ phải bố trí lực lượng 24/24 giờ để xử lý nhanh khi phát hiện sự cố”, Thượng tá Hướng khuyến cáo.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ