Thủ tướng trả lời phỏng vấn báo chí về chuyến thăm Nhật Bản

.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa Việt Nam-Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển mới rất tốt đẹp.

Các quan chức Chính phủ Nhật Bản đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại Sân bay quốc tế Kansai, Osaka. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Các quan chức Chính phủ Nhật Bản đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại Sân bay quốc tế Kansai, Osaka. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhân chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) từ ngày 27/6-1/7 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí Nhật Bản.

Sau đây là nội dung phỏng vấn:

- Lãnh đạo các nước G20 và các nước khách mời sẽ gặp nhau vào cuối tháng 6 tại Osaka, Nhật Bản. Xin Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ đóng góp ý kiến gì cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đây là lần thứ 4 trong vòng hơn 10 năm qua, Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 (gần đây nhất là Việt Nam dự G20 tại Đức tháng 7/2017), một diễn đàn đa phương quan trọng trong quản trị kinh tế toàn cầu.

Điều này khẳng định sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với uy tín và vị thế của một Việt Nam đổi mới và hội nhập; một đối tác tin cậy và có trách nhiệm đối với hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực, qua đó tin tưởng, kỳ vọng Việt Nam tiếp tục đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề kinh tế toàn cầu.

Đây cũng là minh chứng cho quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam- Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp, cùng chia sẻ, ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực.

Là đối tác có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang đóng góp tích cực và thực chất vào nội dung nghị sự của G20, nhất là trong việc củng cố hệ thống thương mại đa phương, liên kết kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo, kinh tế số, thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường biển, ngăn ngừa rác thải nhựa, tăng cường vai trò phụ nữ…

Đây đều là những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển bền vững và bao trùm ở tất cả các quốc gia.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới, Việt Nam, từ thực tiễn phát triển của một quốc gia đang vươn lên và hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, sẽ chia sẻ với bạn bè quốc tế tầm nhìn, ý tưởng hợp tác và nỗ lực của Việt Nam trong góp phần xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu nói trên với mong muốn chung tay cùng cộng đồng quốc tế vì một hành tinh xanh, một thế giới hòa bình, cùng phát triển thịnh vượng và không có ai bị bỏ lại phía sau.

- Xin Thủ tướng cho biết đánh giá về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản thời gian gần đây và kỳ vọng của Thủ tướng về mối quan hệ này trong tương lai, các lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với phía Nhật Bản?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, thực chất và toàn diện, đáp ứng nguyện vọng và đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Về chính trị, hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, góp phần tăng cường, củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai nước.

Về phía Nhật Bản, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã có chuyến thăm lịch sử đầu tiên tới Việt Nam năm 2017; Thủ tướng Abe Shinzo đã thăm Việt Nam hai lần trong năm 2017.

Về phía Việt Nam, hằng năm đều có chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Nhật Bản. Với cá nhân tôi, đây là chuyến thăm Nhật Bản lần thứ 4 trên cương vị Thủ tướng Chính phủ.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Motoo Hayashi, Quyền Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản tháng 12/2018 (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Motoo Hayashi, Quyền Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản tháng 12/2018 (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Hợp tác trong các lĩnh vực an ninh-quốc phòng giữa hai bên đạt được nhiều tiến triển thực chất. Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh thông qua viện trợ cho công tác rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, hợp tác đào tạo quốc phòng, hỗ trợ trong huấn luyện cứu hộ cứu nạn, tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Các tàu Hải quân Nhật thường xuyên thăm giao lưu hữu nghị các cảng Việt Nam…

Về kinh tế, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam về đầu tư, thương mại, du lịch, là nước cung cấp vốn vay ODA lớn nhất cho Việt Nam.

Các công trình thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA và các dự án đầu tư của Nhật Bản hiện diện trên hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam và trong nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần quan trọng vào việc thực hiện ba đột phá chiến lược của Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững.

Nhật Bản là nhà đầu tư số một của Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018.

Hợp tác giữa các địa phương hai nước ngày càng sôi động, giao lưu nhân dân không ngừng được mở rộng và đa dạng hóa.

Cộng đồng người Việt Nam là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba tại Nhật Bản với hơn 300.000 người, trong đó đa số là các bạn trẻ lưu học sinh, thực tập sinh.

Các bạn trẻ đó là nguồn nhân lực quan trọng đối với Việt Nam trong tương lai, đồng thời cũng đang đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của Nhật Bản và là cầu nối hữu nghị, nền tảng quan trọng để phát triển mối quan hệ bền vững Việt Nam-Nhật Bản.

Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên cũng tích cực hợp tác tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM)..., đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Hai bên đã cùng nhau phối hợp chặt chẽ thúc đẩy để ký kết, phê chuẩn và đang hợp tác triển khai hiệu quả Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Là nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đang phát huy vai trò để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ASEAN và khu vực sông Mekong với Nhật Bản, bao gồm cả khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), cũng như cùng Nhật Bản phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Chúng tôi mong muốn Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác ưu tiên của Chương trình “Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng” và “Sáng kiến kết nối Mekong-Nhật Bản.”

Thời gian tới, với sự nỗ lực, đồng lòng và chính sách đúng đắn của cả hai bên, tôi tin tưởng quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa Việt Nam-Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển mới rất tốt đẹp.

Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Nhật Bản nắm bắt, mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, nhất là các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ, hạ tầng, nông nghiệp hiện đại, tài chính, ngân hàng, tham gia đối tác chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… góp phần hiệu quả giúp Việt Nam giải quyết nhu cầu lớn về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, năng lượng hiện đại, đồng bộ, hệ thống giáo dục tiên tiến, xây dựng đất nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản đang đứng trước những vận hội phát triển mới đầy triển vọng.

Tôi tin tưởng rằng sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai đất nước sẽ ngày càng bền chặt, sâu sắc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

- Xin Thủ tướng cho biết đánh giá của mình về tình hình Biển Đông hiện nay, những biện pháp mà Việt Nam đang thực hiện nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông? Xin Thủ tướng chia sẻ về kỳ vọng của Việt Nam với vai trò của Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông cũng như vấn đề an ninh khu vực?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản thúc đẩy hợp tác trên biển bằng nhiều hình thức, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 nhằm bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải hàng không, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống tội phạm trên biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển….

Đồng thời, Việt Nam sẽ cùng các nước liên quan tiếp tục đàm phán, phân định biển, xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển, kiểm soát tốt bất đồng, không làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông, nỗ lực cùng các bên liên quan nghiêm túc thực hiện đầy đủ và toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, có hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việt Nam đánh giá cao vai trò và sự đóng góp của Nhật Bản vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tự do, an toàn hàng hải hàng không ở Biển Đông thời gian qua; đồng thời tin tưởng rằng, là một cường quốc ở khu vực và trên thế giới, đồng thời có lợi ích đối với việc lưu chuyển hàng hóa qua khu vực Biển Đông, Nhật Bản tiếp tục thể hiện vai trò trong việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đóng góp tích cực hơn nữa cho hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.

Là nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản (giai đoạn từ tháng 8/2018 đến tháng 8/2021), Việt Nam mong muốn hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt trong khuôn khổ hợp tác ASEAN- Nhật Bản.

Về song phương, đề nghị Nhật bản tiếp tục triển khai các Dự án, Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến 2030 và tầm nhìn đến 2045.

- Nhật Bản đã thông qua chính sách mở cửa đối với lao động nước ngoài nhằm đối phó với tình trạng dân số suy giảm và kỳ vọng Việt Nam sẽ hợp tác trong lĩnh vực này. Xin Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ có những chính sách gì để đáp ứng phía Nhật Bản và xin Thủ tướng nhận xét về những vấn đề cần được cải thiện trong chính sách nhập khẩu lao động của Nhật Bản?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cộng đồng người Việt tại Nhật Bản hiện nay đạt trên 300.000 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba tại Nhật Bản, trong đó đa số là các bạn trẻ lưu học sinh, thực tập sinh.

Đây là nguồn nhân lực quý báu đối với Việt Nam, là “cầu nối” quan trọng của hợp tác Việt Nam-Nhật Bản, có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội của cả hai nước.

Điều dưỡng Việt Nam được đào tạo tại Nhật Bản. (Nguồn: asia.nikkei.com)
Điều dưỡng Việt Nam được đào tạo tại Nhật Bản. (Nguồn: asia.nikkei.com)

Sự phát triển nhanh chóng của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản là minh chứng rõ nét cho sự phát triển sâu rộng của quan hệ hai nước, là cơ sở quan trọng góp phần làm sâu sắc hơn sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác bền vững giữa hai nước.

Việt Nam hoan nghênh việc Nhật Bản thiết lập tư cách cư trú mới “Lao động kỹ năng đặc định” nhằm tăng cường tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và sẵn sàng ưu tiên tăng cường hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực này, vì lợi ích của cả hai nước.

Chúng tôi mong muốn hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực có nhiều tiềm năng này, trong đó có việc tăng cường trao đổi thông tin, giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ quan phái cử/tiếp nhận của hai bên, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động Việt Nam tại Nhật Bản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động Việt Nam có thể nhanh chóng hòa nhập với môi trường công việc và sinh hoạt tại Nhật Bản.

Theo vietnamplus.vn

;
;
.
.
.
.
.