Tìm lời giải cho bài toán không gian công cộng - Bài 1: Không gian công cộng chưa xứng tầm

.

Năm 2019, với Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng bước vào một giai đoạn phát triển mới với kỳ vọng có nhiều đột phá nhằm hướng đến một đô thị thông minh, xanh và tiện ích ở tầm châu lục. Để biến mục tiêu thành hiện thực, thành phố lần thứ 4 triển khai công tác điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; trong các vấn đề cần được quan tâm, có bài toán về việc hình thành nên những khoảng không gian tiện ích công cộng xứng tầm, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2357/QĐ-TTg ngày 4-12-2013, có phần tổng kết lại công tác triển khai quy hoạch chung của thành phố sau 10 năm thực hiện Đồ án quy hoạch chung đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 465/2002/QĐ-TTG ngày 17-6-2002. Trong đó, có nhận định là các ngành chưa có sự phối hợp đồng bộ trong thực hiện đồ án quy hoạch, dẫn đến mất cân đối trong việc sử dụng đất, đáng chú ý đất dành cho không gian công cộng.

Hiện Đà Nẵng đang thiếu không gian công cộng xứng tầm. TRONG ẢNH: Một góc Công viên 29-3. 										                   Ảnh: MINH TRÍ
Hiện Đà Nẵng đang thiếu không gian công cộng xứng tầm. TRONG ẢNH: Một góc Công viên 29-3. Ảnh: MINH TRÍ

Theo quy hoạch của Đà Nẵng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 465/QĐ-TTg ngày 17-6-2002, hệ thống công trình công cộng như công viên, mảng xanh... được đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, trong hạng mục hệ thống công trình thể dục thể thao, công viên, cây xanh đề ra mục tiêu xây dựng các trung tâm thể dục-thể thao cấp quận kết hợp công viên cây xanh tại các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà và thị trấn huyện Hòa Vang quy mô từ 10 đến 15ha cho mỗi khu; xây dựng các khu cây xanh gắn với các trung tâm giải trí ở khu vực gần Bà Nà, ven sông Hàn, Mỹ Khê, Ngũ Hành Sơn; phát triển và xây dựng công viên 29-3, công viên đường 2 Tháng 9, công viên Hòa Cường - Khuê Trung; hình thành các công viên rừng bảo tồn thiên nhiên tại Sơn Trà, Phước Tường, Bà Nà - Núi Chúa…

Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện đề án, cùng với sự phát triển hạ tầng đô thị, Đà Nẵng có tốc độ dân số gia tăng nhanh chóng, chủ yếu do tình trạng nhập cư đã phá vỡ quy hoạch đã được xây dựng. Việc quy hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị chưa có sự đồng bộ, nhiều quy hoạch chi tiết nhỏ lẻ dẫn đến mất cân đối trong việc sử dụng đất, nhất là tỷ lệ đất trong khu dân dụng (đất ở, đất cây xanh, đất giao thông, đất công trình công cộng).

Tính đến năm 2010, mật độ dân số của Đà Nẵng có sự chênh lệch khá lớn giữa các quận, huyện. Hơn 4/5 dân số tập trung trên một diện tích bằng 1/4 diện tích toàn thành phố. Trong đó, quận Thanh Khê và quận Hải Châu chiếm 41,1% dân số thành phố nhưng diện tích đất chỉ chiếm 3,1% toàn địa bàn. Dân số gia tăng nhanh đã gây sức ép, khiến các khu đô thị cũ ở quận Thanh Khê, Hải Châu trở nên ngày càng chật hẹp, diện tích dành cho cây xanh, công viên hay các khu vực công cộng theo đó, càng hạn chế.

Theo số liệu năm 2010, đất dành cho mục đích công cộng chỉ hơn 4.131ha (chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn trong khoảng hơn 50.000ha đất phi nông nghiệp toàn thành phố). Tại thời điểm này, tình hình sử dụng đất đô thị của thành phố cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra nhưng phần đất dành cho công cộng và cây xanh tính trên đầu người chưa đạt như quy hoạch.

Hệ thống công viên tại Đà Nẵng trên google map. Có thể thấy Đà Nẵng rất “khát” công viên, nhất là những công viên đạt tiêu chuẩn cấp thành phố, cấp quận.
Hệ thống công viên tại Đà Nẵng trên google map. Có thể thấy Đà Nẵng rất “khát” công viên, nhất là những công viên đạt tiêu chuẩn cấp thành phố, cấp quận.

Ở cấp địa phương, chỉ tiêu về khoảng xanh công cộng luôn được đưa vào các đề án phát triển hạ tầng đô thị nhưng vẫn không đạt mục tiêu đề ra. Đơn cử, tại quận Cẩm Lệ, trong Đề án phát triển hạ tầng đô thị quận giai đoạn 2016-2020 nêu rõ, mục tiêu đến năm 2020, Cẩm Lệ sẽ trở thành “Quận môi trường”, trong đó phấn đấu nâng tỷ lệ cây xanh đường phố lên 1,9-2,2m2/người, cây xanh công cộng lên 6-7,5m2/người; đầu tư xây dựng mới 6 công viên vườn dạo tại hai phường Hòa Thọ Đông và Hòa Xuân với tổng diện tích 44.823m2. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cẩm Lệ, mặc dù đề án quy hoạch đặt ra như vậy song đến nay, tỷ lệ cây xanh đường phố tính trên đầu người chỉ đạt tỷ lệ 1,23m2/người (tiêu chuẩn đặt ra là 1,9 - 2,2m2/người); cây xanh sử dụng công cộng chỉ 0,23m2/người (tiêu chuẩn 6 - 7,5m2/người); cây chuyên dụng là 1,08m2/người (tiêu chuẩn 2,5 - 2,8m2/người). Riêng công viên vườn dạo, đến nay, tất cả vẫn chỉ “trên giấy”.

KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng, người trực tiếp tham gia thực hiện nhiều đồ án quy hoạch đô thị Đà Nẵng, cho biết, tại thời điểm năm 2001, các nhà quy hoạch đã chọn vị trí đường 2 Tháng 9 làm công viên trung tâm thành phố với diện tích trên 50ha và 3 công viên khu vực gồm: công viên 29-3 (quận Thanh Khê), công viên ven bờ đông sông Hàn (vị trí làng Euro ngày nay) và Công viên Thanh Niên (giáp ranh quận Hải Châu và Cẩm Lệ)… Từ 2004-2011, Đà Nẵng cũng bắt đầu chú trọng phát triển không gian xanh, nhưng chỉ có Đề án phát triển cây xanh, trong đó tập trung phát triển cây xanh đường phố là chính chứ chưa có định hướng phát triển công viên.

“Không gian xanh là tiêu chí đầu tiên của thành phố môi trường và đô thị sinh thái. Trong đó, công viên, không gian xanh, mặt nước là cấu trúc cơ bản của đô thị. Nhưng trong quá trình phát triển thành phố, hệ thống không gian xanh không được các cấp lãnh đạo xác định là thành phần chiến lược dài hạn cho quy hoạch đô thị. Hơn nữa, Đà Nẵng tăng trưởng quá nóng, hầu hết những vấn đề dự báo được đặt ra ở các đề án quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 465/2002/QĐ-TTG ngày 17-6-2002, điều chỉnh quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2357/QĐ-TTg ngày 4-12-2013 đều “đi sau” so với tình hình phát triển trên thực tế. Trong đó, đối với mục tiêu quy hoạch về các khu công viên công cộng, mảng xanh… không bảo đảm đi đúng hướng quy hoạch ban đầu. Tại thời điểm hiện nay, Đà Nẵng chỉ còn lại 2 công viên cấp quận và diện tích của nó cũng bị cắt xén khá nhiều”, KTS Phan Đức Hải nói.

Công viên 29-3 được ví như lá phổi giữa lòng thành phố nhưng bị xuống cấp, chưa phát huy được công năng.
Công viên 29-3 được ví như lá phổi giữa lòng thành phố nhưng bị xuống cấp, chưa phát huy được công năng.

KTS Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, Phó Chủ tịch Hội KTS thành phố cho biết, sau 10 năm thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” (2008-2018), thành phố đã đưa vào khai thác hơn 50.930 cây xanh, hơn 200.000m2 thảm cỏ, hoa từ 130 hạng mục cây xanh của các dự án đầu tư xây dựng nâng tỉ lệ cây xanh bình quân đầu người tăng lên từ 4m2 lên 7,3m2/người.

Tuy nhiên, phần cây xanh sử dụng công cộng (gồm: công viên, vườn hoa, thảm cỏ của quảng trường…) chưa đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí, nâng cao đời sống tinh thần, thể chất của người dân. Theo tiêu chuẩn, đối với đô thị loại I, chỉ tiêu này phải đạt từ 10-12m2, nhưng thực tế hiện nay chỉ đạt xấp xỉ 4m2/người, nghĩa là thành phố còn thiếu một diện tích khá lớn, trên 600ha đất dành cho hệ thống cây xanh công cộng. Bên cạnh đó, áp lực tăng trưởng “nóng” về du lịch đã khiến toàn bộ hạ tầng kỹ thuật khu vực ven biển không đủ sức chịu tải khi toàn bộ phần đất trước đây quy hoạch dành cho đất ở nay trở thành đất khai thác dịch vụ du lịch.

Đồ họa: THANH HUYỀN
Đồ họa: THANH HUYỀN

Trải qua 3 lần quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, về cơ bản, đến nay Đà Nẵng đã hình thành nên một số khu công viên, cây xanh được đề ra theo điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Tuy nhiên, thực tế nhiều công viên đã xuống cấp, vận hành chưa được như kỳ vọng như Công viên 29-3, Công viên Thanh Niên... Ngoài ra, một số công viên chưa được hình thành như: khu công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, khu công viên ven biển quận Liên Chiểu...

Bài và ảnh: NGỌC HÀ – KHÁNH HÒA
 

;
;
.
.
.
.
.