Khiếm khuyết cơ thể, họ vẫn nỗ lực không ngừng, để sống có ích.
Nghị lực của chàng trai khiếm thị
Từ khi lên 2 tuổi, đôi mắt Võ Văn Nhật (24 tuổi, quận Ngũ Hành Sơn) bị mù dần vì bệnh viêm võng mạc và tổn thương đáy mắt. Gia đình chạy chữa nhiều nơi nhưng đều không mang lại kết quả khả quan. 5 tuổi, hai mắt Nhật mù hoàn toàn. Dẫu vậy, Nhật luôn khát khao được đi học. Thương đứa con thơ bất hạnh, năm 2001, mẹ Nhật đưa con đến Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng).
Với ý chí và sự kiên trì của mình, từ năm lớp 6, Nhật bắt đầu học hòa nhập ở các trường phổ thông. Mắt không nhìn thấy ánh sáng nhưng tâm trí Nhật rất thông minh, ham học, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, lớp 11 và 12 liên tiếp đoạt giải ba cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố môn Hóa học.
Anh Võ Văn Nhật đang dạy đàn organ cho trẻ khuyết tật. |
Năm 2013, Nhật thi đỗ 2 trường đại học. Trở thành sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), Nhật luôn bảo đảm điểm số đạt loại giỏi qua 4 năm học. Không những vậy, Nhật còn nỗ lực học đàn organ, piano, guitar và hăng say luyện tập cờ tướng, cờ vua, bóng đá.
Bên cạnh đó, Nhật còn thể hiện tài năng về công nghệ thông tin. Với phần mềm hỗ trợ, anh thành thạo nhiều chương trình vi tính, say mê tra cứu thông tin trên Internet để phục vụ học tập và luyện đàn. Không chỉ đạt nhiều giải thưởng trong thi đấu thể thao người khuyết tật (các cấp), Nhật còn giành được nhiều huy chương về độc tấu đàn organ tại Hội thi “Tiếng hát từ trái tim” cấp thành phố và cấp quốc gia.
Sau khi tốt nghiệp đại học loại giỏi (năm 2017), Nhật trở thành giáo viên âm nhạc tại Trung tâm Trẻ khuyết tật Hướng Dương Việt ở TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), đồng thời mở lớp dạy đàn tại nhà và qua mạng thông qua kênh youtube với địa chỉ http://bit.ly/nhatorgan.
“Chương trình dạy đàn organ, piano tại nhà cũng như dạy qua kênh youtube của mình dành cho mọi đối tượng, không phân biệt người bình thường hay người khuyết tật và đã có hơn 200 học viên đang theo học”, Nhật chia sẻ. Đặc biệt, Nhật còn lập chương trình hỗ trợ người khiếm thị sử dụng vi tính và điện thoại thông minh, đem lại nhiều tiện ích cho những người đồng cảnh ngộ.
Nhận xét về người hội viên này, Chủ tịch Hội Người mù thành phố Võ Văn Ngọ nhấn mạnh: “Nhật là tấm gương điển hình về người khiếm thị luôn vượt lên hoàn cảnh bản thân, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng người khiếm thị”.
Vươn lên từ hoạn nạn
3 tháng tuổi, cậu bé Trần Xuân Bách (SN 1974, hiện ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) bị sốt bại liệt gây teo cơ chân trái. Gia đình chạy chữa nhiều nơi suốt 6 năm liền, Bách mới đi được khập khiễng. Dẫu gian nan trên hành trình đến trường nhưng Bách đã giành nhiều thành tích trong học tập, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cậu còn phụ giúp cha mẹ làm ruộng và đi nhặt phế liệu để bán, kiếm tiền trang trải một phần chi phí học tập. Nhưng tai ương một lần nữa lại đổ xuống cuộc đời Bách. Tai nạn bom mìn bất ngờ khi Bách đang học THPT đã cướp mất bàn tay phải của Bách, nhiều mảnh đạn còn găm sâu vào cơ thể chàng trai bất hạnh. Từ đó, con đường học vấn của chàng trai giàu ý chí khép lại.
Không nản lòng, Bách quyết tâm đi học nghề tại Làng đá mỹ nghệ Non Nước. Chỉ còn một tay, Bách chọn theo đuổi khắc hình lên đá (hình đen trắng, thường gọi là bon hình) và thông thạo sau một năm cần cù, chăm chỉ. Cảm phục ý chí của Bách, một gia đình giàu lòng nhân ái trên đường Huyền Trân Công Chúa (phường Hòa Hải) đã cho anh mượn căn phòng nhỏ để hành nghề mưu sinh. Miệt mài, cần mẫn, bon hình của Bách ngày càng tinh xảo, qua đó, thu nhập ngày càng khá hơn. Chàng trai hiếu học tiếp tục mày mò, nghiên cứu và đầu tư nghề vẽ tranh sơn dầu trên đá.
Những tác phẩm của anh có vẻ đẹp riêng, phảng phất hồn cốt quê hương và được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ở Làng đá mỹ nghệ Non Nước, ai cũng quý mến chàng trai tật nguyền, khéo tay và giàu nghị lực này. Trong số ấy, chị Võ Thị Sơn, một nhân viên cửa hàng đá mỹ nghệ đã dành tình cảm đặc biệt cho Bách. Cả hai đã nên duyên vợ chồng, cùng chăm chỉ lao động và vừa xây dựng ngôi nhà khang trang.
Cùng với đó, Bách hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, thường xuyên năng nổ, xông xáo trong công tác địa phương. Anh đã liên kết những người đồng cảnh ngộ ở quận, hình thành Nhóm Tự Lực, về sau phát triển thành Chi hội Người khuyết tật (NKT) quận Ngũ Hành Sơn nhằm động viên, hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Khi thành lập Hội NKT Ngũ Hành Sơn (năm 2014), anh được bầu làm Chủ tịch Hội. Trên cương vị ấy, anh tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, tập huấn nâng cao kỹ năng, tận tình chăm lo đời sống hội viên, đặc biệt là Đội Văn nghệ NKT được thành lập, luyện tập và biểu diễn phục vụ cộng đồng.
Hai đêm diễn “Tiếng hát NKT” vừa qua đã gây xúc động sâu sắc đối với công chúng và được các nhà hảo tâm ủng hộ hơn 100 triệu đồng, kịp thời hỗ trợ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, anh còn tận tình hướng dẫn hội viên làm thủ tục vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để mở các mô hình sản xuất - kinh doanh nhỏ, phù hợp với đặc điểm khuyết tật.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn Huỳnh Cự nhận xét: “Giàu nhiệt tình, tâm huyết cùng với những cách làm năng động, thiết thực, anh Bách đã đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng NKT, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của địa phương, là cá nhân điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM