Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh - Bài 2: Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ mới

.

Trước yêu cầu về phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW, Đà Nẵng rất cần một đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, có tâm huyết, trách nhiệm cao, xứng tầm; tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, biết đặt người dân vào vị trí trung tâm phát triển của xã hội.

Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn tới là yêu cầu thực tiễn đang đặt ra đối với thành phố Đà Nẵng. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (thứ hai, bên trái sang) trao đổi với các đại biểu và cán bộ thành phố tại chương trình Tọa đàm mùa xuân 2019.
Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn tới là yêu cầu thực tiễn đang đặt ra đối với thành phố Đà Nẵng. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (thứ hai, bên trái sang) trao đổi với các đại biểu và cán bộ thành phố tại chương trình Tọa đàm mùa xuân 2019.

Hiện nay, cả hệ thống chính trị thành phố tập trung xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án, lộ trình nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó xác định cán bộ và công tác cán bộ là yếu tố then chốt, quyết định mọi thắng lợi trong công cuộc phát triển Đà Nẵng.

Về công tác cán bộ, theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Võ Văn Thương, phải bám sát quan điểm, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể các nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6, 7, 8 (khóa XII), nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 (khóa XII); Nghị quyết 39-NQ/TW, Kết luận số 17-KL/TW, Kết luận 34-KL/TW và các quy định của Trung ương, Chính phủ đề ra các giải pháp mang tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải có tư duy quản trị chiến lược, hoạch định, đánh giá chính sách, khả năng đàm phán, thương thảo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Theo ông Võ Văn Thương, để khắc phục được tình trạng hẫng hụt cán bộ, ngoài việc bám sát quan điểm, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể các nghị quyết nêu trên, Đảng bộ thành phố cần làm tốt 2 công việc có tính chất cốt yếu để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có thể đảm đương các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trước hết phải cần đổi mới, hoàn thiện công tác đánh giá cán bộ.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Võ Văn Thương cho rằng, công tác đánh giá cán bộ lâu nay vẫn bị xem là khâu khó nhất trong quy trình công tác cán bộ, phải đổi mới cách đánh giá cán bộ, chấm dứt tình trạng “lên không xuống, vào không ra” cũng như  “dĩ hòa vi quý”, “huề cả làng”... Làm tốt khâu đánh giá cán bộ sẽ là nền tảng vững vàng để làm tốt các khâu khác trong quy trình như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ triển vọng; cũng như đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ trong hệ thống chính trị. Một cơ chế đánh giá thực sự hiệu quả sẽ tạo động lực, bảo vệ cán bộ tốt, cảnh báo cán bộ kém và trọng dụng, thu hút nhân tài.

“Vừa qua, Trung ương và Thành ủy đã ban hành các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ, về sàng lọc đảng viên... Việc cần phải làm trong thời gian đến là làm sao để những quy định này phát huy hiệu quả trong thực tế; đồng thời thường xuyên tự kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện những trường hợp chưa đủ chuẩn, từ đó có hướng xử lý phù hợp. Thậm chí, cần phải đo lường xem những quy định này có rơi vào hình thức, có thực sự tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đánh giá cán bộ hay không”, ông Võ Văn Thương nhấn mạnh.

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh, để tạo chuyển biến công tác cán bộ, cần phải thực hiện đồng bộ công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ, trong đó chú trọng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa giáo dục với rèn luyện trong thực tiễn. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền.

“Làm tốt công tác cán bộ và bố trí đội ngũ cán bộ có trọng tâm, trọng điểm và đồng đều ở 3 khối: khối Đảng, khối chính quyền và khối Mặt trận, đoàn thể. Ngoài ra, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ ở các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị”, ông Lê Tự Gia Thạnh chia sẻ thêm.

Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường cho biết, hiện nay, Đảng bộ huyện Hòa Vang tập trung giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

“Trong thời gian đến, huyện Hòa Vang tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát và phản biện xã hội. Phát huy vai trò của Mặt trận các đoàn thể chính trị-xã hội trong công tác giám sát cán bộ, đảng viên, kịp thời phát hiện và phản ánh những vấn đề tiêu cực, sai phạm, vi phạm đạo đức, tác phong của cán bộ, đảng viên để xử lý kịp thời”, ông Trần Văn Trường cho biết.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Ngũ Hành Sơn Phùng Văn Cưng cho rằng, phải gắn xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng cấp ủy, tổ chức Đảng và đổi mới cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, thông qua hoạt động thực tiễn để tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ và phải dựa vào nhân dân để phát hiện, kiểm tra và giám sát cán bộ.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Huỳnh Thị Tam Thanh, cần quan tâm đến một số nội dung liên quan đến công tác cán bộ; đặc biệt là nghiêm túc triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện Quy định số 179-QÐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, trong đó quan tâm đến quy trình, tiêu chuẩn, công tác đánh giá, sử dụng để bảo đảm có một tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Theo bà Huỳnh Thị Tam Thanh, thời gian đến cần triển khai thực hiện tốt mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh của địa phương; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo, xây dựng, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành trung tâm kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Trong tháng 5-2019, Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy triển khai quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025; các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp thành phố nhiệm kỳ 2016-2021 và 2021-2026 gắn với công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Trong thời gian đến, Ban Tổ chức Thành ủy tiếp tục tham mưu các giải pháp nhằm bồi dưỡng và thử thách để đội ngũ cán bộ nguồn đủ vững vàng, sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ cao hơn.

Bài và ảnh: ĐẶNG NỞ

;
;
.
.
.
.
.