Điều tiết ô-tô khách trên 30 chỗ vào trung tâm thành phố: Cần tính toán thực hiện chặt chẽ

.

Ngày 19-7, UBND thành phố có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương điều tiết các loại xe khách trên 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt) vào trung tâm thành phố với mục tiêu là giảm ùn tắc giao thông và khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông trong giai đoạn hiện tại. Theo đó, từ ngày 1-9-2019 sẽ bắt đầu áp dụng xử phạt vi phạm theo quy định. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần tính toán chặt chẽ, khoa học hơn.

Việc điều chỉnh xe khách 30 chỗ vào trung tâm thành phố cần được tính toán chặt chẽ , khoa học. Ảnh: THÀNH LÂN
Việc điều chỉnh xe khách 30 chỗ vào trung tâm thành phố cần được tính toán chặt chẽ , khoa học. Ảnh: THÀNH LÂN

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, từ năm 2010, phương tiện cơ giới ở thành phố phát triển nhanh thì các cơ quan Trung ương chưa ban hành các hành lang pháp lý quy định về kiểm soát đăng ký mới ô-tô, xe máy; thu phí các loại phương tiện cơ giới cá nhân vào trung tâm đô thị; kiểm soát niên hạn sử dụng các loại phương tiện không hoạt động kinh doanh vận tải; chưa ban hành quy định về kiểm soát chất lượng, khí thải xe máy.

Chính việc thiếu những quy định trên, đã dẫn đến khó khăn trong việc hạn chế, kiểm soát sự gia tăng phương tiện cơ giới do thiếu hành lang pháp lý được áp dụng thống nhất trên cả nước. Trong bối cảnh quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông nói chung, giao thông tĩnh nói riêng còn hạn chế, nhất là ở khu vực trung tâm, thì tình trạng dừng, đỗ xe tràn lan trên các tuyến đường xảy ra thường xuyên, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, dẫn đến hiện tượng ùn tắc giao thông.

Ông Lê Văn Trung nói thêm, đây là cơ sở để ngành giao thông thành phố (trong hoạt động quản lý Nhà nước) đề xuất UBND thành phố ban hành chủ trương điều tiết các loại xe khách trên 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt) vào trung tâm thành phố ở khung giờ cao điểm.

Theo khảo sát của Sở GTVT, thời gian qua, hiện tượng ùn tắc giao thông trên địa bàn xảy ra chủ yếu vào giờ cao điểm từ 6 giờ 45 phút đến 7 giờ 45 phút và lúc 11 giờ đến 12 giờ, từ 16 giờ đến 18 giờ 30 phút tại nhiều nút giao thông, trục giao thông chính khu vực trung tâm. Vị trí ùn tắc thường xuất phát từ nút giao với các trục đường có lưu lượng giao thông cao vào nút lớn, dẫn đến tình trạng ùn tắc tiếp đoạn đường trước đó.

Đặc biệt, hiện tượng ùn tắc khu vực trung tâm có xu hướng gia tăng trên các tuyến đường nối giữa trung tâm và ngoại thành theo chiều lưu thông ra - vào trung tâm, với chiều vào trung tâm vào buổi sáng và chiều ra khỏi trung tâm vào buổi chiều. Ngoài ra, theo thống kê, các chuyến bay đi - đến thành phố Đà Nẵng cũng góp phần gia tăng tình trạng tập trung các phương tiện vào giờ cao điểm khu vực, đặc biệt là giờ cao điểm buổi trưa, chiều.

Bên cạnh đó, du lịch Đà Nẵng thời gian qua phát triển mạnh; tốc độ tăng trưởng khách bình quân 14,84%; số cơ sở lưu trú tập trung tại quận Hải Châu, Thanh Khê tăng cao. Vì vậy, các loại xe cỡ lớn, nhất là xe du lịch, lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố giờ cao điểm và một số thời điểm đã gây ra ùn tắc cục bộ, mất an toàn giao thông do kích thước xe lớn, bán kính quay vòng lớn, khả năng xoay xở kém, nhiều điểm mù; đặc biệt là hệ số rỗng cao.

“Cùng với sự phát triển du lịch là việc tăng trưởng số lượng xe kinh doanh du lịch ở địa phương cũng như ở địa phương lân cận lưu thông trên địa bàn thành phố. Điều này dẫn đến mật độ xe trên đường tăng cao, đặc biệt là vào các mùa du lịch, lễ hội, giờ cao điểm trong ngày. Trong đó, các loại xe có kích thước lớn lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố giờ cao điểm cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ, mất ATGT”, ông Trung nói.

Trước chủ trương của thành phố, các đơn vị lữ hành phải tính tới những điều chỉnh nhất định.  Ảnh: THU HÀ
Trước chủ trương của thành phố, các đơn vị lữ hành phải tính tới những điều chỉnh nhất định. Ảnh: THU HÀ

Từ cơ sở thực tế trên, Sở GTVT đã tham mưu đề xuất UBND thành phố ban hành Công văn số 4883/UBND-SGTVT ngày 19-7-2019 về việc thực hiện điều tiết các loại xe khách trên 30 chỗ ngồi, xe tải vào trung tâm thành phố. Theo đó, phương án điều tiết các loại xe khách trên 30 chỗ ngồi, xe tải vào trung tâm thành phố, cụ thể như sau: Cấm các loại xe khách trên 30 chỗ ngồi lưu thông trong thời gian từ 10 giờ 30 phút đến 12 giờ và từ 16 giờ 30 phút đến 19 giờ  trên các đoạn tuyến đường nằm trong khu vực các tuyến đường gồm: Nguyễn Tất Thành - Lý Thái Tông - Hoàng Thị Loan - Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Hữu Thọ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - 2 Tháng 9 - Bạch Đằng - 3 Tháng 2 - Nguyễn Tất Thành (các tuyến đường bao được phép lưu thông).

Theo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng, đến hết năm 2018, trên địa bàn thành phố có 3.961 xe khách, chiếm 4,98%; trong đó, xe khách trên 30 chỗ là 751 chiếc (0,94%); xe khách đến 30 chỗ là 3.210 chiếc (4,04%).

Trước quy định trên, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho hay, bình thường khách du lịch đến Đà Nẵng thường bắt đầu chuyến tham quan quanh thành phố trễ, tầm từ 9 giờ sáng mới bắt đầu đi tham quan nên lâu nay Bảo tàng Đà Nẵng thường đón khách từ 10 giờ trở đi đến chiều. Trước kia, với xe lớn, nhiều chỗ thường đỗ, đón khách tại đầu đường Thành Điện Hải sau đó đỗ xe tại cảng Sông Hàn (cũ) chờ khách tham quan xong thì quay lại đón.

Nếu giờ cấm xe tại khung giờ này sẽ rất khó cho du khách muốn đến thăm bảo tàng; vì lượng khách đến Bảo tàng Đà Nẵng vào những khung giờ này chiếm khoảng 25-30% trong tổng số khách đến tham quan. Nếu cấm đậu, đỗ ở những khung giờ này tại các tuyến đường đến bảo tàng thì lượng khách sẽ bị ảnh hưởng, sụt giảm. Vì vậy, các sở, ngành cần cân nhắc sao cho phù hợp để các điểm tham quan có thể đón được khách du lịch.

Trong khi đó, ông Lê Thái Bảo Long, Giám đốc Công ty Du lịch Trường Sa cho rằng, việc áp dụng giải pháp kỹ thuật điều tiết các loại xe khách trên 30 chỗ ngồi, xe tải vào trung tâm thành phố cần nhanh chóng đi liền với việc khai thác, sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng như xe điện từ các bãi xe vào chợ Hàn, đường Bạch Đằng. Công ty cũng chủ động bố trí du khách từ các đoàn tham quan và nghỉ dưỡng đến Đà Nẵng tản ra khu vực phía đông thành phố như quận Sơn Trà hay quận Ngũ Hành Sơn để ăn tối.

Các đoàn khách có nhu cầu vào trung tâm thành phố được chủ động tham gia lệch giờ cao điểm. Về lâu dài, việc đưa khách du lịch vào trung tâm thành phố, nên quy hoạch và sớm bố trí các bãi đỗ xe phục vụ hoạt động du lịch trên địa bàn và phương tiện giao thông công cộng phát triển mạnh với nhiều loại hình như tàu điện, xe buýt, ô-tô điện, xe đạp…

Bắt đầu xử phạt từ ngày 1-9-2019

Theo Công văn số 4883/UBND-SGTVT ngày 19-7-2019, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng đề nghị các đơn vị chức năng tích cực thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đến các đối tượng quản lý, điều khiển phương tiện giao thông là ô-tô khách trên 30 chỗ và xe tải từ nay đến trước ngày 31-8 trước khi thực hiện xử phạt nếu có sai phạm từ ngày 1-9-2019. Cụ thể, Sở GTVT thực hiện đúng là quy định về lắp đặt biển báo và hạ tầng kỹ thuật; tuyên truyền thông báo kế hoạch điều tiết phương tiện giao thông vào nội thành đến Hiệp hội vận tải, doanh nghiệp vận tải.

Công an thành phố chủ trì, chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với Thanh tra giao thông chủ động đứng chốt, tuần tra, hướng dẫn người tham gia điều khiển phương tiện giao thông theo kế hoạch điều tiết phương tiện để nắm bắt chủ trương của thành phố.

Sở Du lịch hướng dẫn, yêu cầu các Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Lữ hành, Hội Khách sạn, các đơn vị lữ hành, đơn vị vận tải khách du lịch, hướng dẫn viên du lịch thực hiện việc triển khai tham gia giao thông vào khu vực nội thành theo đúng thời gian theo quy định, tránh vi phạm các khung giờ điều tiết giao thông đối với ô-tô tải, ô-tô khách trên 30 chỗ ra vào trung tâm thành phố.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng: Cần tìm giải pháp phù hợp nhất

Thành phố cũng như các sở, ngành liên quan cần có sự bàn bạc, thống nhất giữa chính quyền và doanh nghiệp để tìm ra các giải pháp phù hợp nhất. Ví dụ như có quy định cấm về một số khoảng thời gian nhất định như thế, thì trong thời gian đó các xe muốn đưa khách đến các điểm du lịch này sẽ dừng, đỗ ở đâu để đón, trả khách mà không làm mất điểm tham quan của khách trong chương trình tour.

Các đơn vị lữ hành cũng phải có một số điều chỉnh nhất định. Với một số khách thì có thể điều chỉnh, còn với những khách đã lên chương trình, ký hợp đồng thì sẽ gặp khó vì phải thương lượng với khách… Cần phải tìm ra giải pháp phù hợp nhất để giảm tối đa mức ảnh hưởng tới du khách.

Ông Võ Văn Anh, Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng: Khách hàng sẽ bị ảnh hưởng

Việc thay đổi giờ đậu, đỗ với xe 30 chỗ trở lên sẽ ảnh hưởng đến các đơn vị lữ hành. Quan trọng nhất vẫn là ở ga Đà Nẵng vì ga tàu nằm ở đường Hải Phòng, giờ của ga tàu là cố định, không thay đổi được. Vì vậy, các công ty phải sử dụng xe dưới 30 chỗ, nếu đoàn đông thì sẽ bị phát sinh thêm chi phí. Chưa kể, các nhà hàng, khách sạn ở đường Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn… sẽ bị ảnh hưởng vì không thể đưa khách đi ăn sớm quá hoặc trễ quá… Nếu phát sinh quá nhiều thì khách hàng sẽ là người phải chịu.

Hiện nay, phạm vi cấm mở rộng thêm nhiều tuyến đường, với những nhà hàng trong phố không cho xe lớn vào được thì các đơn vị lữ hành buộc phải đưa khách ra những điểm xa hơn như ở bên biển hoặc Đảo Xanh. Nhưng dù đưa đi đâu thì các doanh nghiệp du lịch cũng là đơn vị bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhóm phóng viên (ghi)

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ
 

;
;
.
.
.
.
.