Hạnh phúc và tri ân

.

Cứ mỗi dịp Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), người thân, bạn bè và đồng nghiệp của ông Phan Thanh Liêm (sinh năm 1962, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) lại nhắc đến lễ cưới rất đặc biệt của vợ chồng ông. Diễn ra gần 34 năm về trước, có thể nói, đây là lễ cưới “có một không hai” trên mảnh đất Ngũ Hành Sơn anh hùng, bởi trong ngày lễ thành hôn, cùng với việc dâng hương ra mắt bàn thờ tổ tiên tại gia đình, thì bà con họ hàng hai bên cũng có mặt đầy đủ để làm lễ, ra mắt đôi vợ chồng trẻ trước vong linh các anh hùng liệt sĩ ngay tại nghĩa trang liệt sĩ địa phương, nay là Nghĩa trang liệt sĩ phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.

Ông Phan Thanh Liêm và con trai (Phan Trung Kiên) cùng cháu ngoại dâng hương liệt sĩ Phan Tuy (cha ông Liêm). Ảnh: L.Q.N
Ông Phan Thanh Liêm và con trai (Phan Trung Kiên) cùng cháu ngoại dâng hương liệt sĩ Phan Tuy (cha ông Liêm). Ảnh: L.Q.N

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng trên quê hương Hòa Hải, ông Phan Thanh Liêm sớm mồ côi cha. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng đã cướp đi sinh mạng của ông nội ông cùng người cô ruột. Sau này hài cốt của ông nội, cha và cô ruột ông Liêm được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ địa phương. Bà nội ông được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Giữa những ngày khốc liệt của cuộc chiến, ông Liêm đã tích cực tham gia hoạt động như đưa thư, canh gác những cuộc họp bàn giữa cán bộ, bộ đội và dân quân du kích. Ý chí cách mạng của ông ngay từ nhỏ được người thân, đồng đội, đồng chí của ông nội, cha hun đúc. Vì vậy, ngay sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, từ năm 1975-1979, ông Liêm tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Điều đặc biệt đối với chàng trai trẻ Phan Thanh Liêm khi vào học Trường Phổ thông cấp III Hoàng Hoa Thám, là trở thành đối tượng Đảng đầu tiên trong học sinh của trường. Sau khi ra trường trở về công tác địa phương từ năm 1982-1988, làm Phó Bí thư rồi Bí thư Đoàn xã Hòa Hải, tháng 1-1984, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam… khi mới tròn 22 tuổi.

Năm 23 tuổi, ông Liêm kết hôn với bà Phạm Thị Nga (sinh năm 1965), cùng quê ở Hòa Hải, có cha là liệt sĩ, mẹ thương binh 2/4, cháu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đây cũng là thời điểm chàng thanh niên Phan Thanh Liêm tạo dấu ấn cho cuộc đời mình với việc làm ấn tượng, đó là làm lễ thành hôn ngay tại nghĩa trang liệt sĩ địa phương. Ý tưởng này xuất phát từ sự gợi ý của ông Mai Thanh Đông, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hải thời bấy giờ.

Ông Liêm kể lại: “Khi tôi báo tổ chức thì Bí thư Đảng ủy xã Mai Thanh Đông gợi ý tôi nên làm lễ cưới ngay tại nghĩa trang liệt sĩ để tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của địa phương. Hơn nữa, là thủ lĩnh thanh niên nên phải làm gương cho thế hệ trẻ noi theo”. Sự gợi ý mang tính chủ trương của Bí thư Đảng ủy xã đã được Chủ tịch UBND xã đồng tình ủng hộ, khuyến khích thực hiện…

Khi hỏi vì sao đặt tên cho lễ thành hôn của mình là: “Hạnh phúc và Tri ân”, ông Liêm phấn khích như thời trai trẻ 34 năm về trước: “Không hạnh phúc sao được khi lễ cưới của hai vợ chồng trẻ được người dân địa phương đặc biệt quan tâm và gửi lời chúc phúc, bởi được tổ chức nột nơi rất đặc biệt - nghĩa trang liệt sĩ”. Đó là chưa nói đến việc người thân bạn bè thường hay nhắc đến lễ cưới “có một không hai” này. Song, đối với ông Phan Thanh Liêm, lễ cưới của ông không chỉ nhận sự quan tâm, chúc phúc của những người sống, mà còn nhiều hơn thế từ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn anh linh anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang chứng kiến lễ thành hôn của vợ chồng ông, trong đó có cả người thân hai bên gia đình đã hy sinh trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm.

Ông Liêm bộc bạch thêm: “Mình là gia đình có truyền thống cách mạng, được lãnh đạo địa phương gợi ý tổ chức làm lễ cưới tại nghĩa trang liệt sĩ để tuyên truyền phát huy truyền thống cách mạng quê hương, nhưng mình nghĩ đây cũng là dịp để thế hệ trẻ thể hiện sự tri ân, đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Nếu không có sự hy sinh của bao thế hệ cha anh, thì chắc chi bản thân mình và vợ mình còn sống để hợp duyên với nhau”.

Trên quê hương anh hùng Ngũ Hành Sơn

Sinh ra và lớn lên từ làng quê Đông Hải - Hòa Hải, chàng trai trẻ Phan Thanh Liêm cũng như nhiều người con khác luôn được các bậc cha anh trên mảnh đất kiên trung hay nhắc đến những thế hệ tiền bối đi trước làm rạng danh lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của quê hương Ngũ Hành Sơn như: Chí sĩ Huỳnh Bá Chánh, Nguyễn Văn Diêu với nghĩa khí kiên cường trong các phong trào Nghĩa hội Quảng Nam; Phong trào Đông Du và Duy tân như Lê Bá Trinh. Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ có Lê Văn Hiến, Mai Đăng Chơn; đặc biệt sự dũng cảm, mưu trí, khí phách anh hùng của một người con mang tên Hành Sơn đã đi vào thơ ca lịch sử: “Phan Hành Sơn! Miền Nam là trở gió. Đất chôn thù, hoa nở Phan Hành Sơn...”. (Thơ Xuân Diệu - 1969).

Với truyền thống kiên trung, bất khuất, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cùng bè lũ tay sai, mảnh đất Ngũ Hành Sơn có 2.609 liệt sĩ, 483 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 15 người con được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) , 4/4 phường và quận Ngũ Hành Sơn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; trong đó phường Hòa Hải, quê hương của ông Phan Thanh Liêm đã 2 lần được phong tặng: Anh hùng LLVTND năm1969 và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2005…

Ông Liêm tâm sự: “Tuy gia đình hai vợ chồng tui có đến 5 liệt sĩ, song vẫn còn có mẹ, anh chị em, còn may mắn hơn nhiều so với nhiều hoàn cảnh khác của người dân trên mảnh đất kiên trung quê hương ông, những người sẵn sàng hy sinh cho cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.

Cũng như nhiều gia đình có công cách mạng trên cả nước, ông Liêm luôn cảm thấy ấm lòng và hạnh phúc bởi từ ngày đất nước được giải phóng đến nay, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo đến người có công với cách mạng. Hàng trăm tượng đài, hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước đã được sửa sang, xây dựng ngày một khang trang hơn để anh linh các anh hùng liệt sĩ an giấc ngàn thu.

Công tác chăm lo người có công cách mạng cũng như các gia đình chính sách được các ban ngành, địa phương thực hiện ngày một chu đáo. Giai đoạn 2014-2019, có 810 ngôi nhà của gia đình người có công với cách mạng đã được quận Ngũ Hành Sơn hỗ trợ sửa chữa, xây mới, với kinh phí trên 33 tỷ đồng, giúp các gia đình chính sách có cuộc sống tốt hơn.

Với tinh thần “Tiếp lửa Tri ân truyền thống”, Đoàn Thanh niên 2 phường Hòa Hải và Hòa Quý cũng đã tổ chức đại hội ngay tại nghĩa trang liệt sĩ địa phương, thể hiện sự tri ân và quyết tâm của tuổi trẻ trong việc phát huy truyền thống cách mạng. Nghĩ lại cái tên mình đặt cho ngày cưới cách gần 34 năm “Hạnh phúc và Tri ân”, đến dịp 27-7 hằng năm, ông Phan Thanh Liêm ngẫm nghĩ lại, tuổi trẻ bây giờ đã và đang làm được nhiều hơn thế hệ trước bằng những việc làm thiết thực với tâm niệm: “Tri ân để Hạnh phúc”.

Lê Quang Nuôi
 

;
;
.
.
.
.
.