Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, thương binh 1/4 Lê Văn Lại, ở thôn Gò Hà, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang từ lâu vẫn được bà con, làng xóm gọi trìu mến là “ông Lại vác tù và”.
Ông Lê Văn Lại đọc lại bản báo cáo thành tích chuẩn bị tham dự Hội nghị thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc. |
Mặc dù đã gọi điện thoại hẹn trước, nhưng khi chúng tôi đến nhà thương binh 1/4 Lê Văn Lại, hơn một tiếng đồng sau ông mới về. Ở cái tuổi 73, với một mắt bị hỏng, bàn tay phải mất 3 ngón và trên cơ thể vẫn còn đến 12 mảnh đạn trong người, ông vẫn rất nhanh nhẹn và hoạt bát “Xin lỗi nhà báo, hẹn rồi mà bên Đoàn Thanh niên thôn đang làm cổng trại chuẩn bị cho Hội trại huyện dịp 27-7 cứ gọi riết, nên tôi phải chạy ra tí xem mấy đứa nhỏ làm thế nào, để chiều nay còn lên trụ sở ủy ban xã họp Hội Cựu chiến binh (CCB) nữa, gần đến ngày 27-7 rồi mà!”, ông cười vang chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, năm 17 tuổi, ông đăng ký tham gia du kích địa phương. Năm 19 tuổi, ông đi bộ đội đóng quân ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Trong một lần đi hành quân, đơn vị ông bị rơi vào ổ phục kích của địch. May mắn thoát chết, nhưng ông lại bị thương nặng nên phải quay về hoạt động bí mật tại địa phương. Sau giải phóng, về công tác tại Công ty Lương thực Quảng Nam - Đà Nẵng, đến năm 1982 ông về hưu.
Những tưởng ông sẽ an nhàn sau bao nhiêu năm cống hiến cho cách mạng, thế nhưng đây mới thực sự là quãng thời gian bận rộn với đủ thứ việc mà theo ông là “càng làm càng thấy vui”. Ông còn hóm hỉnh nói: “Tôi còn không nhớ hết mình có bao nhiều “chức vụ” nữa, từ Bí thư chi bộ thôn, rồi Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn, Chi hội trưởng Người cao tuổi... Người thân thấy tôi già, bệnh tật mà cứ bận rộn suốt ngày nên khuyên nên về để nghỉ ngơi... nhưng làm sao nghỉ được. Cái thôn Gò Hà này trong chiến tranh nghèo khổ đã đành, hòa bình bà con mình vẫn khổ, tôi thấy không cam lòng! Toàn thôn có 280 hộ, nhưng có trên 100 hộ trong diện hộ nghèo, đất thì nhiều mà bà con cứ phải chịu cảnh ngồi nhìn cái nghèo khó bao quanh. Ngoài lý do khách quan là đất này thiếu nước ngọt để sản xuất thì cái chính là bà con còn bị động. May là huyện đưa nước từ hồ Đồng Nghệ về, tôi bàn với cán bộ thôn tổ chức cho bà con cải tạo đất trồng cây lúa, cây ăn quả lâu năm, nơi nào không trồng được thì vận động bà con tham gia chăn nuôi trâu, bò, heo và gà, vịt. Với lớp trẻ hơn, chúng tôi vận động đi học nghề, nhờ vậy mà kinh tế dần dần khôi phục và phát triển. Cho đến thời điểm hiện nay, cả thôn chỉ còn có 6% hộ thuộc diện hộ nghèo và đây là những trường hợp bất khả kháng vì những hộ gia đình lớn tuổi, bệnh tật... nên không thể làm kinh tế được”, ông Lại chia sẻ.
Kinh tế bà con trong thôn dần ổn định, ông cùng cán bộ thôn quay sang lo chuyện học hành, chuyện vui chơi giải trí cho lớp trẻ và bà con. Từ sáng kiến của ông, khu văn hóa thôn từ lâu đã trở thành điểm sinh hoạt của cả thôn với các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền; nhà văn hóa thôn cũng thường sáng đèn những dịp lễ hội như Tết... Đặc biệt, nhà văn hóa thôn nhiều năm nay cũng là điểm hẹn để ông Lại chia sẻ khuyên nhủ những thanh niên chậm tiến trên địa bàn tiến bộ hay đứng ra hòa giải cho những cặp vợ chồng trẻ bị “trục trặc” chuyện gia đình...
Nhận xét về người thương binh già Lê Văn Lại, ông Trần Tiến Trinh, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang cho biết: “Ông Lại là tấm gương “thương binh tàn nhưng không phế”, bao nhiêu năm qua ông đều hoàn thành xuất sắc mọi công tác của thôn và còn vận động, tập hợp được nhiều bà con trong thôn xóm cùng tham gia. Đặc biệt, ông có sức thuyết phục rất lớn với người trẻ, hướng họ đến những hoạt động có ích cho xã hội”.
Còn với ông, trước những lời khen ấy, ông cũng chỉ giải thích đơn giản rằng vợ chồng ông đều là thương binh, đều có lương hưu với tổng thu nhập trên 13 triệu đồng/tháng, không lo về kinh tế nên ông có “quyền” dành hết thời gian cho việc chung của thôn, của xã và theo ông đó là niềm vui cuộc sống.
Trong tháng 7 đầy ý nghĩa này, ông Lại có thêm một niềm vui nữa khi ông vinh dự được chọn là 1 trong 6 đại biểu của thành phố tham dự Hội nghị thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc, tổ chức tại Hà Nội.
Bài và ảnh: THANH VÂN