Những bà mẹ trung kiên đất Hòa Hải

.

Thành phố Đà Nẵng hiện còn trên 100 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (BMVNAH) còn sống. Riêng vùng đất Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn hiện còn 11 mẹ đã ở tuổi xưa nay hiếm, thế nhưng, các mẹ luôn lạc quan yêu đời, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, Bà mẹ Việt Nam anh hùng  Nguyễn Thị Cước (ảnh trái) và Nguyễn Thị Lợi (ảnh phải)  vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.
Ở tuổi “xưa nay hiếm”, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cước (ảnh trái) và Nguyễn Thị Lợi (ảnh phải) vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.

3 năm trước, chúng tôi đến thăm  BMVNAH Đặng Thị Nhờ ở tổ 64, nhân dịp mẹ tròn 100 tuổi. Lần này trở lại, mẹ đã ở tuổi 103. Mẹ đang ngồi hóng mát ở quán cà- phê ngoài ngõ, nghe có người đến thăm thì lật đật về. Từ xa, đã nghe giọng quen thuộc của mẹ ấm áp vang lên “Các con về thăm mẹ à!”. Chị Mai Thị Nga, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Ngũ Hành Sơn cười giải thích với chúng tôi: “Mẹ lúc nào cũng vậy, cứ một hai mẹ-con như vậy đó”. Mẹ đến cầm tay từng người vui vẻ giải thích, mẹ ra ngoài uống ly nước, chứ biết tụi con về là mẹ ở nhà chờ rồi.

Chị Phạm Thị Bườn, người con dâu út đã gắn bó với mẹ trên 30 năm cho biết: “Năm nay mẹ bước qua tuổi 103 rồi, nhưng vẫn như mấy chục năm trước khi tôi mới về làm dâu. Mẹ lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan như thế. Mẹ thích kể về lịch sử địa phương, về những trận đánh chống Mỹ trên vùng đất này. Không hiểu mẹ lấy đâu ra sức khỏe, sự chịu đựng để vượt qua 3 cái tang của chồng và con chỉ  trong vòng 5 năm. Mẹ thật kiên cường”, chị Bườn tự hào nói về mẹ.

Chia tay mẹ Đặng Thị Nhờ, chúng tôi đến nhà BMVNAH Huỳnh Thị Cước ở cách đó chỉ hơn một cây số và cũng vừa bước qua tuổi 103. Mẹ Cước thì nặng tai, hay đau xương khớp, đi lại khá khó khăn. Nhưng theo bà Huỳnh Thị Kết, con gái út của mẹ, thì mẹ vẫn muốn tự làm những việc vặt trong nhà chứ không cho con cháu làm thay. Đây có lẽ là đức tính đã được mẹ tôi rèn trong suốt những năm tháng của cuộc đời, đặc biệt là thời điểm lần lượt 2 người con trai và chồng hy sinh, mẹ vẫn vượt qua tất cả để nuôi dạy những người con còn lại và trở thành cơ sở bí mật đáng tin cậy của cách mạng.

Thật khó khăn khi nói chuyện với mẹ khi tuổi già và bệnh nặng tai, nhưng lúc nào mẹ cũng cười đôn hậu, nói: “Mẹ già rồi không có nhu cầu chi mô, rứa mà tháng mô cũng nhận được mấy triệu đồng tiền chế độ, chính sách... Bây giờ mẹ chỉ mong con cháu sống tốt, nhìn thấy quê hương ngày càng giàu là vui…”.
Đến nhà mẹ Nguyễn Thị Lợi, một người mà theo chị Nguyễn Thị Phụng, cán bộ phụ trách công tác lao động-xã hội phường Hòa Hải cho biết sẽ làm các nhà báo... bất ngờ.

Bởi, ở cái tuổi 98, BMVNAH Nguyễn Thị Lợi vẫn mạnh khỏe và tinh anh lạ thường. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, mẹ nhớ hết từng gốc cây dương, từng bờ ao, thửa ruộng... Đứa con đầu của mẹ là cán bộ công an tỉnh hy sinh một thời gian ngắn, thì người em đã nằng nặc đòi đi trả thù cho anh. Mẹ sợ sẽ mất thêm đứa con thứ hai, nhưng cứ đêm xuống ngủ mà tụi lính Mỹ, ngụy cứ lùng sục bắt bớ, bắn giết, mẹ thù lắm. Thế là mẹ lại dằn bụng cho đứa thứ hai đi. Ngồi trầm ngâm lúc lâu, mẹ mới nói tiếp, giọng chùng xuống: “Con hy sinh nhưng cả gia đình tự hào vì hy sinh cho sự nghiệp giải phóng quê hương. Thà chết vinh hơn sống nhục, mẹ chấp nhận!”.

Theo UBND phường Hòa Hải, hiện phường có 11 BMVNAH còn sống. Mẹ Huỳnh Thị Xự sinh năm 1938, còn lại hầu hết các mẹ đều trên dưới 100 tuổi. Các mẹ đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng từ nhiều năm qua, thậm chí có mẹ còn có đến 2 đơn vị cùng nhận phụng dưỡng. Những niềm an ủi đó, có lẽ chính là một trong những nguồn năng lượng cho các mẹ vượt quáasức nặng thời gian, tiếp tục vượt lên mọi hoàn cảnh, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ con cháu noi theo.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.