Những ngôi nhà tri ân- Bài cuối: Từ những ngôi nhà nghĩa tình

.

Cách đây 2 năm, trong những ngày cả nước sôi nổi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7, nhiều người nói vui rằng Đà Nẵng đang là “đại công trường” sửa chữa, xây mới nhà cho người có công với cách mặng (NCCVCM). Bởi, khắp quận, huyện, phường, xã, ở đâu cũng tất bật để bảo đảm 1.430 nhà được sửa chữa, xây mới kịp hoàn thành đón lễ tròn 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017).

Lễ bàn giao một công trình sửa chữa nhà cho gia đình có công cách mạng trên địa bàn thành phố. 			           		                       Ảnh: Quỹ đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng
Lễ bàn giao một công trình sửa chữa nhà cho gia đình có công cách mạng trên địa bàn thành phố. Ảnh: Quỹ đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng

Tiếp chúng tôi vào thời điểm đó, trong ngôi nhà sắp hoàn thiện ở K63/42 đường Nguyễn Văn Linh, phường Nam Dương, bà Nguyễn Thị Cam, con gái của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chơn xúc động cho biết: “Nhà có 5 người, nhưng ngôi nhà cũ trước đây đã xuống cấp nên mọi sinh hoạt rất khó khăn và bất tiện. Vui là đầu năm 2017, gia đình tôi được thành phố hỗ trợ 60 triệu đồng, cùng với số tiền tích góp lâu nay gia đình chúng tôi quyết định xây lại ngôi nhà, yên tâm mỗi khi mưa bão.”

Đầu tháng 6-2019, có dịp quay trở lại thăm gia đình này, các thành viên trong gia đình đều bày tỏ sự biết ơn thành phố đã hỗ trợ để họ không chỉ có ngôi nhà mới mà còn tìm được việc làm phù hợp, nhờ vậy, chất lượng cuộc sống cũng cải thiện nhiều.

Ngôi nhà cấp 4 mái tôn thấp lè tè trước đây của bà Hoàng Thị Ngọc Lan, thương binh ¼ trong con hẻm nhỏ ở tổ 16, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, nắng nóng như thiêu, mưa dột tứ bề đã được thay thế bằng ngôi nhà khang trang, vững chắc hơn khi được thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng sửa chữa. Chung tâm trạng phấn khởi, bà Trần Thị Diễm ở tổ 75, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn cũng đã được thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng để sửa lại ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp trở thành ngôi nhà vững chắc và ấm cúng.

Đặc biệt, khi về nhà mới bà còn được UBND phường hỗ trợ 6 triệu đồng để buôn bán trái cây trước Bệnh viện Phụ sản-Nhi. Theo chị Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ phụ trách công tác Thương binh-Xã hội phường Khuê Mỹ, đây là trường hợp có chồng là cựu tù binh ở Côn Đảo, vợ là du kích ở vùng lõm căn cứ K20 hiện nằm trong diện hộ nghèo. Vì vậy, thời gian qua, ngoài việc hỗ trợ tiền sửa chữa nhà, địa phương luôn tranh thủ mọi nguồn lực từ các nhà hảo tâm, cũng như ưu tiên các chế độ chính sách NCCVCM để giúp gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Với gia đình chị Mai Thị Vân ở tổ 74, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, có lẽ đón cái Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là vui nhất, bởi gia đình được sống trong ngôi nhà mới. Chị chia sẻ: “Lâu nay, cả nhà tôi 4 người tá túc trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp nặng nề, rất cực. Việc sửa nhà cũng không dám nghĩ đến nói chi đến việc xây nhà mới! May là cuối năm 2018, gia đình tôi được hỗ trợ 60 triệu đồng, cùng số tiền dành dụm và mượn thêm của bà con, gia đình tôi đã có ngôi nhà như mơ đón năm mới!”.

Bà Phạm Thị Lại, tù yêu nước, gia đình có công với cách mạng, trú số nhà 210, đường Lê Văn Hiến, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn cũng bộc bạch: “Nhiều năm qua căn nhà cấp 4 của tôi đã xuống khá nặng, nhưng bản thân tôi đã già không đủ sức để sửa chữa, nâng cấp ngôi nhà. Thật mừng là đầu năm nay, cán bộ lao động thương binh, xã hội của phường Khuê Mỹ đến tận nơi hướng dẫn tôi làm thủ tục nhận hỗ trợ 60 triệu đồng từ thành phố, cùng với số tiền dành dụm và con cái góp vào bây giờ tôi đã có ngôi nhà khang trang 2 tầng. Nhân đây, tôi xin cảm ơn Nhà nước, chính quyền và những người dân trong tổ 16 này”, bà Lại xúc động nói.

Hàng chục ngàn ngôi nhà tình nghĩa như thế đã được sửa chữa, xây mới bằng sự nỗ lực của chính quyền, sự chung tay của các cấp các ngành, sự đồng lòng của người dân và cả sự cố gắng của gia đình NCCVCM. Điều đáng mừng hơn là trong những ngôi nhà tình nghĩa đó, các thế hệ con, cháu của NCCVCM đã biết nỗ lực vươn lên trở thành công dân tốt cho xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố. Em Lê Thị Thanh Bình, con thương binh 4/4 Lê Văn Tuấn, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, tâm sự: “Nhờ sự chia sẻ của chính quyền, người dân mà gia đình em thoát khỏi khó khăn. Để không phụ những tấm lòng, bản thân em luôn tự nhủ không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện thành công dân tốt của thành phố”.

Theo ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, Đà Nẵng luôn là một trong những địa phương được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá cao về công tác Thương binh-Liệt sĩ nói chung và công tác hỗ trợ sửa chữa, xây nhà cho NCCVCM nói riêng. Hầu hết những ý kiến đề xuất từ ngành LĐ-TB&XH luôn nhận được sự ủng hộ từ UBND thành phố, HĐND và Thường trực Thành ủy.

Đặc biệt, đã trở thành thông lệ, cứ cuối năm lãnh đạo thành phố đã có cuộc họp  để thống nhất kế hoạch cụ thể trên cơ sở đề xuất số lượng nhà sửa chữa, xây mới do ngành Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố và các quận, huyện đề xuất cho kế hoạch cho năm mới. Nhờ sự chủ động này mà ngay từ đầu năm kế hoạch sửa chữa, xây mới nhà cho gia đình NCCVCM đã được triển khai và hầu hết hoàn thành trước dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 hằng năm.

Trong quá trình triển khai, lãnh đạo thành phố đều có những đợt đi kiểm tra tiến độ thực tế ở các hộ gia đình, để động viên và kịp thời tháo gỡ những phát sinh nếu có. Nhờ vậy, những năm qua, kế hoạch sửa chữa, xây mới nhà cho gia đình NCCVCM của thành phố luôn đạt và vượt về số lượng cũng như hoàn thành sớm công trình từ 5-7 tháng. Điều đáng quý là tất cả những sự hỗ trợ, sẻ chia, tri ân ấy đã trở thành một trong những nguồn động lực để các gia đình NCCVCM nỗ lực vươn lên, con cháu của họ ý thức về truyền thống gia đình không ngừng phấn đấu trở thành công dân tốt, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.