Về nơi các anh yên nghỉ...

.

Cứ vào những ngày cuối tháng 7, các nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) thành phố Đà Nẵng lại khoác lên mình bộ áo mới để đón những đoàn người về thắp hương tưởng niệm. Tiếng chuông vang ngân xa từ một loạt các nhà tháp chuông vừa được xây dựng ở nghĩa trang liệt sĩ như tiếng vọng tưởng nhớ, cầu nguyện cho vong linh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước...

Nhà tháp chuông tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Châu vừa được hoàn thiện.
Nhà tháp chuông tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Châu vừa được hoàn thiện.

Những ngày trước 27-7, tại NTLS xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang), các hoạt động tu sửa, chỉnh trang nghĩa trang đang gấp rút hoàn tất những công đoạn cuối cùng. Nơi đây hiện có 335 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến đang yên nghỉ. Sau 6 tháng thi công khẩn trương, hầu hết các ngôi mộ đều được ốp đá granit chắc chắn đẹp đẽ.Từng tốp thợ đang tập trung hoàn thiện nhà tháp chuông để kịp cho lễ khánh thành vào Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7).

Ông Lê Đình Ca, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho biết kinh phí để hoàn thành nhà tháp chuông này là 750 triệu đồng và hoàn toàn do các mạnh thường quân và cán bộ, nhân dân ủng hộ trên tinh thần tự nguyện chứ không phân bổ chỉ tiêu.

“Nhiều người dân bày tỏ nguyện vọng muốn có tháp chuông để mọi người khi đến viếng đều có thể thỉnh lên những tiếng chuông gửi gắm tấm lòng tri ân và cầu nguyện đất nước được yên vui. Bởi vậy, sau khi lấy ý kiến nhân dân, chúng tôi đã lập ra một ban vận động để có kinh phí xây dựng nhà tháp chuông này”, ông Ca nói.

Không chỉ ở xã Hòa Phước, hiện nay ở các xã Hòa Châu, Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) cũng đã xây dựng và hoàn thành nhà tháp chuông tưởng niệm anh linh các liệt sĩ với kinh phí hàng tỷ đồng từ sự đóng góp tự nguyện của người dân địa phương. NTLS xã Hòa Châu hiện là nơi yên nghỉ của 654 liệt sĩ. Nơi đây cũng đang hoàn thiện nhiều hạng mục, trong đó có nhà tháp chuông để kịp đón người dân đến thắp hương dịp 27-7.

Ông Nguyễn Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho biết, địa phương đã hoàn thành xong nhà tháp chuông tại NTLS xã với tổng kinh phí hơn 650 triệu đồng cũng từ sự đóng góp của nhân dân. “Sau khi địa phương có thư kêu gọi, người dân trên địa bàn đã tự nguyện đóng góp kinh phí để xây dựng nhà tháp chuông. Tiếng chuông ngân vọng thực sự mang nhiều ý nghĩa tâm linh đối với người dân địa phương, nhắc nhớ công ơn những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, để rồi mỗi người sẽ tự dặn lòng phải sống sao cho xứng đáng”, ông Bình nói.

Thành phố Đà Nẵng hiện có 20 nghĩa trang, an táng gần 9.400 mộ liệt sĩ. Nhiều năm qua việc nâng cấp, tôn tạo và chăm sóc NTLS luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, vào cuối năm 2015, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án Nâng cấp nghĩa trang, mộ liệt sĩ giai đoạn 2016 - 2018 với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng và đến nay đã nâng cấp hàng ngàn mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang trên địa bàn ở một số hạng mục như: Tượng đài, nhà bia ghi tên liệt sĩ, tường rào, cổng ngõ, vườn hoa cây cảnh...

Ngoài ra, bằng nguồn kinh phí Trung ương kết hợp với địa phương, thành phố còn đầu tư xây mới, di dời NTLS xã Hòa Khương với kinh phí trên 20 tỷ đồng; nâng cấp NTLS xã Hòa Bắc với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Trong quá trình nâng cấp, Đà Nẵng đã phối hợp với Cục Người có công hoàn thành việc lấy mẫu sinh phẩm 998 hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tại 6 NTLS để phục vụ giám định ADN.

Ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố cho biết, đến nay, 100% mộ, NTLS trên địa bàn thành phố đã được đầu tư nâng cấp khang trang. Nhiều địa phương tiếp tục đầu tư mở rộng NTLS, xây dựng nhà bia ghi danh Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vận động đóng góp xây dựng tháp chuông... làm cho nghĩa trang  không chỉ là công trình tâm linh, ghi công các anh hùng liệt sĩ mà còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ.

Tháng bảy-tháng tri ân, vẫn là những nghi lễ quen thuộc tại các NTLS, 72 năm qua, trong mỗi trái tim người Việt vẫn nguyên vẹn những cảm xúc thiêng liêng khi nhớ về những chiến công cùng sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Các anh đã ra đi mãi mãi nhưng bất tử trong lòng người ở lại. Tiếng chuông ở các nghĩa trang vẫn ngân lên tha thiết để dòng người cứ thế tìm về, tri ân...

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
;
.
.
.
.
.