Bán đảo Sơn Trà là điểm đến du lịch hấp dẫn của Đà Nẵng. Do đặc thù là không gian mở, cảnh quan thiên nhiên đẹp nên người dân địa phương và du khách thường sử dụng phương tiện là xe gắn máy cá nhân để di chuyển khi đi tham quan.
Tuy nhiên, những cung đường ở đây rất khó đi, khá dốc và quanh co. Thời gian gần đây, đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đáng tiếc đối với người đi tham quan bằng xe máy, nhất là xe tay ga. Theo thống kê sơ bộ của Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 12 vụ TNGT trên các tuyến đường quanh bán đảo Sơn Trà, trong đó có 4 người chết, 3 người bị thương.
Theo ông Phan Minh Hải, Phó Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, thực tế, các tai nạn đáng tiếc xảy ra gần đây, đa phần do khả năng của người điều khiển xe cộng với việc lựa chọn phương tiện chưa phù hợp. Vì thế, Ban Quản lý cũng đã cắm các biển báo hạn chế lưu thông bằng xe máy, đặc biệt là xe tay ga lên Sơn Trà tại các điểm đông khách như: đỉnh Bàn Cờ, khu vực cây đa ngàn năm tuổi, đồi Vọng cảnh; đồng thời cũng đã đưa ra một số khuyến cáo dành cho du khách là không sử dụng phương tiện xe tay ga để di chuyển trên bán đảo Sơn Trà; lưu ý tránh đi lại trên bán đảo khi thời tiết xấu, mưa to gió lớn vì dễ gặp sạt lở, sương mù, đường trơn…
Là người gắn bó và thường xuyên đi lại trên bán đảo Sơn Trà, anh Bùi Văn Tuấn (chuyên viên của tổ chức Green Việt) cũng chia sẻ hình ảnh đồ họa về địa điểm 8 con dốc nguy hiểm, tiềm ẩn tai nạn giao thông. Trong đó, có nhiều con dốc có khúc cua gấp, dốc dài và độ dốc cao kéo dài liên tục; có những con dốc tuy ngắn, nhưng độ dốc cao và có đoạn cua ngặt…
Đến nay, ngoài khuyến cáo dành cho du khách, Ban Quản lý cũng đã cho cắm các bảng thông báo trong phạm vi cho phép; đồng thời đã có văn bản gửi Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Sở Giao thông vận tải về việc bố trí các bảng cảnh báo dọc các tuyến đường tại bán đảo Sơn Trà; trong đó có tuyến đường từ cảng Tiên Sa đi đỉnh Bàn Cờ và tuyến đỉnh Bàn Cờ đi Bãi Bắc để bảo đảm an toàn cho du khách khi tham quan.
* Chiều 31-7, nhóm 6 học sinh lớp 11 trường THPT Phan Thành Tài tắm ở khu vực bãi biển Tân Trà, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn đã bị sóng cuốn ra xa; 4 em may mắn được cứu thoát, 2 em bị đuối nước. Sự việc khiến gia đình, nhà trường hết sức đau đớn.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, bãi biển Tân Trà đưa vào khai thác nhiều năm nay. Ở đây có lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ. Thời điểm xảy ra đuối nước, các em tắm lệch ra khu vực trung tâm bãi tắm chừng 200m, đối diện một dự án đang thi công. Dù lực lượng cứu hộ và các ngư dân đã rất nỗ lực nhưng vẫn không thể cứu được em C. và Đ. Theo ông Vũ, từ trước đến nay, đuối nước xảy ra ở các khu vực có cảnh báo rất hiếm, trừ những vụ đột quỵ, đột tử.
Ông Nguyễn Đức Vũ cho rằng, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch thành phố Đà Nẵng hàng ngày đều phát loa cảnh báo ở các bãi tắm nhưng hầu như người dân địa phương ít quan tâm. Đối với lứa tuổi học sinh thường chưa nhận thức hết sự nguy hiểm khi tắm biển nên các cháu ít chú ý, thấy đoạn nào trống thì nhảy xuống tắm.
Để hạn chế những vụ việc đau lòng xảy ra, ông Nguyễn Đức Vũ cho rằng, trước khi xuống tắm biển, người tắm cần phải vận động để căn, giãn cơ, khớp, tránh chuột rút; đồng thời phải chú ý quan sát khu vực biển có cấm tắm hay không, có lực lượng cứu hộ trực không; phải tuân thủ những nội quy, quy định, hướng dẫn của lực lượng cứu hộ. Đặc biệt, không được tắm ở khu vực bị cấm, ở nơi vắng, vào thời gian không có lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ.
Đối với trẻ nhỏ khi tắm phải có bố mẹ trông coi; học sinh không được tắm theo nhóm khi không có người lớn tắm cùng. “Khi gặp những dòng chảy xa bờ, người tắm biển phải bình tĩnh để dòng chảy đẩy tự nhiên trôi ra, sau đó bơi ngang hai bên sẽ gặp những cồn cát cao để lội vào, không được bơi ngược lại”, ông Nguyễn Đức Vũ khuyến cáo.
NHẬT HẠ - NGỌC PHÚ