Cắt bỏ thực chất các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành

.

Ngày 21-8, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với các bộ, ngành về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết; việc cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh và thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì buổi làm việc.

Chủ yếu vẫn là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay các bộ, ngành còn nợ đọng 14 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Trong số những văn bản nợ đọng, có 6 văn bản nợ quá lâu, quá chậm, có những văn bản quá hạn 1 - 4 tháng, thậm chí có văn bản quá hạn 8 tháng. Việc nợ đọng văn bản khiến các luật có hiệu lực nhưng không có hướng dẫn cụ thể, trong quá trình thực thi rất khó khăn cho người thực hiện, đây là rào cản cần tập trung xử lý.

Từ ngày 1/1/2020 sẽ có 16 nghị định quy định chi tiết thực hiện luật, pháp lệnh có hiệu lực. Như vậy, chậm nhất đến ngày 15/11/2019 phải ban hành các văn bản hướng dẫn. Tiếp đó, sẽ có 12 nghị định quy định chi tiết để thực hiện từ ngày 1/7/2020, số lượng văn bản cần ban hành là rất lớn.

Về việc cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh và tình hình thực thi các điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá, vừa qua các bộ, cơ quan thực hiện rất quyết liệt, tham mưu Thủ tướng để trình, đưa ra phương án, đề xuất sửa các luật, trình Chính phủ ban hành các nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh. Qua đó, các bộ, cơ quan đã cắt giảm 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt bỏ hơn 6.776/9.926 thủ tục hành chính liên quan đến dòng hàng, mặt hàng kiểm tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét thực chất các vấn đề. Có ý kiến cho rằng, 6 tháng đầu năm, cải cách trong công tác quản lý kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm, chủ yếu vẫn là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trước khi thông quan chứ không phải giảm số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành như yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn hình thức, một số vấn đề đã được giao nhưng tiến độ triển khai chậm, nhất là việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật.

“Tồn tại hiện nay là văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kiểm tra chuyên ngành còn nhiều. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 355 văn bản quy phạm về quản lý kiểm tra chuyên ngành là rất rộng, rất khó cho doanh nghiệp trong việc tra cứu, xem xét, cập nhật tài liệu”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng cũng cho biết, vẫn còn không ít trường hợp chồng chéo khi hàng hóa phải cùng lúc thực hiện nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý kiểm tra chuyên ngành do nhiều đơn vị cùng một bộ hoặc nhiều bộ quy định. Chẳng hạn, sản phẩm rada thu phát sóng phải chịu sự quản lý của cả Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải. Hay hệ thống sản phẩm làm lạnh chịu sự kiểm tra của 3 Bộ là Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội. Tương tự, các mặt hàng như dược liệu, sữa và các sản phẩm từ sữa cũng còn những chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Nhiều mặt hàng chưa được gắn mã số hàng hóa (mã HS), chưa đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn để kiểm tra, gây khó khăn cho công tác thực hiện.

“Các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung được thành lập hoạt động không hiệu quả. Một số bộ, ngành chậm ban hành thông tư hướng dẫn là không đúng chỉ đạo của Chính phủ, gây khó khăn cho doanh nghiệp và các cơ quan liên quan trong quá trình thực thi công vụ. Chúng ta phải công khai, minh bạch, cái tốt nêu rất nhiều, nhưng cái không tốt cũng phải xem xét”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ông nêu phản ánh của hiệp hội ngành nghề cho thấy, Thông tư 37 của Bộ Công Thương bắt buộc xét nghiệm hợp chất hữu cơ gây độc cho con người đối với sản phẩm dệt may khiến nhiều doanh nghiệp may mặc phân tâm. Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, có ý kiến doanh nghiệp cho rằng nhiều nơi cắt giảm về số lượng thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhưng thời gian xử lý thủ tục sau cắt giảm không thay đổi, thậm chí có trường hợp còn kéo dài 1-3 tháng mới nhận được văn bản trả lời.

Dẫn câu nói của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc là “vẫn còn hiện tượng điều kiện kinh doanh hóa thân vào các quy định trong vấn đề quy chuẩn kỹ thuật và nạn cấp phép, xin - cho vẫn còn nguyên, thậm chí còn nặng nề hơn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, chuyển đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Tạo sự bứt phá

Nêu quan điểm cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp để phát triển kinh doanh, nhưng vẫn phải tăng cường công tác quản lý của Nhà nước, nhất là vấn đề liên quan đến xã hội, sức khỏe con người, quốc phòng an ninh phải kiểm soát chặt chẽ, Bộ trưởng cho rằng, giờ đây phải tạo bước đột phá vào những vấn đề khó, đi vào thực chất, tạo sự bứt phá. Các thủ tục gắn với quyền lợi các ngành phải cương quyết cắt bỏ. Tinh thần là tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, thực thi đầy đủ, triệt để các cải cách về điều kiện kinh doanh; giao các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không rõ ràng, không khả thi trước quý III/2019.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, những kết quả cải cách thời gian qua đã thực sự có tác dụng, được doanh nghiệp đánh giá cao, điển hình là đầu tư tư nhân trong nước tăng rất nhiều so với đầu tư của Nhà nước và nước ngoài, là động lực lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, theo quan sát của ông, đỉnh điểm cải cách là vào đầu năm 2018, từ cuối năm 2018 đến nay chưa có sự bứt phá, do vậy cần tiếp tục “làm nóng hơn không khí của cải cách, củng cố niềm tin của thị trường”.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung cho biết, qua khảo sát một số địa phương, hiện “có một khúc đang tắc là đầu tư tạo tài sản, tạo năng lực sản xuất, liên quan đến hàng loạt Luật Đầu tư, Quy hoạch. Đầu tư tạo tài sản rất quan trọng, phát triển dài hạn nằm ở đây. Trên thực tế, các luật của ta chồng chéo, mâu thuẫn...”.

“Có tập thể quyết định thì mọi việc chạy, nhưng bây giờ không ai dám quyết định cả. Những dự án đầu tư lớn, những dự án tạo tài sản thì chưa ai dám quyết định... nên tăng trưởng thế nào tôi rất phân vân. Thủ tướng chỉ đạo phải nhanh chóng gỡ khúc này để tạo ra đầu tư, năng lượng sản xuất ở khu vực kinh tế tư nhân. Vấn đề này đang là khoảng trống cần tập trung xử lý nhiều hơn, đây cũng là chỗ mà lợi ích của ngành là hết sức đậm nét. Về địa phương, ông chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh nói cứ lên bộ là rất sợ, vì không biết bao giờ mới xong, gặp ai cho đúng… Họ nói trên nóng, dưới nóng, nhưng giữa chưa nóng”, ông Cung nêu thực tế.

Ông đề nghị, cắt giảm danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện quyết liệt hơn, củng cố niềm tin thị trường, không thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo lô hàng, mà thực hiện kiểm tra theo kiểu loại.

Bà Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) chỉ ra rằng, còn có sự thiếu thống nhất trong thực hiện các thủ tục hành chính. Chẳng hạn thủ tục cấp giấy chứng nhận thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc đang bộc lộ nhiều quy định chưa rõ, chưa thống nhất nên mỗi tỉnh vận dụng một cách khác nhau và bản thân các tỉnh cũng không biết thế nào là đúng. Hay, thủ tục về có đủ nước sạch để cung cấp trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, mỗi tỉnh quy định một kiểu. Có tỉnh yêu cầu doanh nghiệp phải đưa ra hợp đồng sử dụng nước, có tỉnh yêu cầu phải có hóa đơn sử dụng hàng tháng, trong khi doanh nghiệp chưa đi vào hoạt động thì chưa thể có được hóa đơn đó.

Về bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, theo bà Thủy, cộng đồng doanh nghiệp rất mong các bộ xem xét những cách thức quản lý rủi ro và những phương án quản lý mới để có thể tháo gỡ được thực chất, bởi nếu rà theo điều kiện nhỏ và từng văn bản với một lượng quá nhiều như hiện nay thì không biết đến bao giờ mới có thể cải cách được trên thực tế.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành mang tính thực chất, không đưa định tính chung chung để tạo kẽ hở cho tiêu cực, tham nhũng vặt, phải đưa các điều kiện lượng hóa.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.