ĐƯA NGHỊ QUYẾT SỐ 43-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VÀO CUỘC SỐNG

Xây dựng đời sống văn hóa phong phú, giàu bản sắc, có hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế

.

Sau 15 năm triển khai Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, với những cách làm hay và sáng tạo, Đà Nẵng đã không ngừng bứt phá, đạt được những thành tựu to lớn trên một số lĩnh vực, nhất là phát triển hạ tầng đô thị.

Tuy nhiên, việc đầu tư cho văn hóa và các thiết chế văn hóa nói riêng ở Đà Nẵng mặc dù đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, chưa thực sự bền vững.

Cần chú trọng giữ gìn bản sắc trong xây dựng đời sống văn hóa. Trong ảnh: Hoạt cảnh truyền thống tại lễ kỷ niệm 190 năm Ngày mất Danh thần Thoại Ngọc Hầu do UBND quận Sơn Trà tổ chức. Ảnh: Thanh Tình
Cần chú trọng giữ gìn bản sắc trong xây dựng đời sống văn hóa. Trong ảnh: Hoạt cảnh truyền thống tại lễ kỷ niệm 190 năm Ngày mất Danh thần Thoại Ngọc Hầu do UBND quận Sơn Trà tổ chức. Ảnh: Thanh Tình

Nhìn lại những thành tựu đạt được trong 15 năm qua, có thể nói, Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị là một quyết sách quan trọng và là động lực để Đà Nẵng phát huy lợi thế, phát triển vươn lên trở thành đô thị trung tâm của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Trong một thời gian không dài, từ hệ thống cơ sở hạ tầng đến các dự án phát triển kinh tế-xã hội; nhiều công trình thương mại, dịch vụ, khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại, cao cấp, khách sạn sang trọng... được hình thành. Diện mạo đô thị Đà Nẵng đã thay đổi ấn tượng, trở thành một trong những thành phố hiện đại, năng động bậc nhất của cả nước.

Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định phương hướng phát triển của thành phố Đà Nẵng về lĩnh lực văn hóa đến năm 2020, đó là: “Quan tâm phát triển văn hóa-xã hội tương xứng với sự phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, y tế, tiếp tục giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân, giải quyết các vấn đề bức xúc về xã hội và môi trường sinh thái, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của thành phố”. Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp phát triển thành phố, Đà Nẵng đã xác định tư tưởng chủ đạo trong chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa thành phố là: “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống, kết hợp với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại; gắn liền với quá trình đô thị hóa và chỉnh trang đô thị”.

Trên cơ sở đó, 15 năm qua, lãnh đạo thành phố đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn thành phố và đã đạt được một số thành tựu cơ bản. Đời sống văn hóa, văn minh đô thị ngày càng được cải thiện và nâng lên về nhiều mặt; xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố thân thiện, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; chương trình “Thành phố 5 không, 3 có”, trong đó có Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” được triển khai rộng khắp và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bằng cố gắng và nỗ lực lớn, Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả trong việc xây dựng và phát triển văn hóa. Thành phố đã quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, như: xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng và Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh; đầu tư, cải tạo, nâng cấp và mở rộng Bảo tàng Điêu khắc Chăm; tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng và nhiều hoạt động văn hóa-nghệ thuật đường phố đặc sắc; hình thành các Câu lạc bộ Dân ca, Bài chòi; xây dựng công trình văn hóa-thể thao tổng hợp, hệ thống thư viện; xây dựng trung tâm văn hóa-thể thao ở các quận, huyện, các khu vui chơi, giải trí, thiết chế văn hóa cấp xã, phường; hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình tiếp tục được nâng cao.

Mặc dù được lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư và đạt những kết quả bước đầu như vậy, nhưng phải thừa nhận rằng, trong một thời gian dài, lĩnh vực văn hóa của thành phố vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Việc đầu tư phát triển văn hóa chưa thật sự tương xứng với phát triển kinh tế; một số công trình văn hóa chưa được quan tâm bảo vệ, tôn tạo và đầu tư đúng mức; chưa quan tâm đúng mức đến việc giữ gìn các giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch cũng như trùng tu, tôn tạo và bảo vệ các công trình văn hóa, kiến trúc hình thành từ hàng trăm năm trước… qua thời gian bị xuống cấp, có công trình bị xâm hại nghiêm trọng. Khi triển khai công tác quy hoạch thành phố, chúng ta chưa tính hết giá trị cốt lõi của văn hóa và truyền thống lịch sử. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn khiêm tốn, đội ngũ nhân lực cho lĩnh vực này vẫn còn thiếu. Các quy định về chế độ đãi ngộ đối với lao động nghệ thuật đặc thù như nghệ thuật truyền thống, hàn lâm, biểu diễn... chưa tương xứng, khó thu hút nhân tài.

Trên cơ sở kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 12-11-2013, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 75-KL/TW, về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, đã đề ra giải pháp phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội thành phố đến năm 2020, đó là: “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đẹp, văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng. Quan tâm làm tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội, tập trung giải quyết tốt những vấn đề xã hội bức xúc, quản lý trật tự đô thị nền nếp; xây dựng môi trường văn hóa, đời sống và phát triển con người phù hợp với văn minh đô thị”.

Ngày 13-8-2014, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chương trình hành động số 36-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, chú trọng vào 6 nhiệm vụ trọng tâm sau: Xây dựng con người Đà Nẵng phát triển toàn diện theo những đức tính tiêu biểu của con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh đô thị; xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Thành ủy và UBND thành phố ban hành, thực hiện hiệu quả nhiều văn bản quan trọng như: Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”, Đề án “Thành phố môi trường”, Đề án “Thành phố 4 an”... Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển kinh tế, liên tiếp trong 2 năm (2014 và 2015), Thành ủy Đà Nẵng chọn chủ đề là “Năm văn hóa, văn minh đô thị” với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, tạo sự chuyển biến mới, thực chất trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và từng người dân Đà Nẵng nhằm từng bước xây dựng thành phố Đà Nẵng xanh - sạch - đẹp, thân thiện, mến khách và văn minh.

Các phong trào xây dựng văn hóa công vụ, phục vụ nhân dân đã lan tỏa khắp các sở, ban, ngành, như: chiến dịch “Nụ cười công chức chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2017”, phong trào “Chỉ cần nở một nụ cười”, phát động “Nụ cười công chức”… Trong 2 năm  2017, 2018,  Ban Tuyên giáo Thành ủy xây dựng đề tài “Lối sống Đà Nẵng”, xác định rõ các giá trị đạo đức, văn hóa đặc trưng của Đà Nẵng để hình thành hành vi ứng xử văn minh, hiện đại, đầy tính nhân văn của người dân thành phố, đồng thời xây dựng và phát triển thành phố theo chiều sâu. Liên tục trong nhiều năm, Ban Tuyên giáo Thành ủy biên soạn và ban hành cuốn Sổ tay văn hóa “Người Đà Nẵng thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” nhằm nâng cao nhận thức và hành động của người dân thành phố về văn hóa ứng xử. Hiện nay, Ban Tuyên giáo Thành ủy đang triển khai nghiên cứu Đề án “Đưa nghệ thuật truyền thống Tuồng và Bài chòi vào trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, nhằm góp phần bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nhất là “Di sản văn hóa phi vật thể” đã được UNESCO vinh danh vào cuối năm 2017.  

Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW có nhận định: “Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng; thành lập Nhà Trưng bày Hoàng Sa trưng bày tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; đang trùng tu, tôn tạo Khu di tích Thành Điện Hải; đầu tư xây dựng nhiều công trình văn hóa lớn. Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn, mang tầm quốc tế được tổ chức thường niên, góp phần hình thành thương hiệu thành phố văn hóa, du lịch, thành phố sự kiện.

Chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từng bước đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao dân trí, tính tự giác, lòng tự hào, yêu quê hương trong mỗi người dân, tạo nền tảng tinh thần, động lực mới cho phát triển. Hoạt động văn học- nghệ thuật, báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình tiếp tục phát triển, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Thành phố đã xây dựng một số công trình thể thao trọng điểm, đảm bảo tiềm lực đăng cai, tổ chức các giải đấu quốc gia và khu vực; hoạt động thể thao quần chúng và thành tích cao phát triển mạnh về chất lượng và số lượng”.

Ðảng ta khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, đã chỉ rõ vai trò cực kỳ quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, muốn phát triển bền vững, thành phố Đà Nẵng cần phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế không chỉ trong nhận thức mà còn trong hành động; coi “nghĩa tình”, “văn minh”, “đậm đà bản sắc”, “giàu tính nhân văn” về văn hóa là những thành tố quan trọng, ngang hàng “hiện đại”, “sinh thái”, “thông minh”, “bền vững” về kinh tế. Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2015” và Chương trình hành động số 29-Ctr/TU, ngày 10-5-2019 của Thành ủy Đà Nẵng về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW đặt ra mục tiêu phát triển lĩnh vực văn hóa, đó là: “Xây dựng đời sống văn hóa phong phú, giàu bản sắc, có hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế-xã hội; hình thành các giá trị, bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, văn hóa người Đà Nẵng... Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển văn hóa theo hướng toàn diện, tiên tiến, đậm đà bản sắc, xây dựng phong cách văn hóa người Đà Nẵng, giảm sự chênh lệch trong hưởng thụ văn hóa giữa các vùng; xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm văn hóa, thể thao lớn nhất cả nước”. Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đó, trong thời gian tới, cần phải tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa tương xứng với sự phát triển kinh tế-xã hội. Xây dựng và triển khai nhiều chương trình, đề án xây dựng và phát triển văn hóa sát hợp với từng giai đoạn phát triển của thành phố nhằm tập trung nguồn lực tinh thần và vật chất cần thiết để thực hiện thắng lợi các chương trình, đề án này.

Thứ hai, xây dựng và phát triển toàn diện con người Đà Nẵng có nhân cách và có lối sống đẹp. Coi trọng việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo và quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác văn hóa từ thành phố đến cơ sở.

Thứ ba, rà soát quy hoạch tổng thể phát triển ngành văn hóa, thể thao, trong đó quy hoạch quỹ đất dành cho các thiết chế văn hóa công cộng phục vụ lợi ích cộng đồng. Tập trung đầu tư hoàn thành đối với các công trình văn hóa, đặc biệt là các công trình văn hóa trọng điểm cấp thành phố. Phát triển văn hóa gắn với cộng đồng và không gian mở, đổi mới cơ chế quản lý và vận hành các thiết chế văn hóa một cách hiệu quả.

Thứ tư, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản, đặc biệt trên mạng internet; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tăng cường hiệu quả của việc giám sát, phản biện của các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong lĩnh vực văn hóa.

Thứ năm, chú trọng tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ nhằm tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, song song với việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, ngăn chặn tình trạng lai căng, biến tướng của văn hóa ngoại nhập.

Để quá trình phát triển văn hóa tạo ra sức mạnh nội sinh và môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế thành phố thì cần phải gắn kết chặt chẽ giữa chính sách văn hóa trong kinh tế và chính sách kinh tế trong văn hóa nhằm tạo nên sự phát triển hài hòa giữa văn hóa với kinh tế. Văn hóa Đà Nẵng phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội để phát huy hết tiềm năng vốn có của nó. Chúng ta phải thực sự coi “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó không những bảo đảm sự phát triển bền vững của Đà Nẵng trong tương lai mà còn hình thành các giá trị, bản sắc riêng của văn hóa Đà Nẵng.

TRẦN ĐÌNH HỒNG, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy
 

;
;
.
.
.
.
.