Gia đình đổ vỡ - khoảng trống cho ma túy

.

Ngồi trước mắt tôi là người phụ nữ vừa bước sang tuổi 40, nhưng trông chị N.T.H. ở xã Đại An (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) già rất nhiều so với tuổi. Phải khá lâu kìm nén xúc động, chị mới kể chuyện của mình: “Tôi từ quê ra Đà Nẵng làm công nhân, rồi quen anh - một tài xế ở cùng công ty và chúng tôi đã có con mà không kịp cưới hỏi. Tưởng rằng sẽ có hạnh phúc, tuy nhiên cuộc sống tài xế rày đây mai đó, anh đã quen người khác và bỏ mặc mẹ con tôi.

Gia đình các học viên thăm con đang cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng. 					                    Ảnh: T. VÂN
Gia đình các học viên thăm con đang cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng. Ảnh: T. VÂN

Làm mẹ đơn thân cực vô cùng, nhưng chẳng thấm vào đâu với nỗi khổ khi Công an phường Hòa An, nơi tôi tạm trú, báo cho biết đứa con mới 15 tuổi của tôi đã bị nghiện ma túy và khuyên tôi đồng ý để đưa lên Trường Giáo dưỡng số 3. Vì mãi lo làm tăng ca, tôi rất ít có thời gian dành cho con, để rồi hôm nay nó không còn trong vòng tay tôi nữa. Cái giá quá lớn, và lỗi là do người lớn”.

Cha mẹ ly thân, hoặc cha mẹ không thuận thảo, vô tình đẩy con cái ra xa để rồi con sa ngã, khi phát hiện thì mọi chuyện đã muộn, gần như là câu chuyện chung của rất nhiều trường hợp gia đình có con bị nghiện ma túy. L.H.T. ở phường Bình Hiên (quận Hải Châu) chứng kiến ba mẹ ra tòa ly dị năm 18 tuổi, buồn chán, T. bỏ học theo đám bạn lang thang ngoài đường. Rồi việc gì đến cũng đến khi em “được” đám bạn xấu cho dùng thử “kẹo cười”. Không ngờ sau lần ăn thử viên “kẹo” đó em đã dính chàm và bị đám bạn xấu chi phối hoàn toàn.

Trong nhà có gì cũng lấy cắp để bán và cuối cùng là lấy trộm của hàng xóm và bị bắt đưa đi cai nghiện ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng. Tiếp chuyện chúng tôi, mẹ của T. khóc cạn nước mắt trong nỗi ân hận: “Giá như vợ chồng tôi chịu hy sinh vì con cái thì đâu đến nỗi tan nát hết như vậy!”.
Theo Trung tá Huỳnh Nghĩa Trọng, Đội trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố (CATP), nguyên nhân những thanh, thiếu niên dễ rơi vào con đường nghiện ngập hầu hết xuất thân từ những gia đình không hạnh phúc hoặc quá bận rộn.

Chính môi trường đó đã vô tình đẩy các em ra khỏi vòng tay thương yêu của gia đình và ngoài kia thì luôn luôn có kẻ xấu rình rập lôi kéo sử dụng và mua bán ma túy, từ đó phạm pháp hình sự. Theo thống kê của CATP, có đến 99,4% đối tượng phạm tội nghiện ma túy hoặc có sử dụng ma túy. Đây là thực tế thực sự đáng lo ngại, bởi từ chỗ nghiện ngập các em rất dễ trở thành tội phạm. Còn thống kê của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2016 đến năm 2018,  thành phố có đến 4.200 vụ ly hôn. 4.200 vụ ly hôn đồng nghĩa chừng đó gia đình rơi vào cảnh tan vỡ. Và chí ít, cha mẹ khó mà đồng lòng và nỗ lực hết sức để chăm lo con mình như những gia đình hạnh phúc khác. Từ đó sẽ tạo nên khoảng trống chết người để ma túy chen chân vào cuộc đời những đứa trẻ thiệt thòi.

Có điều, nói cho hết nhẽ, thì bên cạnh khoảng trống gia đình, còn có một khoảng trống khác, đó là công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vẫn chưa chú ý đầy đủ đến những trường hợp như vậy. Những chương trình truyền thông về ma túy thì vẫn còn khá chung chung, thiếu những chuyên đề riêng biệt hướng đến các gia đình tan vỡ hạnh phúc. Đặc biệt, đối với phụ nữ - những người mẹ trẻ trong các gia đình đổ vỡ hạnh phúc, rất cần những tuyên truyền viên như kiểu một người thân chia sẻ mọi khó khăn trong công việc nuôi dạy con nhỏ nói chung và phòng tránh việc con sử dụng các chất kích thích nói riêng.

Mà theo như tâm sự của chị L.H.H. ở phường An Hải Bắc, trong buổi gặp mặt với lãnh đạo Cơ sở xã hội Bầu Bàng: “Gia đình tan vỡ, chỉ còn níu kéo hy vọng ở đứa con trai, vậy mà con cũng bị nghiện ngập. Giá như chúng tôi có người giúp đỡ, tư vấn sớm hơn thì ma túy đâu chen vô nhà tôi được”.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.