Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Theo Điều 25 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) năm  2015, giám sát là việc Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật.

10 căn cứ pháp lý và văn bản hướng dẫn hoạt động giám sát của Mặt trận:

Căn cứ giám sát: Luật MTTQ Việt Nam năm 2015, Luật Thanh tra năm 2010, Luật đầu tư công năm 2014, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI quy định việc thực hiện dân chủ ở phường, xã, thị trấn; Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30-9-2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư; Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29-11-2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân; Thông tư 63/2017/TT-BTC ngày 19-6-2017 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15-6-2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thông tri số 25/TTr-MTTW-BTT ngày 10-8-2017 của Ban Thanh tra Ủy ban Trung ương Mặt trận TQVN hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại xã, phường, thị trấn.

Giám sát của Mặt trận mang tính xã hội, có mục đích: Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Nguyên tắc của hoạt động giám sát: Bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của nhân dân, thành viên của MTTQ Việt Nam; xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân; thực hiện công khai, minh bạch, không chồng chéo; không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát.

Đối tượng giám sát của Mặt trận: Cơ quan Nhà nước; tổ chức; đại biểu dân cử; cán bộ, công chức, viên chức.

Nội dung giám sát: Việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam.

Căn cứ giám sát: Chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng năm của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; chương trình phối hợp giám sát giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên và cơ quan Nhà nước cùng cấp; kiến nghị của tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam; đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức do Ủy ban MTTQ Việt Nam tiếp nhận; thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hình thức giám sát: Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức đoàn giám sát; thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

Căn cứ để Mặt trận phản biện xã hội: Chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng năm của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hằng năm; dự thảo quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan Nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, hội viên, đoàn viên của các tổ chức thành viên, quyền và trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam; kiến nghị của tổ chức thành viên; đề nghị của cơ quan Nhà nước cùng cấp có dự thảo văn bản.

Hình thức phản biện xã hội: Tổ chức hội nghị phản biện xã hội; gửi dự thảo văn bản cần phản biện xã hội đến các tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện xã hội; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam với cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện xã hội;

Quyền và trách nhiệm của Mặt trận trong hoạt động giám sát: Xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch giám sát; quyết định thành lập đoàn giám sát và tổ chức hoạt động giám sát theo kế hoạch hoặc khi cần thiết; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan; xem xét khách quan, khoa học những vấn đề liên quan; tổ chức đối thoại để làm rõ nội dung kiến nghị sau giám sát khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát; kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; chịu trách nhiệm về nội dung kiến nghị sau giám sát; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát;

(Theo tài liệu tập huấn công tác giám sát và phản biện xã hội năm 2019 của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố)

;
;
.
.
.
.
.