Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Hội Nông dân phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) đã tích cực xây dựng hình ảnh “Người cán bộ, hội viên nông dân tiêu biểu xuất sắc làm theo lời Bác”. Qua triển khai thực hiện, đến nay có nhiều cán bộ, hội viên tiêu biểu xuất sắc, không chỉ vươn lên làm giàu chân chính từ đôi bàn tay của mình, mà còn giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Cơ sở sản xuất chổi đót của ông Nguyễn Văn Nam chủ yếu tạo việc làm cho hội viên nghèo, người già và phụ nữ đơn thân kiếm thêm thu nhập. |
Ông Mai Hồng Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân phường Hòa Hiệp Nam, hiện là Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hòa Hiệp Nam, chuyên nuôi cá nước ngọt và kinh doanh dịch vụ. Hiện ông Quân đấu thầu hồ nước dọc đường Mê Linh để nuôi cá nước ngọt, mỗi tháng cho thu nhập trên trăm triệu đồng. Ngoài ra, ông Quân còn tạo việc làm cho 14 lao động hợp đồng (trong tổng số 22 xã viên) với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng.
Ông Ngô Tấn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Hiệp Nam cho biết, ông Quân không những sản xuất giỏi mà còn tích cực trong công tác an sinh xã hội của phường hội. Mỗi lần có những hoạt động như vận động các loại quỹ từ thiện, ông Quân đều đóng góp nhiệt tình. Từ thành quả làm ăn kinh tế cũng như việc tham gia công tác xã hội, ông Quân được biểu dương là hội viên nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố năm 2018. “Mình xuất phát là nông dân, nên việc giúp đỡ con em hội viên khó khăn, học giỏi, hội viên nghèo là điều đáng làm và nên làm. Năm nào cũng vậy, mình hỗ trợ tùy vào thu nhập, được nhiều thì góp nhiều, ít thì góp hạn chế chút, nhưng năm nào cũng có để hỗ trợ cho phường hội trong công tác an sinh xã hội”, ông Quân nói. Được biết, việc đấu thầu hồ Bàu Tràm với diện tích 45ha của ông Quân mỗi năm mang lại 80 triệu đồng. Số tiền này được bổ sung vào Quỹ vì người nghèo của quận Liên Chiểu.
Cũng ở phường Hòa Hiệp Nam, ông Nguyễn Văn Nam (trú tổ 24) - chủ cơ sở sản xuất chổi đót - là hội viên sản xuất giỏi của Hội Nông dân phường. Cơ sở ông Nam tạo việc làm cho 6 nhân công, chủ yếu là phụ nữ đơn thân, hội viên nông dân nghèo, người già (còn sức lao động nhẹ)… Vào thời chính vụ (nhập và phơi đót nguyên liệu), cơ sở ông Nam thu nhận 40-50 người làm, mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/nữ và 9 triệu đồng/nam, kéo dài liên tục 3 tháng. Phần lớn những lao động tại cơ sở ông Nam đều là người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt. “Họ không còn được các công ty tuyển dụng nữa vì thiếu sức khỏe. Họ là những người già còn chút sức, thích lao động; phụ nữ đơn thân nghèo khó..., được tôi nhận vào cơ sở sản xuất. Họ làm việc tùy tâm, tùy sức chứ không nhất thiết phải gò bó theo chỉ tiêu. Làm được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Khi họ nghỉ, có ý định chuyển nghề khác, tôi hỗ trợ cho họ phương tiện sinh kế để chuyển đổi ngành nghề”, ông Nam nói.
Cơ sở sản xuất chổi đót của ông Nam mỗi năm thu mua 200 tấn đót nguyên liệu. Sau khi phơi khén, ông xuất đót nguyên liệu cho các đầu mối ở phía nam, một phần ông để lại bảo đảm cho 6-10 người chuyên sản xuất chổi đót quanh năm có việc làm ổn định.
Theo ông Ngô Tấn Sơn, mặc dù không thuộc tốp đầu về gương làm ăn kinh tế giỏi, nhưng ông Nam rất tích cực giúp đỡ mọi người, nhất là những hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, ông đóng góp vào quỹ hội để giúp đỡ người nghèo, trao quà cho học sinh nghèo hiếu học, hỗ trợ sinh kế cho những người khó khăn chuyển đổi ngành nghề. Bên cạnh đó, ông Nam còn vận động con cái trong nhà cùng tham gia công tác an sinh xã hội, tạo nên hình ảnh người nông dân chất phác mà giàu lòng nhân ái.
Ông Ngô Tấn Sơn cho rằng, việc học và làm theo Bác chẳng phải tìm đâu cao xa, mà ngay những việc làm bình dị của người hội viên nông dân, vừa làm giàu chân chính, vừa giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn... Hội Nông dân phường Hòa Hiệp Nam ngoài những gương điển hình như ông Quân, ông Nam, còn rất nhiều hội viên vừa sản xuất giỏi, vừa giúp đỡ tích cực mọi người như: hội viên Huỳnh Ngọc Thủy - chủ cơ sở sản xuất đá cắt xây dựng; hội viên Lê Tám tích cực giúp đỡ hội viên khác trong lúc đau ốm, khó khăn; các hội viên trong làng nghề sản xuất nước mắm Nam Ô; hay tổ hợp tác sản xuất rau sạch an toàn Hòa Hiệp Nam... “Trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, với đặc tính sản xuất nông nghiệp và làm ngư nghiệp, nông dân phường Hòa Hiệp Nam cũng tự ý thức chuyển đổi ngành nghề để thích ứng với sự đổi thay. Học Bác tinh thần tương thân tương ái, nông dân đã giúp nhau rất hiệu quả. Họ cũng thực hiện nhiều việc làm thiết thực như thực hành tiết kiệm trong sản xuất chăn nuôi, tiết kiệm thực phẩm, phân bón nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao; trong gia đình chi tiêu không xa hoa, lãng phí, sử dụng điện và nước tiết kiệm...”, ông Sơn nói.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY