Nhiều năm qua, bên cạnh tập trung đầu tư phát triển kinh tế, huyện Hòa Vang còn chú trọng đầu tư phát triển về văn hóa. Và những kết quả đạt được về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của huyện trong thời gian qua có sự đồng hành của giới văn nghệ sĩ thành phố. Điểm nhấn là đợt sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Văn nghệ sĩ thành phố đồng hành cùng chương trình nông thôn mới Hòa Vang giai đoạn 2016-2020” do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố phối hợp huyện Hòa Vang tổ chức phát động vào đầu tháng 5 vừa qua.
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố tác nghiệp tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN |
Là một trong số những văn nghệ sĩ tham gia trong đợt sáng tác văn học nghệ thuật này, với nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, đề tài về Hòa Vang nói chung cũng như về nông thôn mới Hòa Vang chưa bao giờ là hết hấp dẫn. Chị chia sẻ: “Hòa Vang là một vùng nông thôn sát bên thành phố, vẫn giữ được những nét thơ mộng thoáng đãng của khung cảnh thiên nhiên và những phong tục tập quán, những ẩm thực đặc sắc thú vị của văn hóa truyền thống. Con người lại chân chất mộc mạc, chịu thương chịu khó. Vậy nên chọn đề tài xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang để phát động cuộc sáng tác cho văn nghệ sĩ là một chủ trương đúng”.
Và các tác phẩm được các văn nghệ sĩ đi thực tế và sáng tác không chỉ có chất lượng tốt mà còn mang đậm hơi thở của một vùng đất đang trên đà phát triển. Nhà thơ Như Thúy đã sáng tác 2 bài thơ. Với bài “Đồng Xanh - Đồng Nghệ”, đó là cảm hứng trước một thiên nhiên xanh tươi, mát mẻ và hoang sơ; nơi con người được sống chan hòa với thiên nhiên.
Còn với bài “Quê xưa nguồn cội Túy Loan” thì chị viết về lòng biết ơn với người xưa khai khẩn đất hoang, người nay giữ gìn xây dựng để còn một vùng đất với đình làng, cây đa, dòng sông và những lễ hội, những món ăn truyền thống đậm đà. Chị Như Thúy cho hay: “Cả 2 bài thơ đều mang thông điệp kêu gọi sự giữ gìn; giữ thiên nhiên để Hòa Vang vẫn là một vùng xanh của thành phố, một nơi mà con người đến đó sẽ quên đi những tất bật âu lo phố phường; giữ những đặc trưng văn hóa riêng để Hòa Vang cho dù “làng lên phố” vẫn còn nguyên vẹn những giá trị truyền thống xưa”.
Kết thúc đợt sáng tác, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố phối hợp với huyện Hòa Vang tổ chức công diễn tác phẩm nghệ thuật tại UBND huyện Hòa Vang vào tháng 7 vừa qua. Có 67 bức ảnh nghệ thuật của 22 nghệ sĩ nhiếp ảnh, 36 bức tranh của 17 họa sĩ được triển lãm và một chương trình nghệ thuật mang tên “Về với Hòa Vang” phục vụ người dân địa phương, qua đó góp tiếng nói của văn nghệ sĩ thành phố vào việc ngợi ca và phản ánh trung thực về đất và người Hòa Vang.
Ông Trần Văn Trường, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hòa Vang khẳng định rằng, đợt sáng tác lần này của các văn nghệ sĩ đạt được nhiều kết quả ngoài mong đợi. Đó là sự quy tụ được 7 hội chuyên ngành trực thuộc Liên hiệp Hội với 200 văn nghệ sĩ tham gia và có hơn 1.000 tác phẩm với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như tranh, ảnh, tác phẩm âm nhạc, kịch, múa, thơ,... Các tác phẩm đã thể hiện được bản sắc riêng của văn hóa làng quê, mảnh đất, con người Hòa Vang; đồng thời cùng phản ánh chân thật, sinh động đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của huyện Hòa Vang trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, trong thời gian qua, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật mới trên các loại hình nghệ thuật như dân ca, kịch bản sân khấu, âm nhạc, hội họa... cũng được nhiều tác giả người Hòa Vang sáng tác và đoạt giải ở các cấp. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ, lối sống, nếp sống còn nhiều nội dung công việc khác nhau, nhưng huyện Hòa Vang không đủ điều kiện con người cũng như kinh phí thực hiện.
Trong thời gian tới, huyện Hòa Vang mong muốn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố tiếp tục hỗ trợ sáng tác những tác phẩm mới về văn học, sân khấu, hội họa,... lấy chất liệu từ cuộc sống xã hội để cổ vũ quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Đồng thời, các tác phẩm đả kích, phê phán các thói hư tật xấu, tư tưởng tiểu nông, trì trệ hoặc các hủ tục để từng bước giúp cộng đồng dân cư hội nhập tốt với quá trình đô thị hóa hiện nay; bảo đảm người dân hội nhập tốt với cuộc sống đô thị nhưng vẫn giữ được những giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống, giữ được giềng mối gia đình, dòng tộc, xóm làng, sống có nghĩa tình.
MAI HIỀN