PHẢN HỒI BÀI VIẾT "CÔNG TÁC THU GOM RÁC CHƯA HIỆU QUẢ: DO NĂNG LỰC ĐƠN VỊ TRÚNG THẦU?"

Đơn vị trúng thầu phải bảo đảm năng lực và phương thức thu gom rác

.

Sau khi Báo Đà Nẵng số ra ngày 8-8 đăng bài “Công tác thu gom rác chưa hiệu quả: Do năng lực đơn vị trúng thầu?” phản ánh việc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng trúng nhiều gói thầu thực hiện dịch vụ công ích vệ sinh môi trường trên địa bàn các quận, huyện (theo Quyết định số 19/2018/QĐ-UBND ngày 7-5-2018 của UBND thành phố, gọi tắt là Quyết định 19), trong khi cơ sở vật chất chưa bảo đảm, phương thức thu gom cũ kỹ, lạc hậu, chưa tạo được thế cạnh tranh trong dịch vụ thu gom rác thải…, Báo Đà Nẵng ghi nhận nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân xung quanh vấn đề này.

Phần lớn rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư hiện nay được thu gom bằng xe ba gác, phương tiện thô sơ.  Ảnh: H.LÊ
Phần lớn rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư hiện nay được thu gom bằng xe ba gác, phương tiện thô sơ. Ảnh: H.LÊ

* Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Địa phương có quyền gia hạn thời gian, kêu gọi thêm đơn vị khác tham gia đấu thầu

Tinh thần của Quyết định 19 là xã hội hóa công tác thu gom rác thải trên địa bàn thành phố bằng hình thức đấu thầu, tạo thế cạnh tranh, từ đó lựa chọn đơn vị trúng thầu đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu do địa phương đặt ra.

Vì sao có địa phương khi tổ chức đấu thầu chỉ có 1 đơn vị nộp hồ sơ và trúng thầu thì cần xem xét công tác đấu thầu tại địa phương đó được tổ chức như thế nào. Tất nhiên cũng có thể do điều kiện khách quan là loại hình dịch vụ thu gom rác thải ở Đà Nẵng gần như không có.

Tuy nhiên, khi làm hồ sơ mời thầu, các địa phương cần xây dựng lộ trình, kế hoạch, càng đưa ra những yêu cầu, ràng buộc chi tiết thì càng tốt, điều này giúp tránh tình huống chính đơn vị trúng thầu lại bị địa phương “chê” thiếu năng lực cũng như không bảo đảm cơ sở vật chất, phương án thu gom…

Nếu chỉ nhận một bộ hồ sơ tham gia đấu thầu, địa phương có quyền gia hạn thời gian đấu thầu, kêu gọi thêm các đơn vị khác cùng tham gia để tạo thế cạnh tranh cũng như tránh độc quyền trong thu gom rác thải. Theo tôi, càng ít đơn vị tham gia đấu thầu thì sự lựa chọn, tính cạnh tranh trong lĩnh vực này gần như bằng 0.

Là người sử dụng dịch vụ, địa phương có quyền yêu cầu đơn vị trúng thầu tăng cường cơ sở vật chất, con người cũng như thay đổi phương thức thu gom rác phù hợp; đồng thời tăng chế tài xử phạt, cắt hợp đồng trước thời hạn nếu đơn vị trúng thầu thu gom không hiệu quả.

* Bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà: Một đơn vị nộp hồ sơ dự thầu, địa phương không có sự lựa chọn

UBND quận Sơn Trà đã lập hồ sơ mời thầu với khối lượng 104 tuyến đường và khu vực, mép bờ đông sông Hàn. Trong quá trình tổ chức đấu thầu, chỉ có 1 đơn vị nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu là Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, điều này khiến địa phương không có sự lựa chọn nào khác.

Công tác phân loại rác thải được UBND quận Sơn Trà và Hội LHPN quận triển khai từ năm 2014, nhưng mới dừng ở mức thu gom, tận dụng rác tài nguyên để bán, tái chế; một số ít tận dụng rác hữu cơ làm thức ăn gia súc, gia cầm; rác thải nguy hại chưa được phân loại và thu gom theo đúng quy trình.

Rác thải xây dựng, vật dụng gia đình (bàn ghế, tủ, gường…) hiện là vấn đề nan giải đối với quận Sơn Trà, nhất là ở hai phường Nại Hiên Đông và Thọ Quang. Trong thời gian qua, UBND quận và UBND các phường phải thường xuyên sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường để tổng dọn và vận chuyển rác thải lên bãi rác Khánh Sơn.

Hiện trên địa bàn quận Sơn Trà chưa có trạm trung chuyển rác nên phát sinh các điểm tập kết rác tạm, chờ chuyển giao lên xe thu gom. Các điểm tập kết này thường gây ô nhiễm môi trường. Trên địa bàn quận chưa được bố trí thùng rác chứa rác thải nguy hại cũng như chưa có mẫu thùng chứa rác thải nguy hại để đầu tư, trang bị trước tại một số điểm trên địa bàn trong khi chờ thành phố đầu tư.

* Ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu: Giao quyền lựa chọn nhà thầu cho người dân

Cũng như nhiều địa phương khác, quận Liên Chiểu hoàn toàn không có quỹ đất để quy hoạch khu vực thu gom rác thải và đang sử dụng tạm những lô đất trống để tập kết rác từ khu dân cư. Thiết nghĩ, thành phố cần quan tâm, dành một số quỹ đất để quy hoạch, hình thành mạng lưới tập kết, trung chuyển rác thải, hoặc cho phép địa phương sử dụng một số vị trí đất công để xây nhà chứa rác.

Thời gian tới, quận Liên Chiểu tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra công tác thu gom rác thải của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng. Sau một thời gian, nếu tình trạng ô nhiễm môi trường không được cải thiện, chúng tôi sẽ chấm dứt hợp đồng, kêu gọi những công ty môi trường ở các tỉnh, thành phố khác tham gia công tác đấu thầu để tránh tình trạng phụ thuộc vào một đơn vị thu gom rác.

Ở góc độ địa phương, là đơn vị tổ chức đấu thầu, chúng tôi mong muốn thời gian tới có nhiều đơn vị gửi hồ sơ dự thầu, giao quyền lựa chọn nhà thầu cho người dân, bởi người dân chính là người bỏ tiền ra thì họ cần được phục vụ tốt nhất.

* Ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng: Cần thêm các trạm trung chuyển quy mô, có sức chứa lớn

Tôi không đồng ý với nội dung các địa phương phản ánh rằng công ty chúng tôi thiếu phương tiện hay đội ngũ công nhân tham gia trực tiếp công việc thu gom rác. Nếu thiếu thì đó là sự thiếu ý thức từ chính người xả rác và nhân viên thu gom, nhưng điều này rất khó kiểm soát. Hiện công ty có hơn 70 xe vận chuyển rác các loại, mỗi xí nghiệp môi trường có trên dưới 200 lao động.

Hiện 60% rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố được đưa ra từ kiệt, hẻm; thu gom bằng phương tiện thô sơ; sau đó đưa hết về trạm trung chuyển trước khi lên bãi Khánh Sơn. Theo yêu cầu các quận, huyện, thời gian tới sẽ xóa dần các điểm đặt thùng rác.

Hiện các quận Thanh Khê và Hải Châu chỉ còn 31 điểm đặt thùng. Với phương thức thu gom bằng phương tiện thô sơ và xe cơ giới loại 500kg, 800kg, 1.000kg như hiện nay, khi điểm tập kết hoặc trạm trung chuyển chưa đáp ứng, việc rác phải nằm ngoài đường một thời gian (do không có thùng chứa rác) là điều khó tránh khỏi.

Có thể nói, hướng “gỡ” cấp thiết hiện nay là thành phố cần đầu tư, xây dựng thêm các trạm trung chuyển. Hiện chỉ trạm trung chuyển Lê Thanh Nghị có sức chứa 200-250 tấn rác/ngày và trạm này đang được thành phố cho chủ trương đầu tư lên 500 tấn/ngày. Riêng với địa bàn hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, công ty đang lập phương án phân luồng, một đưa về trạm Lê Thanh Nghị, một đưa thẳng lên bãi rác Khánh Sơn.

* Ông Trần Văn Hưng, người dân sống trên đường Lê Văn Thịnh (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu):
Đơn vị môi trường cần tăng cường trách nhiệm

Người dân chúng tôi được biết UBND quận Liên Chiểu hợp đồng với Xí nghiệp Môi trường Liên Chiểu cử công nhân quét dọn các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Sinh Sắc, Hoàng Thị Loan, Nguyễn Tất Thành từ nguồn kinh phí của UBND quận; còn việc dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường nhỏ ở khu dân cư như Lê Văn Thịnh thì kêu gọi người dân tự quét trong các buổi ra quân dọn vệ sinh môi trường, phong trào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”...

Tuy nhiên, đường Lê Văn Thịnh hiện có rất nhiều lá cây rụng, mặt đường đọng nhiều bụi đất, trong khi người dân không phải lúc nào cũng có thời gian để thu gom. Chưa kể có nhiều thời điểm, rác sinh hoạt được người dân tập kết trước nhà nhưng 2-3 ngày xe của Xí nghiệp Môi trường Liên Chiểu mới đến thu gom. Chúng tôi đề nghị đơn vị thu gom rác tăng cường trách nhiệm, chú ý hơn công tác thu gom rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư, tránh tình trạng để rác tồn đọng nhiều ngày phát sinh mùi hôi, gây ô nhiễm.

H.LÊ thực hiện

;
;
.
.
.
.
.