Sửa chữa nguyên trạng đường lên đỉnh Bà Nà

.

Tuyến đường lên đỉnh Bà Nà, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang được khôi phục vào năm 1999, đến nay đã sử dụng 20 năm mà chưa được đại tu. Từ đề xuất của các sở, ngành, UBND thành phố đã thống nhất sửa chữa đường do Công ty CP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà chi trả kinh phí khoảng 8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi sửa chữa xong, vẫn không cho sử dụng xe trung chuyển và không cho người dân, du khách lưu thông trên tuyến đường này, trừ một số trường hợp được phép lưu thông.

Tuyến đường lên đỉnh Bà Nà được sửa chữa với kinh phí 8 tỷ đồng.
Tuyến đường lên đỉnh Bà Nà được sửa chữa với kinh phí 8 tỷ đồng.

Ngày 11-7-2019, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND có công văn giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) kiểm tra, đề xuất phương án khôi phục, quản lý tuyến đường bộ lên đỉnh Bà Nà.

Trên cơ sở đó, Sở GTVT và các sở, ngành, đơn vị liên quan đã nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố 3 phương án sửa chữa và cải tạo. Trong đó, phương án sửa chữa, khôi phục nguyên trạng tuyến đường để sử dụng xe trung chuyển vận chuyển khách lên đỉnh Bà Nà tốn kinh phí đầu tư 130 tỷ đồng và thu hồi 3ha đất rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Phương án cải tạo, nâng cấp tuyến đường bảo đảm an toàn cho người dân và du khách được lưu thông trên tuyến tốn kinh phí đầu tư 600 tỷ đồng, thu hồi 20ha đất rừng đặc dụng…

Chính vì vậy, Sở GTVT và các sở, ngành đề xuất UBND thành phố chọn phương án sửa chữa, khôi phục nguyên trạng tuyến đường, không sử dụng xe trung chuyển và không cho người dân, du khách lưu thông trên tuyến đường. Ngày 3-8 vừa qua, phương án này đã được UBND thành phố thống nhất và chỉ đạo triển khai thực hiện với tổng kinh phí 8 tỷ đồng, hoàn thành trong năm 2019.

Giải thích thêm về việc không cho phép sử dụng xe trung chuyển và không cho người dân, du khách lưu thông trên tuyến đường lên đỉnh Bà Nà như trước năm 2009, Sở GTVT cho hay, tuyến đường này có nhiều vị trí có độ dốc đến 16% và tổng chiều dài số đoạn có độ dốc trên 10% khoảng 5,8km, chiếm 43% chiều dài tuyến đường; đồng thời hướng tuyến quanh co với 40 đoạn đường cong, khúc khuỷu có bán kính nhỏ (dưới 15m), chiếm 10% tổng số đường cong.

Mặt khác, tuyến đường này không đạt tiêu chuẩn đường cấp 6 miền núi (cấp hạng thấp nhất) vì bán kính đường cong không đạt từ 15m trở lên. Như vậy, tuyến đường này không bảo đảm an toàn giao thông. Đồng thời, tuyến đường này nằm trong khu vực rừng đặc dụng Bà Nà- Núi Chúa, cần được bảo vệ, tránh trường hợp để người dân và du khách lên chơi phá rừng, săn bắt thú rừng, gây cháy rừng...

Ngoài ra, theo ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, muốn thu hồi đất rừng đặc dụng phải được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ (kể cả việc thu hồi chỉ 1m2 đất rừng).

Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: “Việc lập 2 barie và ngăn cấm các phương tiện không có chức năng, nhiệm vụ lưu thông trên đường lên đỉnh Bà Nà là đúng vì tuyến đường này quá nguy hiểm, không bảo đảm an toàn khi lưu thông. Việc ngăn cấm này còn giúp bảo vệ rừng đặc dụng, tránh để người dân và du khách tự do đi vào rừng đốt lửa, săn bắt thú, khai thác lâm sản trái phép... Còn các hộ dân trồng rừng, phải đăng ký để cho phép lưu thông trên đường”.

Ông Võ Thành Được, Giám đốc Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng cho hay: “Lâu nay, công ty cử người túc trực 24/24 giờ tại đường lên đỉnh Bà Nà theo chủ trương của thành phố để ngăn không cho phương tiện của người dân, du khách lưu thông vì đường không bảo đảm an toàn giao thông. Hằng năm, Công ty CP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà có sửa chữa đường với quy mô nhỏ để cho xe vận chuyển lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng, rác… lưu thông”.

 Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.