ĐNO - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, miền Trung như chiếc đòn gánh của hai đầu đất nước, nếu hai đầu nặng chắc chắn chiếc đòn gánh sẽ gãy. Vì vậy, tại hội nghị này, sự phát triển miền Trung không chỉ của riêng của 14 tỉnh, thành phố trong vùng, mà các bộ, ngành, Trung ương và cả Chính phủ cần thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách để sớm đưa ra những giải pháp hiệu quả, nhằm tạo sức bật cho miền Trung phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Sáng 20-8, tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị phát triển kinh tế miền Trung. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung. Về phía thành phố Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng hội nghị sẽ đóng góp những giải pháp tích cực, hiệu quả cho 14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung liên kết phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian đến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, miền Trung như chiếc đòn gánh của hai đầu đất nước, nếu hai đầu nặng chắc chắn chiếc đòn gánh sẽ gẫy. Vì vậy, tại hội nghị này, sự phát triển miền Trung không chỉ của riêng của 14 tỉnh, thành phố trong vùng, mà các bộ ngành, Trung ương và cả Chính phủ cần thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách để sớm đưa ra những giải pháp hiệu quả, tạo sức bật cho miền Trung có bước phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, GDP 28 tỉnh ven biển chiếm 73% cả nước, miền Trung có 14 tỉnh thành nhưng chỉ chiếm 2% là quá khiêm tốn. Về du lịch, miền Trung có thế mạnh so với các vùng như bãi biển, di sản nhưng doanh thu chưa được 2% cả nước...
Về dân số, 14 tỉnh thành miền Trung có trên 20 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước, đây là một loại tài sản rất quan trọng và miền Trung cần làm sao đó để con người miền Trung đóng góp cho quê hương, thu hút được những người tài đến đây làm việc...
"Các đại biểu phát biểu tại hội nghị cần tập trung đề xuất các giải pháp, ý tưởng có thể triển khai ngay bây giờ hoặc năm 2020. Tôi mong các đại biểu đề xuất cụ thể giải pháp để phát triển miền Trung đúng hướng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày sản phẩm của Đà Nẵng trong khuôn khổ của hội nghị phát triển kinh tế miền Trung vào sáng 20-8. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, kinh tế 14 tỉnh, thành phố vùng miền Trung đang đồng loạt khởi sắc, tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng năm 2019 của vùng đạt cao so với bình quân chung cả nước.
Một điểm sáng khác là kim ngạch xuất khẩu 6 tháng của vùng tăng cao hơn bình quân chung cả nước. Theo báo cáo của các địa phương, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 6,950 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2018 (cả nước tăng 9,05%).
Thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước tới nay. Tính đến hết tháng 6, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 100,73 nghìn tỷ đồng, bằng 57% dự toán Trung ương giao (173,5 nghìn tỷ đồng) cao hơn mức bình quân cả nước 52,8%, tăng 18% so cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đóng góp của các ngành dịch vụ, đặc biệt của các ngành có giá trị gia tăng lớn chưa bền vững. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh một số địa phương trong vùng đạt mức trung bình thấp của cả nước.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho biết, Đà Nẵng đã ký kết liên kết với tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, tập trung vào kết nối giao thông giữa Đà Nẵng với các địa phương của Quảng Nam và địa phương của Thừa Thiên Huế; đặc biệt là liên kết giữa tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế trong phát triển du lịch với hình ảnh “Ba địa phương-Một điểm đến”.
Ông Đặng Việt Dũng cũng cho rằng, bên cạnh những mặt đã đạt được trong việc liên kết giữa các tỉnh, thành phố miền Trung, việc xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế-xã hội lớn của khu vực miền Trung, một đô thị có bản sắc riêng, mang tầm vóc quốc tế vẫn chưa đạt được, còn có khoảng cách giữa thực tế so với mục tiêu được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ chính trị (khóa IX) và nay là Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII).
Để Đà Nẵng trở thành Trung tâm của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đề nghị Chính phủ, các Bộ, ban ngành sớm đề xuất các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù riêng cho không chỉ thành phố Đà Nẵng mà tất cả các tỉnh miền Trung để trình Quốc hội, Chính phủ thông qua theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.
"Chính phủ cần tăng cường vai trò điều phối, thúc đẩy các địa phương phối hợp trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế vùng. Việc bảo đảm bộ máy của vùng đủ thực quyền, trong đó thực quyền ra quyết định cũng như thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch và quản lý, phân bổ ngân sách phát triển là một trong những tiền đề quan trọng nhằm tăng cường liên kết vì sự phát triển chung của Vùng KTTĐ miền Trung”, ông Đặng Việt Dũng đề nghị.
TRỌNG HÙNG