Thời gian qua, Đà Nẵng đã từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa (TCVH) cơ sở, tạo điều kiện để địa phương thực hiện các hoạt động văn hóa, thể thao. Tuy nhiên, để thực hiện Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2558/QĐ-UBND ngày 11-5-2017 và quyết định phê duyệt mạng lưới thiết chế văn hóa cấp cơ sở của UBND thành phố đối với địa phương, các ngành chức năng cần có kế hoạch đầu tư cụ thể và chủ động bố trí nguồn vốn hằng năm của địa phương triển khai thực hiện.
Đầu tư thiết chế văn hóa góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Trong ảnh: Trẻ em ở 2 thôn Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) háo hức ở khu vui chơi mới được lắp đặt. Ảnh: THANH TÌNH |
Tính đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng có 7/8 quận, huyện (trừ huyện Hoàng Sa) đã được quy hoạch bố trí đất xây dựng Trung tâm Văn hóa-Thể thao (VHTT) bảo đảm về diện tích và các hạng mục theo quy định. 7 quận, huyện đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm VHTT.
Trong đó, các quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Thanh Khê và huyện Hòa Vang, mỗi địa phương có 2 cơ sở; các quận còn lại có 1 cơ sở tập trung; riêng Trung tâm VHTT quận Liên Chiểu mới hoàn thành giai đoạn 1 (Nhà thi đấu đa năng) và đưa vào hoạt động tháng 9-2018, hiện đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng.
5/7 Trung tâm VHTT quận, huyện có bể bơi (Hải Châu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu); một số Trung tâm VHTT cũng được đầu tư nhà văn hóa, thư viện… tạo điều kiện để địa phương thực hiện các hoạt động văn hóa, thể thao.
Ông Huỳnh Bá Dương, Giám đốc Trung tâm VHTT quận Ngũ Hành Sơn phấn khởi cho biết: “Kể từ khi thành lập quận đến nay, đây là lần đầu tiên Ngũ Hành Sơn có thư viện. Hiện nơi đây trang bị bàn ghế, 12 giá sách với hơn 4.000 bản sách, một số tạp chí, sách báo; mở cửa từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần phục vụ nhu cầu đọc sách của người dân”.
Tương tự, Trung tâm VHTT quận Sơn Trà cũng được đầu tư về cơ sở vật chất như cải tạo cỏ nhân tạo cho sân bóng đá, lát vỉa hè xung quanh, đầu tư giai đoạn 2 nhà văn hóa... Ông Vũ Thế Hệ, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT quận Sơn Trà cho biết, Nhà văn hóa có một hội trường gần 900 ghế, trang bị âm thanh, ánh sáng hiện đại. Hiện đang có một đơn vị thực hiện thử nghiệm chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch.
“Khi các hạng mục của nhà văn hóa hoàn thiện thì sẽ tạo điều kiện hoạt động hiệu quả hơn. Cùng với thiết chế văn hóa cấp quận, một số thiết chế văn hóa cấp phường được đầu tư theo hình thức xã hội hóa hoạt động hiệu quả, thu hút được sự tham gia sinh hoạt, vui chơi, giải trí của đông đảo người dân”, ông Hệ nói.
Khó hoàn thành mục tiêu quy hoạch đến năm 2020
UBND thành phố đã có Quyết định số 2558/QĐ-UBND ngày 11-5-2017 về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; bên cạnh đó, cũng đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa thể thao cho 7/8 quận, huyện (trừ huyện đảo Hoàng Sa).
Tuy nhiên, một số thiết chế khó hoàn thành theo mục tiêu của quy hoạch đề ra đến năm 2020. Cụ thể, mục tiêu đề ra đến năm 2020 là 100% các Trung tâm VHTT quận, huyện được đầu tư và hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Song hiện nay, hầu hết các Trung tâm VHTT các quận, huyện đều chưa được đầu tư hoàn thiện (quận Hải Châu đạt 90%, quận Thanh Khê đạt 70%, quận Cẩm Lệ 70%, quận Liên Chiểu đạt 50%, quận Sơn Trà đạt 60%, quận Ngũ Hành Sơn đạt 70%, huyện Hòa Vang đạt 80%), việc đầu tư chủ yếu tập trung vào các hạng mục kiến trúc, phần trang thiết bị chuyên dùng hầu như chỉ được đầu tư ở mức độ cơ bản, không đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Nhà văn hóa và thư viện Ngũ Hành Sơn vừa được khánh thành, đưa vào sử dụng tháng 7-2019. |
Đối với thiết chế văn hóa thể thao cấp phường, xã thì mục tiêu của thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, 80% phường, xã có thiết chế Trung tâm VHTT, 20% các phường còn lại có Nhà văn hóa; trong đó, được đầu tư trang thiết bị và dành tối thiếu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em.
Nhưng hiện nay, việc đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu đề ra: Cấp quận, huyện chủ yếu tập trung vào các hạng mục kiến trúc, phần trang thiết bị chuyên dùng hầu như chưa được đầu tư bảo đảm yêu cầu; cụ thể: quận Hải Châu đạt 50%, quận Thanh Khê đạt 60%, quận Cẩm Lệ đạt 40%, quận Liên Chiểu đạt 30%, quận Sơn Trà đạt 40%, quận Ngũ Hành Sơn đạt 30%, huyện Hòa Vang đạt 75%...
Cũng theo quy hoạch, mỗi phường, xã được phê duyệt quy hoạch từ 2 đến 3 điểm thiết chế văn hóa, riêng một vài địa bàn do quỹ đất hẹp nên bố trí 1 điểm. Tổng số điểm quy hoạch là 138 điểm/56 phường, xã. Nhưng một số vị trí đất đã bị thay đổi chức năng sử dụng, vướng đền bù giải tỏa hoặc chưa được bố trí do dự án chưa được triển khai (quận Hải Châu 6 vị trí thay đổi, quận Thanh Khê 4 vị trí thay đổi, quận Cẩm Lệ 1 vị trí thay đổi, quận Sơn Trà 3 vị trí, huyện Hòa Vang 1 vị trí).
Trước thực tế trên, Sở Văn hóa-Thể thao thành phố đã tham mưu, đề xuất thành phố điều chỉnh mục tiêu quy hoạch đến năm 2022, tầm nhìn đến 2030 (thay vì quy hoạch đến năm 2020). Trong đó, chú trọng đề xuất quy hoạch và xây dựng Trung tâm Văn hóa thành phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đồng thời, đầu tư hoàn thiện Trung tâm VHTT cấp quận đến năm 2020 và các Trung tâm VHTT, nhà văn hóa, khu thể thao cấp phường trên địa bàn quận đến năm 2022. Đối với các địa điểm thay đổi mục đích sử dụng cần có đề xuất địa điểm thay thế để giữ đất đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cho người dân.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ