Nỗi lo rác thải đổ xuống các sông ở Quảng Nam

.

Trong những ngày qua, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã thu gom, tiêu hủy 3 xác heo dịch đã thối rữa từ thượng nguồn trôi về, tấp vào bờ đông sông Hàn (đoạn gần cầu Rồng) và nhiều bao nilon đựng rác thải sinh hoạt lẫn trong các đám bèo tây trôi trên sông.

Theo tìm hiểu, tại tỉnh Quảng Nam đang có cuộc “khủng hoảng” về rác do người dân chưa thống nhất cho bãi rác lớn nhất của tỉnh hoạt động trở lại và dịch tả heo châu Phi đang hoành hành tại các địa phương. Tình trạng vứt rác thải và xác heo dịch xuống các sông ở Quảng Nam dấy lên lo ngại về chất lượng nguồn nước sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng.

Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom bèo, rác từ thượng nguồn trôi về sông Hàn. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom bèo, rác từ thượng nguồn trôi về sông Hàn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo phản ánh của người dân xã Điện Tiến và Điện Hồng, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), do người dân ở xã Tam Nghĩa chặn xe vận chuyển rác vào bãi rác Tam Xuân 2 (xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), người dân tập kết nhiều rác thải sinh hoạt ở cầu Cẩm Lý (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nhiều ngày và vứt nhiều bao đựng rác thải sinh hoạt xuống sông Yên.

Hiện nay, bãi rác Tam Xuân 2 (xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành) vẫn chưa hoạt động trở lại do đang khắc phục ô nhiễm môi trường theo yêu cầu của người dân. Đây là bãi rác lớn nhất và chủ yếu của tỉnh Quảng Nam nên gần như toàn bộ rác phát sinh trên địa bàn tỉnh phải đưa về bãi rác Tam Xuân 2, ngoại trừ huyện Đại Lộc (đưa về bãi rác Đại Hiệp).

Quảng Nam đang xảy ra tình trạng trữ lượng rác tồn đọng trong dân rất lớn. Trước tình hình đó, các đơn vị chức năng đã thuê xe tải đến thu gom rác thải trên cầu Cẩm Lý đem đến điểm tập kết rác tạm và lắp đặt biển hiệu đừng đổ rác.

“Hơn 1 tháng liền không được thu gom nên rác thải sinh hoạt tồn đọng tại nhà dân rất nhiều. Người dân tập kết rác ở đầu cầu Cẩm Lý nhưng không có xe đến chở, lâu dần thành một đống rác lớn. Nhiều người dân cũng tiện tay vứt nhiều bao đựng rác xuống sông Yên làm cả đoạn sông nổi lềnh bềnh rác rồi trôi về phía Đà Nẵng. Sau đó, cơ quan chức năng đã thu gom rác nhưng gần một tuần rồi chưa được thu gom rác, nên người dân đang tập kết rác tứ tung và có người vứt rác xuống sông cho trôi đi”, bà Phan Thị Tý (thôn Cẩm Văn Bắc, xã Điện Hồng) cho hay.

Hiện nay, UBND ở xã Điện Tiến và Điện Hồng (tỉnh Quảng Nam), đã chọn khu vực đất trống xa khu dân cư để làm bãi tập kết rác thải sinh hoạt tạm trong thời gian chờ tỉnh Quảng Nam vận động người dân xã Tam Nghĩa chấm dứt chặn xe vận chuyển rác vào bãi rác Tam Xuân 2; đồng thời, thông tin việc thu gom rác tạm trên hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền để người dân không vứt rác xuống sông Yên và vứt rác bừa bãi ra môi trường.

Ông Chung Thành Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam cho hay, do người dân vẫn chặn xe vận chuyển rác vào bãi rác Tam Xuân 2 nên công ty chỉ bảo đảm được việc thu gom rác thải sinh hoạt ở phường Vĩnh Điện, còn ở các phường, xã xung quanh và 2 xã Điện Tiến, Điện Hồng thì không thu gom được.

Công ty cũng chỉ bảo đảm thu gom rác tại các điểm tập kết rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Đại Lộc để đưa về bãi rác Đại Hiệp. “Chúng tôi chỉ thu gom được rác ở các điểm tập kết, còn rác mà người dân vứt lung tung và vứt xuống sông thì chúng tôi không thu gom được. UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chọn các điểm tập kết rác tạm, tiến hành thu gom rác trong các hộ dân để đưa về bãi tập kết tạm, chờ đưa về bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh”, ông Chung Thành Đông nói.   

Trong khi đó, cũng tại Quảng Nam, dịch tả heo Châu Phi đang bùng phát mạnh nên các địa phương khó khăn trong việc tiêu hủy. Hơn nữa, do ý thức của người dân ở nhiều nơi tại tỉnh Quảng Nam chưa cao nên họ vẫn còn vứt xuống sông cho trôi xuống hạ nguồn.

Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay, hiện nay, tình trạng rác tồn đọng tại các địa bàn dân cư là không riêng gì ở thị xã Điện Bàn mà còn ở tất cả các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

UBND thị xã Điện Bàn đã chỉ đạo các phường, xã chọn các điểm tập kết rác tạm, ở xa các khu dân cư để đưa rác về tập kết tạm và che phủ bạt, rải vôi… Kinh phí thu gom, vận chuyển rác về các bãi tập kết rác tạm và xử lý tạm thì thị xã sẽ hỗ trợ.

Tuy nhiên, một số địa phương làm chưa tốt chỉ đạo của UBND thị xã. Do đó, UBND thị xã đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã đi kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương thu gom, vận chuyển rác để bảo đảm vệ sinh môi trường. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền người dân không vứt rác bừa bãi xuống sông, hồ...

Trước tình trạng có một số xác heo dịch và rác thải sinh hoạt trôi từ thượng nguồn về sông Hàn, một số cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng cho biết, sẽ trao đổi với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam và đề nghị tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác thải sinh hoạt, xác heo dịch xuống sông Yên, Vu Gia...

Sau khi thu dọn xong rác thải sinh hoạt ở cầu Cẩm Lý (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), chính quyền địa phương đã làm biển hiệu đừng đổ rác.
Sau khi thu dọn xong rác thải sinh hoạt ở cầu Cẩm Lý (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), chính quyền địa phương đã làm biển hiệu đừng đổ rác.

Chiều 12-9, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh có một số xác heo dịch đã thối rửa, bốc mùi hôi, trôi trên sông Yên đoạn qua thôn An Trạch (xã Hòa Tiến) trong ngày 12-9, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Hòa Tiến sử dụng ghe di chuyển dọc bờ sông để thu gom các xác heo dịch và tiêu hủy theo đúng quy định. Ông Đặng Phú Hành cũng cho hay, xác heo dịch trôi về đoạn sông này nghi là từ tỉnh Quảng Nam.

Trước đó, vào ngày 7-9, UBND huyện Hòa Vang cũng đã chỉ đạo UBND xã Hòa Tiến thu gom, tiêu hủy theo đúng quy định các xác heo dịch nằm ở khu đất trống thuộc Khu dân cư Lệ Sơn Nam (xã Hòa Tiến), nghi là do người dân các xã thuộc thị xã Điện Bàn vứt ra môi trường.

Ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Đà Nẵng cho hay, dịch tả heo châu Phi tại thành phố Đà Nẵng đã thuyên giảm nhiều, số lượng heo chết, tiêu hủy ít và đều được các địa phương tiêu hủy theo đúng quy định nhưng dịch tả heo châu Phi đang hoành hành tại tỉnh Quảng Nam với số lượng heo bị chết rất nhiều.

“Chúng tôi sẽ trao đổi với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam để có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở các địa phương và người dân không vứt xác heo dịch xuống các dòng sông”, ông Cao Xuân Thái nói. Còn ông Đinh Quang Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, sẽ có trao đổi với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam để đề nghị các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác thải sinh hoạt xuống các dòng sông, nhất là sông Vu Gia và sông Yên.

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng cho hay, đã bố trí các dụng cụ ngăn rác ở phía trước cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ cũng như tại Trạm bơm phòng mặn An Trạch, bảo đảm không để rác thải sinh hoạt, xác heo dịch… trôi vào gần cửa thu nước. Đồng thời, trong quá trình thu nước và sản xuất, công tác quan trắc và bảo đảm các chỉ tiêu chất lượng nước được giám sát, thực hiện chặt chẽ. Đơn vị cam kết chất lượng nước cấp cho khách hàng bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

Bài và ảnh: NAM TRÂN

;
;
.
.
.
.
.