Phản hồi tích cực với mô hình thanh tra giao thông tại điểm dừng xe buýt

.

ĐNO - Từ cuối tháng 8-2019, Sở Giao thông vận tải và Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng thành phố Đà Nẵng (Datramac) triển khai thí điểm mô hình "thanh tra giao thông tại điểm dừng xe buýt". Đây được xem là mô hình mới trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông cho người dân.

sdsaD
Hình ảnh các ô-tô dừng đỗ ngay trên vạch dừng của xe buýt do Datramac ghi lại.

Theo ông Đặng Nam Sơn, Giám đốc Datramac, hiện nay tình hình vi phạm của các phương tiện ô-tô cá nhân dừng đỗ tại vị trí trạm dừng của xe buýt trên địa bàn thành phố ngày càng nhiều. Tình trạng này khiến xe buýt bị mất không gian dừng đỗ khi đón trả khách tại các trạm dừng cũng như gây bất tiện cho hành khách khi lên xuống xe buýt.

Nguyên nhân phần lớn do các tài xế không để ý và chưa nắm rõ các quy định về an toàn giao thông. Theo thống kê từ Datramac về các xe vi phạm dừng đỗ trong tuần 34 (từ ngày 16-8 đến ngày 22-8), có 6 phương tiện đỗ ngay tại vạch xe buýt ở các trạm: Phan Đăng Lưu (trước cổng Bệnh viện Mắt), 307 Lê Duẩn, trước khách sạn Azura trên đường Trần Hưng Đạo. Như vậy gần như ngày nào cũng có phương tiện vi phạm. 

Ông Sơn cho hay, bên cạnh việc phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý vi phạm, phía Datramac đã tiến hành lắp đặt mô hình thanh tra giao thông tại các điểm dừng xe buýt để cảnh báo nhằm hạn chế tình trạng vi phạm nói trên. Trước mắt, Datramac đã lắp đặt thí điểm mô hình đầu tiên tại trạm xe buýt tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng và Trường Sa - Thọ Quang trên đường Nguyễn Hữu Thọ trước Bệnh viện Quân y C17.

a
Mô hình thanh tra giao thông được dựng tại trạm xe buýt trước Bệnh viện Quân y C17.

Mô hình được triển khai từ cuối tháng 8-2019. Mỗi mô hình có kích thước gần như người thật, với trang phục đặc trưng của thanh tra giao thông kèm theo thông điệp tuyên truyền về hình thức xử phạt "Dừng xe, đỗ xe tại điểm dừng xe buýt sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng".

Theo ông Sơn, sắp tới Datramac sẽ triển khai lắp đặt thêm một số mô hình tương tự tại nhiều khu vực khác, đặc biệt là những nơi thường xuyên xảy ra vi phạm. Thời gian thí điểm dự kiến khoảng 1 tháng. "Sau thời gian thí điểm, nếu mô hình ghi nhận được hiệu quả tuyên truyền tích cực thì chúng tôi sẽ triển khai nhân rộng", ông Sơn cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Datramac, việc sử dụng hình ảnh cán bộ giao thông khá phổ biến ở nước ngoài, vì vậy, việc thí điểm mô hình tương tự tại Đà Nẵng được hy vọng sẽ nâng cao ý thức chấp hành luật an toàn giao thông cho các phương tiện giao thông công cộng. Sau hơn 1 tuần triển khai, phía Datramac ghi nhận những phản hồi tích cực từ người dân thông qua trang chủ Danabus trên mạng xã hội Facebook cũng như trên những chuyến xe buýt công cộng. 

Bài và ảnh: XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
.