Là địa bàn có nhiều dự án trọng điểm, công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) ở quận Sơn Trà hiện nay gặp khó khăn do vướng mắc phát sinh. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, từ nay đến cuối năm 2019, quận Sơn Trà cần nhiều giải pháp tháo gỡ với sự vào cuộc của Hội đồng GPMB quận cũng như các cơ quan liên quan.
Dự án khu tái định cư cuối tuyến đường Bạch Đằng Đông (phường Nại Hiên Đông) “treo” suốt 20 năm, đến nay từng bước tháo gỡ trong công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng. |
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Sơn Trà, khó khăn lớn nhất của địa phương là việc thiếu quỹ đất bố trí tái định cư (TĐC) cho hộ giải tỏa, cũng như sự chênh lệch quá lớn giữa giá trị đền bù và giá đất thực tế trên thị trường. Từ vướng mắc đó dẫn đến người dân thuộc diện giải tỏa, di dời không tìm được tiếng nói chung với cơ quan chức năng.
“Dự án kéo dài nhiều năm làm cho phương án TĐC tổng thể không còn phù hợp do việc đánh giá mức độ biến động về giá cả, giá trị đất TĐC tại thời điểm lập phương án không bắt kịp tình hình thực tế hiện nay.
Dự án vệt 200m từ cầu Sông Hàn ra biển, đơn giá đền bù đất là 2,8 triệu đồng/m2 (vị trí 1 đường Lý Thánh Tông), trong khi giá đất thị trường là 70-80 triệu đồng/m2. Các hộ dân thuộc diện giải tỏa thường kiến nghị đền bù, hỗ trợ vượt quá cao so với quy định trước đây và hiện nay”, ông Hùng nói.
Đến cuối tháng 7-2019, nhóm 1/2018 của quận Sơn Trà có 11 dự án, hoàn thành 5 dự án với số lượng hồ sơ bàn giao 90/131, còn lại 6 dự án. Nhóm 1/2019 có 9 dự án, mới chỉ có 14 hồ sơ bàn giao mặt bằng trên tổng số 239 hồ sơ, đạt tỷ lệ hoàn thành 5,9%, trong đó dự án dở dang từ năm 2018 kéo dài sang năm 2019 là 7 dự án với 120 hồ sơ; dự án mới triển khai năm 2019 là 2 dự án với 119 hồ sơ.
Nhóm 2/2019 có 13 dự án với khoảng 822 hồ sơ, thực hiện theo tiến độ được giao trong năm 2019-2020. Về điều chỉnh quy hoạch, theo ông Huỳnh Văn Hùng, một số dự án trên thực tế khi triển khai có điểm chưa phù hợp, nên Hội đồng GPMB quận đã đề nghị điều chỉnh quy hoạch cục bộ; tuy nhiên quá trình điều chỉnh này còn chậm so với tiến độ.
Đơn cử như tuyến đường 45m (đoạn nam Nguyễn Công Trứ), KDC An Cư 4 (đoạn tuyến 10,5m phần còn lại và tuyến 7,5m nối từ đường Hoàng Bích Sơn đến đường 30m), KDC nam đường Phan Bá Phiến liên quan đến điều chỉnh khu phân lô...
Dự án khu tái định cư cuối tuyến đường Bạch Đằng Đông (phường Nại Hiên Đông) “treo” suốt 20 năm, đến nay từng bước tháo gỡ trong công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng. |
Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Chủ tịch UBND quận Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng GPMB quận cho biết, Hội đồng GPMB quận tích cực vận động người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải tỏa; đồng thời kiến nghị thành phố cũng như các cơ quan chức năng sớm quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ.
“Đối với việc giải tỏa số hộ thu hồi đất một phần không được bố trí TĐC, quận kiến nghị thành phố xem xét việc giao các đơn vị chuyên môn nghiên cứu đề xuất đền bù theo giá mới tại Quyết định số 06/2019/QĐ-UBND của UBND thành phố. Đối với hộ đi hẳn, bên cạnh tích cực vận động, quận sẽ báo cáo xin ý kiến thành phố xử lý từng trường hợp cụ thể. Việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ đối với một số dự án, quận đề nghị UBND thành phố đẩy nhanh việc phê duyệt để dự án kịp tiến độ đề ra”, bà Tâm nói.
Đối với quỹ đất TĐC, hiện các loại đường 5,5m và 7,5m, đặc biệt tại khu vực các phường An Hải Tây, Phước Mỹ, An Hải Đông và An Hải Bắc, thiếu nhiều so với nhu cầu để lập phương án TĐC đối với dự án mới triển khai, cũng như giải quyết kiến nghị đối với hộ giải tỏa thuộc dự án đang triển khai dang dở.
Dự kiến, số lô loại đường 5,5m hiện đang thiếu so với nhu cầu các dự án là 255 lô. “UBND quận kiến nghị UBND thành phố xem xét việc quy hoạch để tạo quỹ đất TĐC tại dự án KDC An Nhơn 1, cân đối quỹ đất trên địa bàn toàn thành phố để lập phương án TĐC trong thời gian đến”, bà Thanh Tâm cho biết.
Theo báo cáo chuyên đề số 193/UBND-ĐTĐT ngày 29-7-2019 do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng ký về tình hình thực hiện công tác GPMB trên địa bàn thành phố, nổi lên những khó khăn như: các dự án tồn đọng hiện nay đa phần là dự án trọng điểm nên buộc đẩy nhanh tiến độ, khiến công việc nhiều. Dự án kéo dài nhiều năm nên chênh lệch giá trị đền bù lớn do trượt giá cũng như hộ giải tỏa kiến nghị hỗ trợ chênh lệch giá, không hợp tác. Công tác điều chỉnh quy hoạch cục bộ, việc khảo sát, xác định ranh giới và lập quy hoạch chưa được chặt chẽ. Chính sách bồi thường, hỗ trợ TĐC của thành phố thay đổi nhiều, trong khi công tác tuyên truyền còn hạn chế. Bên cạnh đó, còn có những khó khăn khách quan như bộ máy tổ chức công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC ở quận, huyện chưa ổn định... |
Bài và ảnh: TRỌNG HUY