Chiều 12-9, tại phiên toàn thể của Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, hướng đến cột mốc năm 2030, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng về sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà lãnh đạo và khung cảnh hội nghị sử dụng đồ tái chế để trang trí, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP |
Nếu không phát triển nhanh thì sẽ tụt hậu so với thế giới nhưng phải phát triển bền vững, Thủ tướng nêu rõ quan điểm. Trong 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên.
Thủ tướng cho rằng, tình trạng khai thác và sử dụng kém hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm ô nhiễm môi trường, mất cân đối các hệ sinh thái còn diễn ra ở nhiều nơi. Nhìn toàn diện cả những thành tựu, mặt tích cực và cả những tồn tại, hạn chế nêu trên để thấy rằng một thập niên qua chúng ta đã có những chuyển biến đáng khích lệ, có nhiều bước tiến trong phát triển bền vững nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để thực hiện một thập niên tới bền vững hơn nữa, tốt hơn nữa.
Thủ tướng đề nghị, cần thống nhất về nhận thức và hành động trong tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển bền vững; tập trung chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững, đặc biệt là “đưa con người vào trung tâm của phát triển bền vững”. “Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị và mọi thành phần trong xã hội”. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu để chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là trọng tâm, nội dung xuyên suốt trong chiến lược kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 với kế hoạch, các nhiệm vụ cụ thể. Cần tăng tốc quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nghèo, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững. Hành động cùng cộng đồng quốc tế, sớm đưa thoả thuận Paris về ứng phó biến đổi khí hậu trở thành hiện thực. Lồng ghép và đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, đặc biệt mục tiêu số 13 là ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai và mục tiêu số 14 là bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển phát triển bền vững trước năm 2030. Cần thực hiện đồng bộ các chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nghèo bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ cho sự phát triển bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cho người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa, cả về thể lực và trí lực, đạt mục tiêu thiên niên kỷ đã cam kết về phát triển con người. Tăng cường hiệu suất, hiệu quả làm việc của mọi khu vực trong nền kinh tế, đặc biệt là khu vực Nhà nước. Đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới hình thành Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số như xu hướng thế giới hiện nay. Hoàn thiện khung khổ pháp lý và môi trường kinh doanh, có chính sách đột phá để khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hỗ trợ mọi người dân, doanh nghiệp phát huy khả năng sáng tạo, sản xuất ra của cải vật chất, xây dựng một xã hội thịnh vượng.
Xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, tiêu dùng hướng đến mô hình kinh doanh, kinh tế phi phát thải. Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 nhưng triển khai trong thực tế còn hạn chế, vì vậy, cần có các chính sách mạnh để khuyến khích các hoạt động sản xuất, tái sản xuất và tái sử dụng có lợi.
Thủ tướng cho rằng toàn cầu hóa và xu hướng công nghệ cùng với những mô hình kinh doanh có tính đột phá, làm thay đổi căn bản nhiều tư duy và phương pháp tiếp cận kinh doanh giúp cho hoạt động kinh tế dân sự trở nên tối ưu và bền vững hơn. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa cội nguồn, bản sắc dân tộc vẫn sẽ trường tồn, là thứ làm nên sự khác biệt có tính bền vững, là giá đỡ cho sự thịnh vượng kinh tế lâu dài, là bệ phóng cho những tiến bộ của chúng ta trong thế kỷ 21 và xa hơn.
Chinhphu.vn