Đường vào đình Hương Lam tứ bề bị vây kín bởi nhà dân. Anh Phạm Thế Quý, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Hương Lam bảo, chừ muốn vô đình phải đi nhờ qua cái xưởng cưa bên hông đình. Trưa, mái tôn che trước sân đình khét lẹt mùi nắng. Đình vừa được phục dựng tạm vào năm 2018 trên nền đất cũ. Màu vôi hãy còn mới lắm.
Đã bước qua tuổi trên trăm nhưng giọng cụ Trần Thị Thống (giữa) vẫn còn sang sảng khi kể chuyện xưa. |
Ông Nguyễn Công Em năm nay xấp xỉ tuổi 85, một trong những vị cao niên làng Hương Lam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, đón chúng tôi bằng nụ cười lên lão: “Thế hệ chúng tôi lớn lên từ mái đình làng. Đó là những ngày tháng Chạp theo cha ra đình xem hát bội, được ăn nắm xôi nếp mới còn tươi nguyên mùi ruộng đồng. Là những đêm chong đèn dầu nơi hậu tẩm đình làng cùng các anh em đồng chí trong đội du kích xã bàn chuyến chống càn. Rồi cũng từ mái đình này, chúng tôi tạm biệt gia đình, làng xã ra đi…”.
Dường như mỗi lời tâm sự của ông Em như một cơn gió hiếm hoi giữa trưa hè thổi bay lớp bụi thời gian chở lòng người về trăm năm cũ.
Hồn xưa cốt cũ
Ngồi cùng tôi dưới mái đình làng lợp tôn nóng hâm hấp trên khoảnh đất hơn mấy chục mét vuông hôm ấy ngoài ông Nguyễn Công Em, còn có anh Phạm Thế Quý, Bí thư kiêm Trưởng thôn Hương Lam. Quẩn quanh về chuyện đình, chuyện làng chẳng mấy chốc đã làm mấy người chúng tôi quên hẳn cái nắng tháng Tám quắt quay giữa trưa đứng bóng.
Cả xã Hòa Khương ngày ấy có 4 đình làng. Đó là đình La Châu, Phú Sơn, Diên Sơn và Hương Lam; trong đó, đình Hương Lam thuộc hàng “hoành tráng” nhất. Cái hoành tráng của đình Hương Lam ngày trước không chỉ vì tọa lạc trên mảnh đất ngót nghét 1.000 mét vuông mà còn ở lối kiến trúc cổ xây bằng gạch, cuốn vòm, lợp ngói âm dương vô cùng vững chãi nhìn ra cánh đồng…
Mặc cho lũ ve cuối hè kêu riết róng trên hàng tre, câu chuyện của ông Em dẫn dắt người nghe quay lại những tháng ngày xưa cũ. Trong ký ức của ông, đình Hương Lam ngày trước to lắm. Năm 1952, Pháp thả bom phá nát nhà thờ làng bên cạnh nhưng đình vẫn thi gan cùng bom đạn. Phải đến năm 1969, chiến tranh đến hồi ác liệt nhất, Mỹ cho xe ủi đến cày, đập phá đình, lấy đá vá lấp đường. Chẳng là lúc ấy, du kích thường xuyên đặt mìn đánh phá con đường 14B nhằm cắt đứt giao thông, ngăn chặn đường hành quân của địch…
Ngày trước, đình là nơi đóng trụ sở các cơ quan huyện, xã trong hai cuộc kháng chiến, cũng là nơi xử cường hào ác bá và giam giữ lính Nhật, Pháp. “Hồi nhỏ bọn con nít tụi tui hay chạy ra đình chơi để dòm mặt thằng Pháp, thằng Nhật ra răng mà ác dữ rứa…”, ông Em nhớ lại. Sau này lớn lên tham gia du kích xã, đình làng chính là nơi đêm đêm ông Em cùng đồng đội bàn bạc kế hoạch vây đồn Gò Cà bắn tỉa khiến cho địch khiếp sợ.
Hơn một trăm năm qua, mái đình Hương Lam không chỉ là nơi neo đậu của hồn làng mà còn là nơi dưỡng nuôi tinh thần quật khởi của nhiều thế hệ. Ông Em vẫn còn nhớ như in những đêm hội làng thùng thình tiếng trống. Những đứa trẻ độ tuổi như ông hồi ấy, từ chiều đã giục mẹ nấu cơm ăn sớm để còn ra đình “xí chỗ” xem hát bội. Những vở tuồng Lục Vân Tiên, Tống Thái Tổ trảm Trịnh Ân… do đội tuồng ông Nguyễn Công Cẩm diễn tại sân đình vào mỗi dịp cúng đình 20 tháng Chạp hằng năm vẫn mãi là ký ức đẹp. Hồi đó, ông Cẩm không chỉ là thầy dạy chữ trong làng ngày trước gọi hương sư mà còn là người hát tuồng rất hay. Những vở tuồng ông diễn bao giờ cũng hừng hực khí thế đánh giặc.
Thú thật, không thể hình dung được chỗ tôi đang đứng đã từng là nơi tọa lạc của ngôi đình Hương Lam mang trên mình bao nghiệt ngã của chiến tranh. Dấu vết duy nhất giúp tôi có thể chạm vào quá khứ huy hoàng của ngôi đình là vỉa gạch cổ nâu thẫm màu thời gian còn sót lại sau bức tường mới xây do phục dựng tạm để có chỗ hương khói vào năm 2018.
Khi tôi hỏi một số người dân Hương Lam về tuổi của ngôi đình thì ai cũng bảo, từ lúc sinh ra đãthấy đình làng xanh rêu mái ngói. Đình xưa dẫu không còn nhưng ký ức về hồn cốt một mái đình vẫn còn nguyên vẹn đâu đó trong trí nhớ của những thế hệ dân làng như ông Em, anh Quý…
Tiếng vọng thời gian
Từng nghe kể đình Hương Lam không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của dân làng mà còn là “địa chỉ đỏ” cách mạng trong hai cuộc kháng chiến. Nên lần này về Hương Lam, tôi cố đi tìm tiếng vọng của mái đình xưa ở những người muôn năm cũ.
Cô Thu Trang, cán bộ phụ trách công tác xã hội xã Hòa Khương, đưa tôi về thôn Phú Sơn 2 thăm cụ Trần Thị Thống, một trong những cán bộ tiền khởi nghĩa còn “sót” lại ở vùng đất này. Cụ Thống sinh năm 1908, người đã sống hơn một thế kỷ với một hồi ức tươi rói về những ngày đầu cướp chính quyền 1945, rồi những cuộc đấu tranh, biểu tình của nhân dân Hòa Khương mà khởi đầu bao giờ cũng tại đình Hương Lam.
Ông Nguyễn Công Em (phải) và anh Phạm Thế Quý trước đình Hương Lam vừa được dựng tạm để có nơi hương khói. |
Sáng ngày 16-8-1945, cụ gói cơm sắn, muối mè, mặc áo bà ba, đội nón lá, vai khoác khẩu súng trường duy nhất của đội tự vệ , kéo chị em trong tổ Phụ nữ Cứu quốc đi biểu tình. Xuất phát từ đình Hương Lam xuống Lệ Sơn (nay thuộc xã Hòa Tiến) rồi qua Trảng Nhật (nay thuộc xã Điện Thắng Trung), đoàn biểu tình hô vang khẩu hiệu “Đánh đổ phát xít Nhật”, “Việt Nam muôn năm”. Trên đường đi có kéo đến nhà Chánh tổng Dương Chiên ngay bên chợ Ngã Tư làng Phú Sơn, buộc y phải đầu hàng và giao nộp triện đồng, sổ sách.
Đoàn biểu tình tiếp tục đi cướp chính quyền các xã quanh vùng. Đến ngày 24-8, cụ Thống hòa mình trong 5.000 người tham dự lễ ra mắt UBND Cách mạng Lâm thời huyện Hòa Vang tại sân vận động Cẩm Toại, tổng An Phước, nay thuộc xã Hòa Phong. Quốc khánh 2-9 năm đó, cụ đã đứng trên lễ đài kêu gọi phụ nữ đi học bình dân và bản thân cụ ngay sau đó cũng tham gia diệt giặc dốt.
111 năm tuổi đời, 71 năm tuổi Đảng, cụ Thống là cây đại thụ trong những cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống ở Hòa Vang. Nếu đình Hương Lam là một trong những trụ cột của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở tổng An Phước xưa thì cụ chính là tiếng vọng có tuổi đời tính bằng thế kỷ của một thời hào hùng, bất khuất.
Chiến tranh đã đi qua lâu lắm rồi. Bây giờ đình xưa chỉ còn là phế tích. Những người “muôn năm cũ” dù kẻ còn người mất nhưng họ đã viết lên câu chuyện một đời đình, một đời người lẫm liệt lắm thay…
Năm 1954, cụ Trần Thị Thống tập kết ra Bắc mang theo nỗi nhớ về một mái đình Hương Lam hào sảng trong những ngày đánh Pháp. Bây giờ tuổi cao sức yếu, câu chuyện về khúc tráng ca dưới mái đình trăm tuổi vẫn thường được cụ kể cho con cháu nghe. Mới năm ngoái đây thôi, cụ vẫn còn sang sảng kể chuyện biểu tình, giành chính quyền năm 1945 ở hội trường UBND xã Hòa Khương nhân kỷ niệm 108 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ. |
Ghi chép của Như Hạnh