65 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI (10-10-1954 - 10-10-2019)

Xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh

.

Cách đây 65 năm, ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, mở ra trang sử mới của thủ đô và cả nước. Qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn và toàn diện, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước, bạn bè quốc tế...

Nhìn lại quá trình phát triển của thành phố từ mốc son rực rỡ này, càng thấy rõ điểm tựa để Hà Nội phát triển như hôm nay chính là tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường không bao giờ lùi bước trước khó khăn của các thế hệ cán bộ, nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Một góc Thủ đô Hà Nội hôm nay. 			                                        Ảnh tư liệu
Một góc Thủ đô Hà Nội hôm nay. Ảnh tư liệu

Ngay trong những ngày đầu tiên trở về thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Hà Nội: “Cả nước nhìn về thủ đô ta. Thế giới nhìn vào thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch, 65 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô đã ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trung tâm, trái tim của cả nước. Thấu suốt nhiệm vụ xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại, Hà Nội đã nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, phát huy truyền thống cách mạng.

Với tinh thần độc lập, tự chủ, dựa vào sức mình là chính, Hà Nội đã đi tiên phong trong công cuộc đổi mới đất nước, mở ra thời kỳ phát triển mới năng động và sáng tạo, với những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thành phố đã bảo đảm điều kiện tiên quyết và cơ bản để phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội cho thủ đô và cả nước. Đó là sự ổn định về chính trị, bảo đảm an ninh-quốc phòng, trật tự đô thị và an toàn xã hội; thực hiện các giải pháp tích cực phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, từng bước ổn định và cải thiện đời sống nhân dân; có bước tiến mới trong xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị, xây dựng nếp sống văn minh; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, giữ vững kỷ luật, nâng cao vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể...

Đặc biệt, ngày 1-8-2008 đánh dấu mốc son lịch sử mới, mở ra thời kỳ phát triển giàu tiềm năng của Hà Nội. Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, thành phố Hà Nội chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Hơn 10 năm qua, Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu đi đầu trên mọi lĩnh vực, đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước. Kinh tế thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Theo phương châm “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, thủ đô đã mở rộng liên kết với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Kinh tế của thủ đô liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, phát triển theo hướng bền vững. Hà Nội đang tận dụng tối đa cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm chú trọng phát triển kinh tế tri thức, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế. Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp... phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao. Xây dựng và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ; văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh-quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị ở thủ đô không ngừng lớn mạnh; công tác đối ngoại được mở rộng và phát triển.

Thành phố Hà Nội luôn chủ động hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, đóng góp quan trọng vào công tác đối ngoại của đất nước; đi đầu trong các hoạt động đa phương, là một trong ba tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; thiết lập, mở rộng quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố của các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hợp tác thường xuyên, có hiệu quả với nhiều thủ đô, thành phố các nước láng giềng, ASEAN, châu Âu, châu Mỹ; là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế lớn, quan trọng trên thế giới và khu vực. Do vậy, Hà Nội luôn giữ được ấn tượng đặc biệt và có vị thế cao trong danh mục thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới về chiều sâu lịch sử và bản sắc văn hóa, về thành tích và chiến công...

Công tác cải cách hành chính của Hà Nội có nhiều chuyển biến rõ rệt, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ngày càng nâng cao. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đã có bước tiến mạnh mẽ, nền tảng của chính quyền điện tử cơ bản được hình thành, thúc đẩy công tác cải cách hành chính ngày càng có hiệu quả. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tập trung chỉ đạo kiên quyết, đồng bộ, phát huy tốt vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.

Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ Hà Nội đặc biệt quan tâm, chú trọng, trên cơ sở thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngày 30-10-2016 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 15-5-2016 về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Hà Nội còn đi đầu cả nước trong công tác xây dựng Đảng, nổi bật là việc ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP. Hà Nội”; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; triển khai đánh giá cán bộ hằng tháng trong toàn hệ thống chính trị...

Trải qua 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của cả nước. Với vị thế là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội phấn đấu bảo đảm ổn định vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa toàn diện, bền vững; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc nghìn năm văn hiến, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

D.M tổng hợp
 

;
;
.
.
.
.
.