Bước tiến trong dịch vụ hành chính công

.

Đề án rà soát, chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công mà các cơ quan hành chính Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội có đủ năng lực đảm nhiệm do UBND thành phố ban hành (gọi tắt là Đề án), hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá trong việc đẩy nhanh dịch vụ hành chính công, tạo sự hài lòng hơn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đây cũng là bước đi tiên phong trong cải cách hành chính (CCHC) của thành phố.

Xã hội hóa dịch vụ công sẽ giúp giảm tải khối lượng công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức các sở, ngành.  Trong ảnh: Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Xã hội hóa dịch vụ công sẽ giúp giảm tải khối lượng công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức các sở, ngành. Trong ảnh: Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Với những chỉ đạo quyết liệt, tại thành phố Đà Nẵng, công tác tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn từ giai đoạn 2000 đến nay thực hiện theo quy định của Trung ương. Gần 20 năm qua, biên chế thành phố cơ bản không có nhiều biến động.

Trong điều kiện Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tinh giản bộ máy thì việc chuyển giao nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công được xem là một giải pháp cốt lõi để cải cách hoạt động công vụ, từng bước hoàn thiện cơ chế vận hành bộ máy hành chính đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Đề án nhằm xây dựng bộ máy quản lý Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công trên địa bàn thành phố; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Yêu cầu quan trọng mà Đề án hướng đến đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ hành chính công, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận, thực hiện dịch vụ hành chính công.

Nội dung chuyển giao dịch vụ hành chính công trên một số lĩnh vực mà Đề án nêu ra như: giao thông vận tải; văn hóa, thể thao; du lịch và các dịch vụ hành chính công về cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ chuyên môn thuộc các lĩnh vực xây dựng, y tế.

Cụ thể, đối với lĩnh vực giao thông vận tải, có thể áp dụng thực hiện cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ an toàn, chứng nhận về điều kiện kỹ thuật; các công việc liên quan đến sát hạch lý thuyết, thực hành trong cấp giấy chứng nhận trên các lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt đô thị, vận tải thuộc phạm vi quản lý.

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ về chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình, cấp và cấp lại thẻ nhân viên chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình. Đối với lĩnh vực du lịch, thủ tục cấp giấy chứng nhận cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch và hướng dẫn viên du lịch quốc tế; cấp mới, cấp lại, cấp đổi thẻ đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên du lịch quốc tế…

Giảm tải cho cán bộ, công chức

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Sở thống nhất và thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố về việc chuyển thủ tục cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ về chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ); cấp, cấp lại thẻ nhân viên chăm sóc nạn nhân BLGĐ cho doanh nghiệp và tổ chức xã hội thực hiện.

Đây là giải pháp nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố; đồng bộ công tác quản lý các dịch vụ hành chính công từ Trung ương đến địa phương.

Xã hội hóa dịch vụ công sẽ giúp giảm tải khối lượng công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức các sở, ngành. Trong ảnh: Người dân đến giao dịch tại Sở Tài nguyên và Môi trường, thuộc Trung tâm Hành chính thành phố.  Ảnh: LAM PHƯƠNG
Xã hội hóa dịch vụ công sẽ giúp giảm tải khối lượng công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức các sở, ngành. Trong ảnh: Người dân đến giao dịch tại Sở Tài nguyên và Môi trường, thuộc Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Mặt khác, việc cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc nạn nhân BLGĐ phù hợp với chuyên môn về chăm sóc sức khỏe y tế, do đó sẽ phù hợp với các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội có chức năng chuyên môn về chăm sóc sức khỏe y tế. Cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực gia đình chỉ quản lý chung, không nhất thiết phải thực hiện dịch vụ hành chính công này.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Chánh Văn phòng Sở Du lịch thành phố, Đề án sẽ tạo bước đột phá và cần thiết trong cải cách hành chính, trong đó có liên quan đến lĩnh vực du lịch.

Theo bà Thủy, sau khi UBND thành phố ban hành Đề án, Sở Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành rà soát các thủ tục hành chính (TTHC) sẽ được chuyển giao theo quy định của Đề án; đồng thời chủ động tham mưu đề xuất chuyển giao đối với các lĩnh vực, các TTHC khác để chuyển giao và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án theo đúng lộ trình đề ra.

“Chắc chắn hiệu quả trong công tác CCHC mang lại là rất lớn, đặc biệt là tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức của người dân khi thực hiện TTHC. Mặt khác, các sở, ban, ngành của thành phố không những giảm tải được khối lượng công việc, mà còn giảm số công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” của các đơn vị”, bà Thủy nói.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Chánh văn phòng Sở Giao thông vận tải cho rằng, sở rất muốn dịch vụ công này phát triển. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đã thực hiện chuyển giao cho doanh nghiệp ngoài Nhà nước thực hiện một số dịch vụ công (trả kết quả qua bưu điện).

Trong đề án này, Sở Giao thông vận tải có 2 thủ tục liên quan đến Phòng Quản lý vận tải phương tiện người lái và Cảng vụ đường thủy nội địa.

Đối với quản lý vận tải phương tiện người lái, hiện nay sở cũng đang thực hiện dịch vụ công cấp 4, người dân làm trực tiếp trên mạng, sau khi hoàn thành các thủ tục từ mạng nội bộ, sở sẽ chuyển phát thủ tục cho người dân mà không cần phải đến cơ quan hành chính công. Theo bà Hà, việc thực hiện Đề án là tốt, nhưng cần phải thí điểm một thời gian, sau đó tiến hành khảo sát, đánh giá lại để kiểm định năng lực thực sự của doanh nghiệp nắm bắt, triển khai.

“Việc thực hiện ở một số lĩnh vực dịch vụ công đi kèm có thể được, nhưng một số lĩnh vực đi sâu vào chuyên môn, chuyên ngành cần phải hết sức thận trọng. Khi triển khai, sẽ kêu gọi các doanh nghiệp có nhu cầu đến để kiểm tra năng lực thì mới có thể chuyển giao được”, bà Hà nói.

Thực tế hằng ngày, đội ngũ cán bộ, công chức phải giải quyết rất nhiều công việc. Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế dẫn đến mỗi cán bộ, công chức phải giải quyết thêm nhiều phần việc khác. Điều này gây áp lực rất lớn đến chất lượng và tiến độ xử lý công việc. Theo ông Nguyễn Thanh Vinh, người dân phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), thành phố ban hành Đề án là tín hiệu vui, góp phần giảm áp lực cho cơ quan hành chính Nhà nước, tiến đến tinh gọn bộ máy.

Còn theo TS Nguyễn Hoàng Thân, Phó khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), việc xã hội hóa dịch vụ công giúp giảm bớt gánh nặng cho cán bộ, công chức. Để chất lượng dịch vụ công đạt hiệu quả cao và người dân hài lòng thì cần xem xét, lựa chọn doanh nghiệp, tổ chức đủ năng lực, trình độ. Mặt khác, khi các doanh nghiệp, tổ chức không còn phù hợp, không nhận được đánh giá cao từ người dân thì phải có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

Giảm tiêu cực, vòi vĩnh

ThS. Phạm Thị Thu Hà, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, chủ trương hướng đến xã hội hóa một số dịch vụ hành chính công của thành phố được xem là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển. “Trước đây, có tình trạng nhờ vả, đưa phong bì để được giải quyết nhanh, sinh ra tình trạng vòi vĩnh ở một bộ phận cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, khi xã hội hóa, các doanh nghiệp, tổ chức buộc phải làm việc công khai, bình đẳng với tất cả mọi người thì mới được tiếp tục đảm nhận công việc. Khi xã hội hóa, người dân trực tiếp giám sát doanh nghiệp thông qua hiệu quả công việc. Nếu doanh nghiệp làm không tốt, không tạo được sự hài lòng cho người dân thì cơ quan quản lý có quyền lựa chọn doanh nghiệp khác làm tốt hơn”, ThS. Phạm Thị Thu Hà nói.

Nhóm PV Thời sự

;
;
.
.
.
.
.