Hoa nở từ đôi tay nghị lực

.

ĐNO - Những người đối mặt với ốm đau, bệnh tật triền miên luôn có 2 lựa chọn. Một là gục ngã, phó mặc tất cả cho số phận, hai là kiên cường đứng lên vì bản thân và gia đình. Ở khoa Nội thận-Nội tiết của Bệnh viện Đà Nẵng, có một bệnh nhân đi theo lựa chọn thứ 2 suốt gần 20 năm qua.

Anh Võ Như Trọng bên vườn hoa cúc của mình. Ảnh: HÀ ANH
Anh Võ Như Trọng bên vườn hoa cúc của mình. Ảnh: H.A

Sáng thứ 2, trời còn chưa sáng hẳn, người đàn ông gầy gò hì hục dắt chiếc xe máy ra khỏi nhà. Quãng đường anh sắp sửa chạy đi dài chừng 3 chục cây số, nối từ căn nhà ở thôn 4, khối Quảng Lăng A (phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đến tiền sảnh Khoa Nội thận-Nội tiết của Bệnh viện Đà Nẵng. Đó là anh Võ Như Trọng.

Trọng ra Đà Nẵng định kỳ để chạy thận. Mỗi tuần 3 buổi, thứ 2, thứ 4 rồi thứ 6. Có lúc, anh đón một chuyến xe buýt chạy tuyến Hội An - Đà Nẵng, có lúc anh chạy xe máy. Năm nay 37 tuổi nhưng Trọng đã có đến 19 năm đi về như thế.

Hỏi thăm hoàn cảnh, mới hay gia đình Trọng nghèo khó. Cha anh qua đời, để lại người vợ không may mắc bệnh tim và những đứa con lớn lên trong thiếu thốn. Trong đó, tuổi thơ của Trọng là những tháng ngày chống chọi với những khối u nhọt, chứng phù thận và đỉnh điểm là suy thận giai đoạn cuối. “Năm 17 tuổi, bệnh thận lại hành hạ. Vậy là cuộc sống tôi gắn luôn với việc chạy thận cho đến hôm nay”, anh kể lại.

Bệnh tình của Trọng ngày một nặng, gia đình lại không mấy khá giả nên có lúc phải chạy vạy vay mượn để trang trải viện phí chạy thận nhân tạo và thuốc men cho anh. Mẹ anh - bà Huỳnh Thị Phương (66 tuổi) lại bị bệnh tim lâu năm. Thế nhưng Trọng chưa bao giờ lấy đó làm mặc cảm hay nghĩ tới việc từ bỏ cuộc sống, bởi anh thấy mình còn trách nhiệm với gia đình.

Cứ thế, 19 năm qua, anh vừa nỗ lực chạy chữa bệnh tật, vừa tìm sinh kế phụ giúp gia đình. Anh nói: “Các chị của tôi đã đi lấy chồng, còn một em trai ở nhà. Anh em tôi bảo nhau dù có khó khăn gì cũng phải lo cho mẹ và cho bản thân, không dựa vào ai được”.

Ảnh: XUÂN SƠN
Anh Trọng cùng mẹ chuẩn bị hoa kiểng cho vụ Tết. Ảnh: H.T

Trong mảnh vườn nhà, Trọng trồng khá nhiều hoa kiểng, đa phần là cúc. Năm nay là năm thứ 9 anh gắn bó với nghề trồng hoa. Niềm đam mê hoa của Trọng "bén duyên" cũng từ một chuyến đi thường nhật. Trên chuyến xe buýt cuối năm từ nhà ra bệnh viện để chạy thận, anh tình cờ bắt gặp những chậu hoa nở rộ chuẩn bị đón Tết và nghĩ tới việc trồng một vườn hoa kiểng.

Trở về sau những ngày chạy thận, Trọng tìm đến các “bậc tiền bối” trồng hoa để học hỏi kinh nghiệm. Vừa chữa bệnh vừa học, đến năm 2011, anh bắt đầu trồng đợt hoa đầu tiên với số vốn 17 triệu đồng. Do chưa có nhiều kinh nghiệm và thời tiết không thuận lợi, 300 chậu cúc pha lê đầu tiên không phát triển thành công như anh mong đợi.

Sau những “thất bại” ban đầu, không nản chí, Trọng dần học được những kĩ thuật trồng và chăm sóc hoa tối ưu. Những chậu cúc trong vườn bắt đầu phát triển xanh tươi. Đến thời điểm hiện tại, vườn hoa do chính tay anh gieo trồng đã có hơn 600 chậu hoa cúc cùng nhiều loại hoa khác như pha lê, hoa mãn đình hồng, hoa ly và hoa xác pháo… Vào dịp cận Tết, số lượng hoa lên đến 1.000 chậu, sẵn sàng cung ứng cho thị trường.

Từ ngày có vườn hoa, cuộc sống của gia đình Trọng ngày càng được cải thiện. Sau mỗi đợt hoa Tết, Trọng “bỏ túi” thu nhập gần 100 triệu - con số mà trước giờ anh chưa từng nghĩ tới. Nhờ khoản thu nhập này, gia đình anh có được điều kiện sống tốt hơn. Số tiền kiếm được, một phần anh dùng trang trải tiền chữa bệnh cho mình và mẹ, một phần sửa soạn nhà cửa khang trang hơn. Trước những nỗ lực của Trọng, Hội Nông dân phường Điện Nam Trung đã ghi nhận anh là tấm gương sáng để thanh niên địa phương học hỏi.

Trên chuyến hành trình bằng xe máy từ Đà Nẵng về Quảng Nam, Trọng chỉ nghĩ về những chậu hoa đang đợi mình trong vườn nhà và người mẹ già. Hơn ai hết, Trọng đang nỗ lực từng ngày để có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình. 

HUYỀN TRÂM - HÀ ANH

;
;
.
.
.
.
.