Người dân ghi hình, ghi âm Cảnh sát giao thông: Cần công tâm, tránh mục đích xấu

.

Bộ Công an vừa có dự thảo lần 3 thông tư mới thay thế Thông tư 54/2009/TT-BCA về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT). Theo đó, người dân sẽ có quyền ghi hình, ghi âm hoạt động tuần tra xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT).

Thời gian qua, hình ảnh Cảnh sát giao thông Công an Đà Nẵng tạo được dấu ấn tốt với người dân và du khách. TRONG ẢNH: Cảnh sát giao thông Đà Nẵng kiểm tra tình hình người nước ngoài tham gia giao thông.
Thời gian qua, hình ảnh Cảnh sát giao thông Công an Đà Nẵng tạo được dấu ấn tốt với người dân và du khách. TRONG ẢNH: Cảnh sát giao thông Đà Nẵng kiểm tra tình hình người nước ngoài tham gia giao thông.

Người dân ủng hộ

Dự thảo lần 3 của Bộ Công an quy định, người dân có quyền ghi hình ảnh, ghi âm hoạt động tuần tra xử lý vi phạm của lực lượng CSGT. Tiếp nhận thông tin này, đa số người dân cũng như các cơ quan chức năng đồng tình, ủng hộ. Theo tài xế Nguyễn Văn Hải (ngụ quận Cẩm Lệ), việc người dân ghi hình, ghi âm hoạt động của lực lượng CSGT sẽ hạn chế được tiêu cực xảy ra; qua đó giúp lực lượng làm nhiệm vụ công tâm, khách quan trong xử lý, góp phần bảo đảm trật tự ATGT.

Còn anh Phan Văn Hiệp (ngụ phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) cho rằng, chủ trương này rất tốt, nên áp dụng để hạn chế những tiêu cực trong lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông. “Thời gian qua, một số tỉnh, thành phố đã xảy ra tình trạng tiêu cực trong lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ, làm mất hình ảnh của người công an trong lòng nhân dân. Vì vậy, người dân ghi hình, ghi âm sẽ tránh được những tiêu cực này”, anh Hiệp nói.

Trao đổi về vấn đề này, nguyên đại biểu HĐND thành phố khóa VII Nguyễn Quang Nga bày tỏ sự đồng tình. Theo ông Nga, thông qua việc giám sát hoạt động, người dân biết được lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ có đúng với tác phong, quy định của pháp luật hay không. Nếu hành vi tiêu cực, lạm quyền trong thực hiện được xử lý nhờ các bằng chứng của hoạt động giám sát, ghi âm, ghi hình thì sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy Nhà nước, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng. “Dù sao, khi có người giám sát thì sẽ cảnh báo được CSGT về hành vi sai trái của mình để làm việc cho đúng luật, góp phần bảo đảm ATGT”, ông Nga nói.

Trong khi đó, theo luật sư Mai Quốc Việt, Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng), trên tinh thần tại khoản 2, Điều 8, Hiến pháp năm 2013, công dân được quyền giám sát, đấu tranh chống tham nhũng, sự quan liêu, hách dịch, cửa quyền của cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan Nhà nước. Do vậy, người dân thường dựa trên tinh thần điều khoản này để quay phim, chụp ảnh, giám sát các hoạt động của công an, CSGT khi đang làm nhiệm vụ.

Hoạt động này cũng không vi phạm bí mật đời tư. Luật sư Việt cho rằng, việc người dân giám sát hoạt động của công an, CSGT hay các lực lượng chức năng khác thông qua hình thức quay phim, chụp ảnh là rất tốt và pháp luật không cấm. Tuy nhiên, khi tiến hành việc giám sát, người dân phải có thái độ hòa nhã, lịch sự, không có các hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động thực hiện công vụ của lực lượng chức năng.

Phải công tâm khi ghi hình, ghi âm

Thượng tá Lê Văn Lực, Phó phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, được sự chỉ đạo kịp thời của Giám đốc Công an thành phố, trong lúc làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT đã nâng cao tinh thần, trách nhiệm, lễ tiết, tác phong, văn hóa ứng xử của người chiến sĩ Công an nhân dân. Do đó, lực lượng luôn làm tốt công tác và xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm về trật tự ATGT, hạn chế các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn thành phố. Hình ảnh của CSGT Đà Nẵng đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân và du khách khi đến tham quan, du lịch tại thành phố. Chính vì vậy, việc giám sát của người dân đối với lực lượng CSGT nhằm nâng cao trách nhiệm của lực lượng trong thực thi nhiệm vụ, tránh những hành vi tiêu cực xảy ra.

Tuy nhiên, ông Lực cho rằng, người dân khi giám sát lực lượng CSGT phải công tâm, khách quan, trung thực, tránh gây ức chế cho cán bộ, chiến sĩ thực thi công vụ. Thực tế trong thời gian qua tại Đà Nẵng có 1 trường hợp đã vi phạm giao thông còn quay clip vu khống lực lượng làm nhiệm vụ, mặc dù sau đó người này đã đến xin lỗi lực lượng công an. Ở vụ việc này, nhờ có sự giám sát của người dân nên người vu khống đã thay đổi hành vi và biết cái sai của mình; qua đó uy tín của lực lượng công an được nâng lên. “Chúng tôi xác định không tránh khỏi việc phát sinh những tình huống ngoài mong muốn như thế và sẽ có những cách xử lý cho phù hợp”, Thượng tá Lê Văn Lực nói thêm.

Còn luật sư Mai Quốc Việt cho rằng, bên cạnh những điểm tốt, mặt tích cực thì cũng không tránh khỏi việc một số người dân lợi dụng việc giám sát để tuyên truyền, bêu xấu, xuyên tạc... Trong trường hợp xảy ra sự việc nêu trên thì lực lượng chức năng cần bình tĩnh giải quyết, giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ và yêu cầu chấm dứt hành vi. “Nếu lực lượng chức năng công tâm, thực hiện hành vi đúng quy định thì không phải lo lắng với sự việc ghi hình, chụp ảnh của người dân và tùy theo tính chất, sự việc thì những hành vi vi phạm của người dân khi quay phim, chụp hình không đúng quy định sẽ bị xử lý về mặt hành chính hoặc hình sự”, luật sư Việt phân tích.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Nga cho rằng, sẽ không có mặt trái nào từ việc ghi hình ảnh, ghi âm của người dân. Người dân cũng không thể dựng chuyện để vu vạ cho CSGT. Hầu hết người dân không muốn làm chuyện đó, chỉ có một số kẻ xấu lợi dụng nhằm bôi xấu, vu vạ lực lượng thực thi pháp luật nhằm mục đích hạ uy tín cơ quan Nhà nước, điều này chắc chắn lực lượng chức năng sẽ biết và xử lý theo đúng quy định…

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.