Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ rõ thực tiễn đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể như công tác cán bộ, chỉnh đốn xây dựng Đảng; đổi mới, hoàn thiện thể chế.
Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Ngay sau khi kết thúc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Đảng bộ các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương triển khai quán triệt nhanh các nội dung của Hội nghị tới cán bộ, đảng viên.
Đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên cho rằng, đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2019, năm 2020 cũng như cả nhiệm kỳ và tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Ngoài văn kiện và nhân sự, hội nghị lần này đã đề cập đến những vấn đề hệ trọng của đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Hội nghị đã chỉ rõ thực tiễn đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể như công tác cán bộ, chỉnh đốn xây dựng Đảng; đổi mới, hoàn thiện thể chế; những chủ trương, giải pháp phù hợp, có tính khả thi cao nhằm đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Những vấn đề hệ trọng
Theo dõi Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII từ phiên khai mạc đến bế mạc, tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đặc biệt hoan nghênh phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về việc “khuyến khích, động viên, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.”
Trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, phát triển và hội nhập sâu rộng cũng như tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 càng bức thiết yêu cầu và đòi hỏi về đội ngũ cán bộ có vai trò rường cột trong tham mưu hoạch định chính sách, trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng và thực thi luật pháp, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội.
Hiểu cụ thể và đơn giản nhất, đó là những cán bộ có sáng kiến, sáng tạo, dám phát huy những sáng kiến, sáng tạo và dám chịu trách nhiệm. Thế nhưng, dường như đội ngũ cán bộ hiện nay đang thiếu những người như vậy.
“Trong tình hình đó thì không thể buông xuôi, càng phải quan tâm đến vấn đề này. Đất nước đổi mới mạnh mẽ thì càng cần những cán bộ có nhiều sáng kiến, sáng tạo. Đó là một yêu cầu từ công cuộc đổi mới của đất nước và đáp ứng được công cuộc đổi mới của đất nước. Đất nước thời điểm này rất cần những cán bộ, những con người như vậy để đưa vào Trung ương và các cấp lãnh đạo. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trong đưa vấn đề đó tại Hội nghị lần này là hoàn toàn chính xác, hoàn toàn cần thiết trong điều kiện hiện nay,” tiến sỹ Nguyễn Viết Chức nêu suy nghĩ.
Cho rằng tại Hội nghị lần này, thông điệp “khuyến khích, động viên, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm” là ý đồ triển khai mang tính chuỗi vấn đề, tiến sỹ Nguyễn Viết Chức dẫn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc," "Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém" và bộc bạch, đo tạo biết bao công sức mới được một cán bộ cấp tỉnh, thành phố, chưa nói đến cán bộ cấp Trung ương, Bộ Chính trị.
Vậy nên mất một người là tổn thất chung cho toàn Đảng, toàn dân chứ không phải chỉ có người có khuyết điểm.
Để tránh tổn thất, cần phải làm tốt công tác cán bộ ngay từ khâu đầu. Phải sàng lọc cán bộ ngay từ cấp cơ sở.
Cần kiên quyết không để lọt vào các cấp ủy những trường hợp cơ hội, luồn lách, những người sáng cắp ô đi, tối cắp ô về hay những anh tranh công, đổ lỗi.
Người nào không có khả năng làm công tác sàng lọc đó cũng phải chịu trách nhiệm, không thể đổ cho tập thể, cấp ủy Đảng.
“Chúng ta vừa thấy có những cấp ủy phải chịu kỷ luật. Đó là việc làm rất kiên quyết của Đảng," tiến sỹ Nguyễn Viết Chức nêu ý kiến.
Bộ máy ít “bệnh tật”
Đặc biệt quan tâm đến những thông tin phát đi từ Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, bà Đỗ Thị Tám, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hà Thành (Hương Viên, Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ, sự hùng cường hay yếu nhược của bất kỳ quốc gia, dân tộc hay chế độ nào đều phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ - những con người có khả năng chính trị và nghệ thuật lãnh đạo, quản lý.
Chia sẻ thông tin nhiều doanh nghiệp tư nhân hoan nghênh Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại hội nghị rằng, khuyến khích và tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, bà Đỗ Thị Tám cũng bày tỏ, chủ trương thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân đã được các lãnh đạo cao nhất của Ðảng, Chính phủ nhiều lần khẳng định, quyết liệt chỉ đạo nhưng thực tế đâu đó vẫn còn tình trạng "trên trải thảm, dưới rải đinh” khiến không ít doanh nghiệp tư nhân suy giảm nhiệt huyết kinh doanh, sản xuất.
Theo ý kiến của bà Đỗ Thị Tám, “gốc rễ” rào cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước nhà cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian qua, được xác định có phần không nhỏ từ những bất cập, thiếu đồng bộ của cơ chế, chính sách xa rời thực tiễn; sự nhũng nhiễu từ cán bộ cấp cơ sở trong quá trình thực hiện các thủ tục, điều kiện kinh doanh.
Do đó, để không có khoảng trống giữa chủ trương và thực tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt, nâng cao vị thế vào sự đóng góp phát triển của nền kinh tế, theo mong mỏi và kiến nghị của bà Đỗ Thị Tám, rất cần bộ máy của các cơ quan công quyền được vận hành tốt, có hiệu quả và ít “bệnh tật.”
Để đạt được điều này, Đảng và Nhà nước cần “khuyến khích, động viên, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm,” đồng thời, kiên quyết làm trong sạch bộ máy, loại bỏ những cán bộ ngay từ cấp cơ sở nếu không còn đủ phẩm chất.
Theo Vietnamplus.vn