Với nhiều điểm du lịch nổi tiếng như khu vực phía đông cầu Rồng, cầu Tình yêu, khu chợ đêm, công viên Biển Đông..., quận Sơn Trà đang thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng và mua sắm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, cơ quan chức năng gặp lúng túng trước tình trạng xử lý người nước ngoài ăn xin núp bóng... biểu diễn nghệ thuật đường phố, bán tranh ảnh, trò chơi thưởng tiền.
Bán tranh với “bất cứ giá nào bạn muốn”. |
Đầu năm 2019, ở khu vực đầu cầu Rồng, cầu Tình yêu, chợ đêm Sơn Trà xuất hiện một phụ nữ lang thang xin ăn và tối ngủ luôn tại đây. Nhận được tin báo của nguời dân, đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quận đến xử lý nhưng gặp khó khăn khi đây là Việt kiều Mỹ.
Người này từng có hộ khẩu thường trú tại quận Hải Châu, sau đó qua Mỹ định cư cùng gia đình và đã có quốc tịch Mỹ. Vì là người nước ngoài nên khi quận Sơn Trà đề nghị chuyển đối tượng về Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố quản lý thì đơn vị này từ chối vì chưa có tiền lệ “nuôi” người nước ngoài.
Theo ông Ngô Phú Vinh, Phó phòng LĐ-TB&XH quận Sơn Trà, địa phương khá lúng túng với trường hợp này vì chuyển đi đâu cũng không được, còn để ăn ở trên đường phố thì không xong.
Cuối cùng, quận phải “cầu cứu” Chủ tịch UBND thành phố, đến lúc này Trung tâm Bảo trợ xã hội mới tiếp nhận. Rất may sau đó ngành chức năng tìm được chị ruột của người này - hiện sinh sống ở quận Sơn Trà, nên đã vận động đến nhận người nhà về nuôi. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải quyết bước đầu, vì nếu người này tạm trú quá lâu tại thành phố cũng không được...
Cuối tháng 6-2019, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phát hiện và báo cho Phòng LĐ-TB&XH quận xử lý một người Trung Quốc lang thang xin ăn trên địa bàn.
Với sự giúp đỡ của Phòng Xuất nhập cảnh và Công an thành phố, Phòng LĐ-TB&XH quận mới truy ra được trường hợp này nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường bộ nên đã mua vé cho người này ra Lạng Sơn để trở về Trung Quốc.
Cũng trong tháng 8 vừa qua, quận phát hiện trường hợp người nước ngoài vào những quán nhậu trên địa bàn xin chủ quán biểu diễn một số tiết mục văn nghệ, ảo thuật, sau đó mang mũ đến từng bàn xin tiền... bồi dưỡng!
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Trưởng phòng LĐ-TX&XH quận Sơn Trà, các cơ quan chức năng quận khá lúng túng trong việc xử lý người nước ngoài hằng đêm tập trung về khu vực đầu cầu Rồng, cầu Tình yêu, khu chợ đêm bán tranh ảnh, hoặc ca hát với mục đích xin tiền. Theo quy định của thành phố, hành vi này được xác nhận là “lang thang ăn xin trá hình”.
Trường hợp này nếu rơi vào người Việt Nam thì việc xử lý dễ dàng và thực tế từ đầu năm đến nay, quận Sơn Trà đã xử lý 9 người Việt lang thang xin ăn hoặc ăn xin trá hình dưới dạng bán hàng rồi tranh thủ xin thêm tiền của người mua.
Thế nhưng cũng hành vi tương tự nhưng xử lý người nước ngoài là không thể mà đa phần chỉ yêu cầu họ dừng hoạt động với các lý do khác như: cản trở lưu thông, gây mất trật tự... chứ chưa thể làm gì khác.
Theo ông Ngô Phú Vinh, việc xử lý người nước ngoài gặp khó khăn vì không thể “ghép” họ vào lỗi vi phạm “lang thang ăn xin trá hình”; bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn gặp sự đối phó rất khôn ngoan của những người này khi họ cố tình không hiểu phiên dịch nói gì nên cuộc trao đổi gần như không tiến triển.
“Có trường hợp chúng tôi phải liên hệ với Công an Xuất nhập cảnh để tìm thông tin họ khai quốc tịch nước nào khi nhập cảnh vào Việt Nam, sau đó nhờ Sở Ngoại vụ can thiệp nên mất rất nhiều thời gian”, ông Vinh nói.
Với đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch, thời gian đến, thành phố nói chung và quận Sơn Trà nói riêng sẽ có thêm rất nhiều du khách từ khắp nơi đến tham quan, nghỉ dưỡng. Vì vậy, cơ quan chức năng và các địa phương cần sớm có phương án xử lý hiệu quả những trường hợp người nước ngoài “lang thang ăn xin trá hình” nhằm bảo đảm môi trường văn minh của thành phố.
Bài và ảnh: THANH VÂN