Thành phố an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

.

An toàn là nhu cầu cơ bản của con người, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển, tiến bộ của cá nhân, là hạnh phúc của mỗi gia đình và điều kiện không thể thiếu cho sự bền vững của xã hội.

Vấn đề bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái rất cấp thiết, là một trong những cơ sở quan trọng trong thực thi nhân quyền và bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Phụ nữ Đà Nẵng tham gia diễu hành kêu gọi cộng đồng chung tay phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. (Ảnh: Hội LHPN thành phố cung cấp)
Phụ nữ Đà Nẵng tham gia diễu hành kêu gọi cộng đồng chung tay phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. (Ảnh: Hội LHPN thành phố cung cấp)

Theo thống kê tại Đà Nẵng, từ năm 2016 đến 2018 có 464 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ); trong đó, bạo lực thân thể, tinh thần chiếm tỷ lệ rất cao so với các loại hình bạo lực khác (kinh tế, tình dục). Đây là những vụ việc được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Trên thực tế, BLGĐ diễn ra thường xuyên, số vụ việc còn cao hơn rất nhiều nhưng thông thường nạn nhân che giấu hoặc chỉ dừng lại ở hòa giải.

Số vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến BLGĐ tăng hằng năm và số vụ được các cơ quan chức năng giải quyết ly hôn chiếm 40% trong số các vụ án được giải quyết. Người bị bạo lực chủ yếu là phụ nữ 16-59 tuổi, nạn nhân có thể trạng yếu so với nam giới, khả năng chống lại hạn chế. Rất nhiều vụ BLGĐ bị bỏ qua vì còn một quan niệm được hình thành và ăn sâu trong tiềm thức của cộng đồng dân cư khi cho rằng BLGĐ là chuyện riêng của mỗi gia đình.

Tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em cũng là vấn nạn của xã hội, nhiều vụ việc gây hậu quả đau lòng khi nạn nhân đang ở tuổi đời rất nhỏ, chưa có nhận thức về bảo vệ bản thân nên dễ bị lợi dụng, xâm hại. Từ năm 2016-2018, thành phố xảy ra 38 vụ xâm hại, số trẻ em gái bị xâm hại là 31 vụ.

Những vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện và xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự; còn rất nhiều vụ việc gia đình của trẻ em gái là nạn nhân không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác cho cơ quan chức năng vì e ngại lộ thông tin, ảnh hưởng đến trẻ và gia đình hoặc bị thủ phạm đe dọa hay dùng tiền để thỏa thuận, hòa giải.

Thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều bất cập nhất định thể hiện qua số lượng các vụ BLGĐ, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái vẫn chưa giảm, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các vụ việc xâm hại ngày càng tăng về mức độ, gây phẫn nộ trong dư luận xã hội.

Từ thực trạng bạo lực, xâm hại có thể nhận định công tác triển khai thực hiện luật và các văn bản dưới luật liên quan đến phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ở một số nơi có lúc còn chậm, chưa đồng bộ.

Nhận thức pháp luật của một số cán bộ, công chức cũng như của người dân còn hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tư tưởng định kiến; bất bình đẳng giới (BĐG) làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu BĐG.

Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái, xử lý các vụ việc bạo lực chưa thường xuyên; việc xử lý các vi phạm về quyền trẻ em, quyền phụ nữ chưa được chú trọng nên làm giảm tính răn đe, phòng ngừa chung.

Công tác phối hợp một số ban, ngành chưa được thực hiện thường xuyên, đôi lúc còn mang tính hình thức, thiếu sự chặt chẽ. Các cơ chế phục hồi quyền và lợi ích sau khi bị xâm hại còn chậm thực hiện, chưa đầy đủ nên chưa phát huy tính kịp thời.

Làm gì để xây dựng thành phố an toàn?

Từ thực trạng trên, Hội LHPN thành phố Đà Nẵng đề xuất một số giải pháp, như sau: Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền và sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc ban hành chỉ thị, văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ, trong đó có trẻ em gái.

Hai là, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, cần chú ý đến đối tượng tuyên truyền là nam giới; tiếp tục duy trì và nhân rộng các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, đặc biệt là nhân rộng các CLB “Nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

Cần huy động sức mạnh dư luận xã hội và môi trường văn hóa trong lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục; tăng cường phương pháp tích hợp trong giáo dục và vai trò của gia đình; nắm bắt dư luận; phân tích, xử lý dư luận, định hướng dư luận xã hội.

Ba là, thành phố cần có kế hoạch, giải pháp về cơ sở hạ tầng công cộng, chú trọng về quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị theo hướng tiếp cận và xử lý mới trong vấn đề cải tạo không gian đô thị, xây dựng các tiện nghi, tiện ích trong đô thị, xây dựng cơ chế quản trị đô thị dựa trên sự ưu tiên trong việc bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho khu vực ven đô, nông thôn, xây dựng hệ thống giao thông công cộng an toàn và tiện lợi.

Bốn là, cần hoàn thiện thể chế luật pháp, các vấn đề liên quan trực tiếp đến bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái; chú trọng việc cân nhắc đến tính răn đe, phòng ngừa nhiều hơn; quy định rõ về cơ chế bảo vệ đối với phụ nữ và trẻ em, giám sát để ngăn chặn các hành vi xâm hại ở những nơi công cộng; rút ngắn và đơn giản hóa trình tự xử lý hành vi bạo lực, xâm hại.

Bổ sung quy định những vụ án xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tình dục, danh dự, nhân phẩm đối với phụ nữ và trẻ em gái phải có đại diện của Hội Phụ nữ tham gia trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án.

Năm là, thành phố cần thành lập các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực, như: Gói dịch vụ y tế thiết yếu: cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng đối với phụ nữ và trẻ em gái là tối cần thiết, không chỉ để bảo đảm rằng nạn nhân bị bạo lực được tiếp cận với những chuẩn mực y tế có thể đạt được mức cao nhất, mà còn bảo đảm rằng các nhân viên cung ứng dịch vụ y tế (như y tá, nữ hộ sinh, bác sĩ và các nhân viên khác) thường là những người đầu tiên có chuyên môn tiếp xúc với nạn nhân.

Gói dịch vụ thiết yếu tư pháp và hành pháp: cung cấp hướng dẫn cho việc thiết kế, thực hiện và rà soát chất lượng của ngành tư pháp dành cho phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của mọi hình thức bạo lực trên cơ sở giới.

Gói dịch vụ thiết yếu dịch vụ xã hội: tạo ra một công cụ thiết thực giúp các cơ quan, đơn vị thực hiện được những kế hoạch, chương trình về xóa bỏ và ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Gói này có ý nghĩa quyết định trong việc hỗ trợ bảo đảm quyền, sự an toàn, an sinh của phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực. Gói dịch vụ thiết yếu điều phối và quản trị điều phối: cung cấp cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái từng bị bạo lực trên cơ sở giới được tiếp cận tốt hơn tới các dịch vụ đa lĩnh vực, có điều phối và chất lượng.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái được coi là một trở ngại chính đối với mục tiêu BĐG tại Việt Nam nói riêng, trên thế giới nói chung và là hành vi vi phạm quyền con người.

Việc xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn-không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là cơ sở để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đây là vấn đề đã và đang nhận được sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ của xã hội với mục tiêu xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái hướng đến BĐG.

Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN thành phố
 

;
;
.
.
.
.
.