Tình nguyện "chất lượng cao"

.

Bằng việc tự tay mang đến cho người dân vùng khó khăn các công trình điện chiếu sáng hoặc những sản phẩm hình thành từ các đề tài nghiên cứu khoa học, sinh viên các trường thành viên Đại học (ĐH) Đà Nẵng đang dần đưa tri thức vào nhiều hơn trong hoạt động tình nguyện.

Sinh viên Đại học Đà Nẵng đưa tri thức vào nhiều hơn trong các hoạt động tình nguyện. TRONG ẢNH: Sinh viên Đà Nẵng dạy bổ túc văn hóa hè cho học sinh.
Sinh viên Đại học Đà Nẵng đưa tri thức vào nhiều hơn trong các hoạt động tình nguyện. TRONG ẢNH: Sinh viên Đà Nẵng dạy bổ túc văn hóa hè cho học sinh.

Từ đầu năm đến nay, nhiều mô hình nghiên cứu khoa học của sinh viên ĐH Đà Nẵng đưa về các vùng quê nghèo thông qua các chuyến tình nguyện đã và đang phát huy hiệu quả. Trong đó phải kể đến việc lắp đặt hệ thống đèn điện cho huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) của sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật; chuyển giao mô hình trồng nấm cho huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) của sinh viên Trường ĐH Sư phạm; hệ thống chiếu sáng đường quê bằng năng lượng mặt trời tại huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) của sinh viên Trường ĐH Bách khoa và đề án phát triển du lịch cho huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) của sinh viên Trường ĐH Kinh tế...

Anh Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, cho biết: “Năm nào trường cũng đi khảo sát các vùng quê chưa có điện chiếu sáng để hỗ trợ lắp đặt. Với lợi thế về chuyên ngành kỹ thuật điện, điện tử nên công tác kéo dây, lắp điện cho bà con nông dân diễn ra thuận lợi hơn. Không chỉ bà con được hưởng lợi từ mô hình này mà các bạn trẻ cũng cảm thấy rất vui khi được thực tập, trải nghiệm nghề nghiệp, trau dồi kỹ năng ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường”. Cứ như vậy, 3 năm liên tiếp, năm nào sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cũng thực hiện các chương trình chung sức cộng đồng tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biển, đảo.

Cũng mang sức trẻ góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới, nhiều năm qua, sinh viên Trường ĐH Sư phạm đến với huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) triển khai, chuyển giao mô hình trồng nấm cho bà con. Tại các xã của huyện Hòa Vang, sinh viên Trường ĐH Sư phạm cũng duy trì việc hỗ trợ mô hình chuyển giao trồng cây dược liệu, nấm và cây giống. Ngoài ra, nhiều nhóm sinh viên còn mở các lớp bổ túc văn hóa hè cho học sinh; lớp bồi dưỡng đổi mới phương pháp dạy học cho hàng trăm giáo viên theo đúng chuyên ngành sư phạm.

Chị Lê Sao Mai, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm, khẳng định: “Chúng tôi đang nỗ lực sáng tạo, đưa những đề tài, sản phẩm khoa học công nghệ của mình đến với bà con. Và những mô hình trồng nấm, cây dược liệu cũng chính là hướng đi chúng tôi hướng tới với mong muốn được mang nhiều hơn tri thức khoa học vào mỗi chuyến tình nguyện”.

Ngoài hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, sinh viên Trường ĐH Sư phạm còn hướng dẫn người dân cách phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, tổ chức các buổi ngoại khóa tuyên truyền bảo vệ môi trường cho học sinh và người dân tại địa phương. Trong khi đó, sinh viên Trường ĐH Bách khoa mang đến vùng xa của huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) hệ thống thắp sáng đường quê bằng năng lượng mặt trời; đồng thời mở lớp bồi dưỡng kỹ năng sử dụng tin học văn phòng cho cán bộ, đoàn viên thanh niên các xã khó khăn.

Có thể thấy, việc sinh viên phát triển và áp dụng nhiều mô hình nghiên cứu khoa học vào cuộc sống đã và đang được các trường ĐH trên địa bàn thành phố quan tâm thực hiện. Anh Dương Nguyễn Minh Huy, Bí thư Đoàn ĐH Đà Nẵng, nhìn nhận: “Hiện nay, Đoàn Thanh niên các trường ĐH, cao đẳng thuộc ĐH Đà Nẵng đang hướng đến việc tình nguyện “chất lượng cao”. Những hoạt động này không chỉ giúp sinh viên phát huy được chuyên môn, thế mạnh của mình mà từ những sản phẩm nghiên cứu khoa học, các mô hình kỹ thuật được áp dụng đã phần nào giúp giải quyết nhu cầu thực tế của địa phương”. Những việc làm cụ thể của sinh viên ĐH Đà Nẵng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân nơi đến và tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng, thể hiện được tinh thần xung kích, tình nguyện của sinh viên.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.