Bão số 6 áp sát Bình Định - Khánh Hoà, cảnh báo mưa lớn ở Quảng Nam - Đà Nẵng

.

ĐNO – Đến trưa 10-11, vị trí tâm bão số 6 chỉ còn cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 200km về phía đông với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13. Các bộ, ngành, địa phương đã huy động hơn 250.000 cán bộ, chiến sĩ cùng 2.300 phương tiện trực sẵn sàng ứng phó số 6.

Tâm bão số 6 sẽ cập bờ biển từ Bình Định đến Khánh Hòa vào khuya 10-11. (nguồn: Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai).
Tâm bão số 6 sẽ cập bờ biển từ Bình Định đến Khánh Hòa vào khuya 10-11. (nguồn: Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai).

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 6 đang di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ từ 10-15km/giờ. Dự kiến đến tối 10-11, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Sau đó, bão di chuyển theo hướng tây và đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 và suy yếu dần.

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển phía tây khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, giật cấp 13, sóng biển cao từ 5-7m, biển động rất mạnh. Khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 4-6m, biển động rất mạnh.

Từ chiều tối nay (10-11), trên đất liền ven biển các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11; vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 1,5 - 2,5m.

* Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, từ ngày 10 đến 12-11, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Nam Trung Bộ nối với bão số 6 sau là hoàn lưu bão số 6 nên tại Đà Nẵng và Quảng Nam có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng, nhất là từ chiều ngày 10 đến ngày 11-11.

Từ chiều 10-11 đến ngày 12-11, trên sông Vu Gia và các sông thuộc Đà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt lũ với mực nước đỉnh lũ trên các sông khả năng lên mức báo động 1, có sông trên mức báo dộng 1. Nguy cơ xảy ra lũ quét ở vùng núi, tập trung chủ yếu ở huyện Hoà Vang, quận Liên Chiểu; sạt lở đất ở các sườn dốc, bờ sông; ngập úng ở vùng thấp trũng và khu vực nội thị.

* Trong sáng 10-11, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tiếp tục đề nghị các bộ, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 1512/CĐ-TTg ngày 8-11-2019 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung di dời, sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven biển, cửa sông, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là trên các tuyến đường ven biển, các cầu vượt biển, khu vực qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi có sự cố; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, đưa tin kịp thời diễn biến của bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng tránh; dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão…

Hiện nay, các đơn vị, địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 phương tiện/243.063 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, trong đó: có 41.286 tàu neo đậu tại bến (206.303 lao động); 108 tàu với 2.729 lao động đang hoạt động, neo đậu tại khu vực giữa Biển Đông đã vào trú tránh tại các đảo hoặc di chuyển xuống phía nam để tránh bão; 5.963 tàu với 34.031 lao động hoạt động ven bờ, các vùng biển khác. Cạnh đó đã thông báo, hướng dẫn di chuyển, gia cố và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho 123.729 lồng bè nuôi trồng thủy sản (9.566 lao động) tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức 3 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với bão số 6. Theo đó, vào ngày 9-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra tại kè Nhơn Hải, cảng Quy Nhơn (Bình Định) và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đi kiểm tra tại Quảng Ngãi. Trong ngày 10-11, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu sẽ đi kiểm tra tại Phú Yên và Khánh Hòa.

Bộ Ngoại giao đã có công hàm đề nghị một số nước, vùng lãnh thổ tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền Việt Nam được trú, tránh và hỗ trợ cứu nạn khi có yêu cầu. Bộ Quốc phòng, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tau và Tìm kiếm cứu nạn đã huy động hơn 250.000 cán bộ, chiến sĩ cùng 2.300 phương tiện trực sẵn sàng ứng phó số 6.

Các tỉnh, thành phố gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã ban hành lệnh cấm  tàu thuyền ra ra khơi. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa cho học sinh nghỉ học vào ngày 11-11 và đã lên kế hoạch di dời tổng cộng 44.503 hộ dân với 181.188 người tại các khu vực nguy hiểm ven biển, trên đảo, các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất…

Đến sáng 10-11, tỉnh Phú Yên đã di dời 152 hộ dân với 693 người ở khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở đến nơi trú tránh an toàn, chằng chéo 752 phương tiện và 200 nhà dân, 4 trường học, đưa 155 thuyền máy lên bờ; tỉnh Bình Định sơ tán dân khu vực trọng điểm, đặc biệt các hộ dân tại khu vực kè Nhơn Hải.

HOÀNG HIỆP

 

;
;
.
.
.
.
.